1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Trump đang “đẩy” đồng minh EU rời xa Mỹ

(Dân trí) - Một số các chính sách đối ngoại và thương mại dưới thời Tổng thống Mỹ Donald Trump, mà tiêu biểu là động thái áp thuế suất lên mặt hàng nhôm thép xuất khẩu của các nước đồng minh châu Âu, có thể đẩy đồng minh truyền thống EU ra xa Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: GOP)
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: GOP)

Trong bài phát biểu Thông điệp liên bang hồi năm ngoái, Tổng thống Trump nhấn mạnh chính phủ ông sẽ có những phương án ngăn chặn các đối thủ chiến lược trên thế giới, đặc biệt là Nga và Trung Quốc. Một trong những thành phần quan trọng của chiến lược này đó là tập hợp các đồng minh và đối tác truyền thống của Washington thành một khối nhằm chống lại mối đe dọa từ Moscow và Bắc Kinh.

Sau bài phát biểu đó, những chiến lược mà ông Trump đưa ra dường như đang trực tiếp hay gián tiếp đi ngược lại với mục tiêu ban đầu. Thay vì mang các đồng minh châu Âu của Mỹ lại gần nhau, ông Trump dường như đang làm tổn hại tới mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương và khiến các đối tác ra xa, thậm chí đẩy họ tới gần Trung Quốc và Nga.

Hai động thái gần nhất của chính quyền ông Trump đã cho thấy xu hướng trên. Đầu tiên chính là việc Mỹ đơn phương áp đặt thuế suất thương mại lên mặt hàng nhôm và thép nhập khẩu từ các nước đồng minh. Ông Trump đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích các nước châu Âu, đặc biệt là Đức vì những khoản thặng dư thương mại giữa Washington và Berlin. Động thái này của ông Trump không gây ngạc nhiên cho các nước châu Âu và họ thậm chí còn khiếu nại động thái của Mỹ lên tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Thêm vào đó, động thái này đe dọa sẽ làm bùng phát một cuộc chiến tranh thương mại và có thể sẽ khiến cho mối quan hệ truyền thống lâu năm giữa Mỹ và châu Âu trở nên nguội lạnh. Thực tế, điều này thậm chí còn đi rất xa so với những gì mà ông Trump công bố trong Thông điệp Liên bang rằng Mỹ sẽ làm việc với châu Âu nhằm đảm bảo “những hoạt động thương mại công bằng, có qua có lại và loại bỏ các rào cản đối với sự tăng trưởng”.

Thêm vào đó, chính sách thương mại mới này khiến cho việc hình thành một kế hoạch xuyên Thái Bình Dương giữa Mỹ và EU nhằm chống lại Trung Quốc khó lòng có thể thực hiện. Dù trong Thông điệp liên bang, ông Trump có nhấn mạnh tới việc bắt tay với các đối tác nhằm chống lại những hoạt động thương mại thiếu công bằng của Trung Quốc, nhưng thực tế những gì mà Mỹ hành động lại không giống như chiến lược đưa ra. Trên thực tế, trong chuyến thăm của Tổng thống Pháp Emanuel Macron tới Mỹ gần đây, ông Trump được cho là đã từ chối khi ông Macron đề xuất hợp tác để đối phó với Trung Quốc. Tổng thống Mỹ dường như cho rằng EU cũng giống như Trung Quốc, cũng khiến cho thặng dư thương mại Mỹ- EU tăng cao.


Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel (Ảnh: ERT)

Tổng thống Mỹ Trump, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel (Ảnh: ERT)

Hơn nữa, trong khi áp đặt thuế suất lên đồng minh, chính quyền ông Trump lại “nương tay” với công ty sản xuất điện thoại thông minh ZTE của Trung Quốc sau khi ban hành lệnh cấm 7 năm công ty này. Trong khi, EU đề xuất bắt tay với Mỹ để đối phó với Trung Quốc thì Washington lại bỏ qua, rồi đơn phương “tha” cho công ty Trung Quốc. Chính những định hướng có phần khó hiểu này đã khiến cho các nước châu Âu có xu thế hướng Nga và Trung Quốc để cải thiện quan hệ thương mại, gây áp lực lên cho ông Trump.

Đơn cử như việc Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm Trung Quốc đã bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ mở cửa cho thị trường xuất khẩu của Berlin. Trong lúc đó, Tổng thống Pháp Macron lại thới Nga dự Diễn đàn kinh tế quốc tế St. Petersburg và bày tỏ nguyện vọng sẽ hợp tác về mặt thương mại với Moscow. Có khoảng 50 hợp đồng và thỏa thuận đã được 2 bên đặt bút ký trong chuyến thăm vừa qua của ông Macron.

Ngoài ra, ông Trump đã quyết định rút khỏi hiệp ước hạt nhân Iran JCPOA mặc cho các đồng minh châu Âu ra sức cảnh báo và thuyết phục. Thêm vào đó, quyết định đơn phương của Mỹ có thể kéo theo các lệnh trừng phạt áp lên các công ty châu Âu đang kinh doanh ở Iran. Chính vì vậy, bà Merkel và ông Macron có xu hướng quay về phía Nga nhằm bàn bạc tăng cường hợp tác với các bên Iran, trực tiếp biến Moscow trở thành một đối tác trong việc bảo đảm an ninh khu vực EU, cũng như tham gia vào chương trình nghị sự 1 cách tích cực với các nước châu Âu.

Giới quan sát cho rằng, chính những động thái đơn phương, vì lợi ích nước Mỹ của ông Trump đang đẩy các nước châu Âu tới liên kết với những nguồn lực mạnh khác nhằm bảo vệ quyền lợi của EU. Về lâu về dài, Mỹ có thể đối diện với viễn cảnh bị cô lập vì quan điểm “nước Mỹ là trên hết” của ông Trump.

Đức Hoàng

Theo National Interest

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm