1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Trump sẽ đối phó thế nào sau khi thua kiện?

(Dân trí) - Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có một số lựa chọn, hoặc tiếp tục cuộc chiến pháp lý hoặc sẽ phải chấp nhận điều chỉnh, thậm chí ban hành một sắc lệnh mới sau khi tòa phúc thẩm quyết định duy trì đóng băng sắc lệnh di trú gây tranh cãi của ông.


Công dân Syria vui mừng khi vẫn có thể đặt chân đến Mỹ do sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump bị tạm ngừng thực thi. (Ảnh minh họa: Reuters)

Công dân Syria vui mừng khi vẫn có thể đặt chân đến Mỹ do sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump bị tạm ngừng thực thi. (Ảnh minh họa: Reuters)

Tòa án phúc thẩm khu vực số 9 có trụ sở tại San Francisco cuối ngày 9/2 quyết định duy trì phán quyết tạm ngừng thực thi sắc lệnh di trú gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Trong thông báo phát đi hôm qua, Tòa phúc thẩm khu vực số 9 nói rằng, phán quyết của tòa án cấp thấp hơn ở Seattle về việc tạm ngừng thực thi sắc lệnh di trú trên toàn nước Mỹ sẽ còn nguyên hiệu lực, trong thời gian này, các thẩm phán sẽ xem xét, đánh giá thêm tính hợp pháp của phán quyết.

Tổng thống Trump đã lập tức phản ứng khá gay gắt, với bình luận trên Twitter rằng: “Hẹn gặp nhau ở tòa! An ninh của chúng ta đang bị đe dọa”. Tuyên bố này ngầm chỉ chính quyền của ông Trump có thể sẽ theo đuổi đến cùng trong cuộc chiến pháp lý quanh sắc lệnh di trú.

Bộ Tư Pháp Mỹ trong thông cáo hôm qua cho biết sau phán quyết của tòa phúc thẩm, chính quyền đang cân nhắc 4 phương án sau đây:

Chuyển lên Tòa án tối cao

Chính quyền của Tổng thống Trump có thể khiếu nại trực tiếp lên Tòa án tối cao. Tuy nhiên, đây là con đường khá trắc trở bởi Tòa án chỉ chấp nhận thụ lý vụ kiện khi có sự chấp thuận của 5 trong tổng số 8 thẩm phán của tòa này. Trong khi đó, 8 thẩm phán của tòa hiện đang ở thế cân bằng 4 thẩm phán với quan điểm bảo thủ và 4 thẩm phán với quan điểm tự do. Quá trình phê chuẩn vị thẩm phán thứ 9 là Neil Gorsuch do Tổng thống Trump đề cử lại mới chỉ bắt đầu.

Vì lý do này, Tòa án tối cao có thể từ chối đơn kháng cáo của chính quyền Tổng thống Trump.

Đưa lên Tòa án phúc thẩm toàn thể

Bộ Tư phá Mỹ có thể kháng cáo phán quyết của tòa phúc thẩm khu vực số 9 lên Tòa phúc thẩm toàn thể. Khi đó, 11 thẩm phán tại tòa phúc thẩm này có thể sẽ tiến hành phiên điều trần lại vụ kiện và đưa ra phán quyết mới.

Tuy nhiên, đây cũng không phải là lựa chọn dễ dàng bởi tòa phúc thẩm số 9 có trụ sở tại San Francisco vốn đã được coi là tòa án tự do nhất tại Mỹ. Hơn nữa, chính quyền của ông Trump chỉ có thời hạn 14 ngày nếu quyết định kháng cáo tại tòa án trên.

Đưa vụ kiện trở lại bang Washington

Một lựa chọn khác là chấp nhận phán quyết của tòa án phúc thẩm và đưa vụ kiện trở lại tòa án ở Seattle, bang Washington - nơi ra phán quyết đầu tiên về ngừng sắc lệnh di trú của ông Trump.

Phán quyết của tòa phúc thẩm số 9 chỉ đề cập đến phán quyết “tạm ngừng” thực thi sắc lệnh do Thẩm phán James Robart tòa án Seattle đưa ra ngày 3/2. Thông thường, thời hạn “tạm ngừng” chỉ kéo dài 14 ngày. Thẩm phán Robart đã cho cả bên bị đơn và nguyên đơn thời hạn đến ngày 17/2 đưa ra phản biện. Sau thời hạn này, tòa án Seattle có thể tiến hành một phiên điều trần, và bước cuối cùng là tòa án sẽ xác định sắc lệnh của Tổng thống Trump có hợp hiến hay không. Tuy nhiên, chính quyền của ông Trump một lần nữa có thể kháng cáo trước khi vụ việc có thể chuyển lên Tòa án tối cao.

Ban hành sắc lệnh mới

Đây có thể không phải là điều ông Trump mong muốn, tuy nhiên các thẩm phán tòa phúc thẩm đã gợi ý rằng, sắc lệnh có thể vượt qua các rào cản pháp lý nếu thu hẹp quy mô thay vì áp dụng cấm tất cả công dân từ 7 quốc gia Hồi giáo như ban đầu.

Tổng thống Trump ngày 27/1 đã ký ban hành sắc lệnh hành pháp. Theo đó, Mỹ sẽ dừng toàn bộ việc tiếp nhận người tị nạn trong 4 tháng và cấm công dân của 7 nước - gồm Iran, Iraq, Libya, Somalia, Sudan, Syria và Yemen - nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày. Ông Trump nói rằng, sắc lệnh này là một trong những biện pháp nhằm hạn chế nguy cơ các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào Mỹ. Ông Trump cho rằng, sắc lệnh này nhằm bảo vệ nước Mỹ trước nguy cơ các cuộc tấn công khủng bố. Tuy nhiên, giới tư pháp và các cựu quan chức cho rằng, sắc lệnh này là vi hiến, đi ngược lại với giá trị Mỹ. Hàng loạt bang đã đệ đơn kiện sắc lệnh này của Tổng thống Trump, trong đó có Minnesota và Washington.

Minh Phương

Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm