1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tổng thống Trump và "cây gậy" chính sách

Dù mạnh tay phá bỏ những thành tựu quan trọng của người tiền nhiệm, Tổng thống Donald Trump hiện vẫn loay hoay để tìm ra giải pháp đảm bảo “nước Mỹ trên hết”.

Sau khi r út khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran , Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục quay lưng với đồng minh cộng đồng Arab khi chuẩn bị khai trương đại sứ quán ở Jerusalem vào thứ Hai tuần tới, nơi mà trước đó ông Trump đã chính thức tuyên bố Mỹ công nhận là thủ đô của Israel .

Dỡ bỏ thành tựu của người tiền nhiệm

Nhậm chức vào đầu năm 2017 với khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết”, ông Trump ngay lập tức khai tử Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một biểu tượng, công cụ thể hiện vị thế và cam kết của nước Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của chính quyền Barack Obama. Việc rút khỏi TPP đã khiến không ít đồng minh và đối tác quan trọng ở châu Á của Mỹ như Nhật Bản, Úc, Philippines,... mất niềm tin vào Mỹ và tìm phương án thay thế.

Vừa khai tử TPP, ông Trump tiếp tục “quay lưng” với các đồng minh Liên minh châu Âu, trong đó bao gồm cả khối các quốc gia trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vốn có quan hệ rất tốt với Mỹ nhiều thập niên qua. Không chỉ gia tăng điều kiện tài chính với các nước đồng minh EU, ông Trump còn đưa ra đạo luật đánh thuế lên nhôm, thép và buộc EU đặt ra các hạn ngạch xuất khẩu sang Mỹ, đặt quan hệ Mỹ-EU vào một không gian nặc mùi chiến tranh thương mại.

Ở khu vực Trung Đông, chính sách của ông Trump trực tiếp trừng phạt thẳng tay các nước đối thủ. Mở đầu là chiến tranh Syria, nơi mà chính quyền tiền nhiệm Obama đã đặt ra “lằn ranh đỏ” cho Tổng thống Syria Assad, phối hợp với Nga để tháo ngòi một cuộc chiến phi nghĩa. Ông Trump trong vòng một năm đã hai lần tấn công Syria bằng tên lửa, không giải quyết được các khúc mắc chính trị nhưng trái lại đẩy vô số người dân Syria vào cảnh khốn cùng của chiến tranh.


Ông Trump đang khó khăn với chính sách “nước Mỹ trên hết”. Ảnh: COFFRINI/GETTY

Ông Trump đang khó khăn với chính sách “nước Mỹ trên hết”. Ảnh: COFFRINI/GETTY

Nối tiếp chiến tranh Syria, ông Trump tuyên bố rút khỏi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) - thỏa thuận mà ông Obama đã thành công khi đưa Iran vào một luật chơi chung với cơ chế giám sát hạt nhân khắc nghiệt. Các đồng minh phương Tây bao gồm cả Anh, Pháp, Đức đã rất nỗ lực trong việc thuyết phục ông Trump không phá bỏ JCPOA để tránh làm phức tạp hơn tình hình nhưng bất thành. Mỹ đang đối đầu với Iran về vấn đề khủng bố nhưng phải phân biệt mâu thuẫn này với JCPOA - vốn Iran tuân thủ thực hiện. Chính sự thiếu rạch ròi của ông Trump đã dẫn đến một quyết định mà ông Obama khẳng định “sai lầm nghiêm trọng”.

Vào ngày 14-5 tới đây, Mỹ khai trương đại sứ quán tại Jerusalem bất chấp phản đối của Palestine và cộng đồng Arab. Các đồng minh Arab đã cảnh báo từ năm 2017, quyết định của ông Trump có thể sẽ đẩy khu vực vào tình thế đối đầu và xung đột. Vấn đề Jerusalem vốn rất nhạy cảm mà Mỹ lâu nay đóng vai trò trung gian, hòa giải đảm bảo hòa bình. Ông Trump đã phá bỏ vị thế này khi những người tiền nhiệm phải khéo léo và kiên nhẫn để dàn xếp ổn thỏa.

Về thương mại, ông Trump cũng tiến hành các đạo luật đánh thuế nhập khẩu, biện pháp phi thuế quan (như hạn chế lượng nhập khẩu) với nhiều quốc gia, trong đó gồm cả những đồng minh và đối tác chủ chốt của Mỹ. Các đạo luật này cho đến giờ chỉ thành công tương đối với Hàn Quốc, trong khi vẫn bị các nước Mỹ Latinh, EU hay Trung Quốc mặc cả, thậm chí là thách thức chiến tranh thương mại, tạo ra một không khí căng thẳng, làm bất an thị trường. Khi chính quyền Obama cố gắng tự do hóa thương mại thì ông Trump đang nỗ lực đi ngược lại.

Chiến lược thay thế thiếu rành mạch

Điều gần như duy nhất trong chính sách đối ngoại của ông Trump tạo ra sự lạc quan tương đối chính là giải quyết chiến tranh liên Triều. Cuộc gặp thượng định Mỹ-Triều tới đây được kỳ vọng sẽ tháo gỡ xung đột kéo dài giữa hai miền Triều Tiên. Trong khi đó, những gì mà ông Trump tháo dỡ của người tiền nhiệm vẫn chưa có những giải pháp thay thế mạch lạc.

Về ngoại giao, ông Trump đang bị bủa vây bởi những khó khăn ở phạm vi toàn cầu, từ Mỹ Latinh với chính sách “ngăn sông cấm chợ”, châu Á lẫn châu Âu với chính sách từ bỏ đồng minh, gia tăng căng thẳng với Nga. Không chỉ đánh mất dần vai trò đồng minh, đối tác lớn tin cậy, đường lối cứng rắn của ông Trump đang phá vỡ vai trò trung gian đảm bảo hòa bình tại các điểm nóng như Trung Đông hay các vùng biển có tranh chấp ở châu Á. Hệ quả là việc thiếu ủng hộ và tin tưởng của các đồng minh chủ chốt đã tạo cơ hội cho Trung Quốc và Nga thu hẹp khoảng cách quyền lực tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, ngay cả khi Mỹ vẫn còn là người dẫn đầu.

Ngoại giao Mỹ dưới thời ông Trump dường như từ bỏ khái niệm “cây gậy và củ cà rốt”, không áp dụng uyển chuyển giữa sự trừng phạt và sự ưu ái. Các chính sách của ông Trump chỉ dùng “cây gậy” và từ chối các giải pháp ngoại giao mềm dẻo, sẵn sàng nổ súng với đối thủ như cách mà ông Trump ủng hộ đạo luật sở hữu súng ở Mỹ. Nhìn vào nội các thiếu ổn định, các chính sách bị chống lại bởi đồng minh, thậm chí là cả những người tham vấn của Nhà Trắng sẽ thấy một tổng thống Trump, một cây gậy và sự cô đơn trong chính sách. Điều này dường như đang gây phản tác dụng.

Theo Thảo Đoàn

Pháp luật TP.HCM