1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Putin xem xét sáng kiến giải quyết xung đột Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý tiếp đón một phái đoàn gồm các nhà lãnh đạo châu Phi tại Moscow để xem xét sáng kiến hòa bình nhằm chấm dứt xung đột Ukraine.

Tổng thống Putin xem xét sáng kiến giải quyết xung đột Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: RT).

Điện Kremlin hôm 8/6 thông báo, thỏa thuận đã đạt được trong một cuộc điện đàm giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin với Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, trong đó cả hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các vấn đề liên quan đến "sáng kiến của châu Phi" và "các khía cạnh chính trong việc phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược song phương".

Theo đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý tiếp đón một phái đoàn gồm nguyên thủ quốc gia của các nước châu Phi khi họ đến thăm Moscow để thảo luận về sáng kiến hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột tại Ukraine.

Sáu nhà lãnh đạo châu Phi, những người đang tìm cách dàn xếp một giải pháp cho cuộc xung đột Nga - Ukraine, đã quyết định tới cả Moscow và Kiev vào giữa tháng 6.

Xung đột Nga - Ukraine đã bước sang tháng thứ 16 và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Brazil, Indonesia, đã đưa ra các đề xuất hòa bình nhằm chấm dứt cuộc xung đột lớn nhất châu Âu kể từ Thế chiến II.

Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev hôm nay cho biết giới chức Ukraine từng sẵn sàng giải quyết xung đột với Nga nhưng rốt cuộc đã từ bỏ trước sức ép của Mỹ.

"Nếu không phải vì sức ép của Mỹ đối với ban lãnh đạo Ukraine, thì tình huống này sẽ không xảy ra. Ngay cả bản thân các nhà lãnh đạo Ukraine cũng sẵn sàng ký hiệp ước hòa bình và đưa cho Nga các đề xuất bằng văn bản mà chúng tôi, về nguyên tắc, đã chấp thuận", Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolay Patrushev nói, đề cập đến các cuộc đàm phán giữa phái đoàn Nga và Ukraine ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 3 năm ngoái.

Ông Patrushev cho biết, "vào buổi sáng, các thành viên của phái đoàn Ukraine đã đưa các đề xuất cho phía Nga trong cuộc đàm phán, nhưng vào buổi tối, họ lại nói: Không, chúng tôi từ bỏ chúng".

"Điều này xảy ra chỉ vì Mỹ đã gây sức ép lên họ và nói rằng không cần phải tổ chức đàm phán", thư ký Hội đồng An ninh Nga nhấn mạnh.

Theo ông Patrushev, "có những bên được lợi trong cuộc xung đột này", trước hết là Mỹ và Anh.

Sau khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, cuộc đàm phán đầu tiên giữa hai nước diễn ra tại Belarus vào đầu tháng 3/2022, nhưng không mang lại kết quả rõ ràng.

Một vòng đàm phán khác đã diễn ra tại Istanbul vào ngày 29/3/2022, sau đó Vladimir Medinsky, trưởng phái đoàn Nga và là trợ lý của Tổng thống Nga, thông báo Mosco lần đầu tiên nhận được các đề xuất của Kiev về một thỏa thuận tiềm năng trong tương lai.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về giải pháp hòa bình đã hoàn toàn bị đóng băng sau đó. Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng xác nhận, Kiev đã từ bỏ các thỏa thuận đạt được ở Istanbul.

Vào tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã ban hành quyết định của Hội đồng An ninh và Quốc phòng Quốc gia về việc chấm dứt bất kỳ cuộc đàm phán nào với Tổng thống Putin.

Giới chức Ukraine nhiều lần nêu rõ quan điểm về điều kiện tiên quyết cho các cuộc hòa đàm với Nga. Tháng trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cũng nêu rõ 2 điều kiện, gồm Nga phải rút quân, khôi phục đường biên giới cho Ukraine và không đóng băng xung đột. Kiev lập luận, đóng băng xung đột sẽ giúp Nga có thời gian tập hợp thêm lực lượng để tiến hành một chiến dịch tấn công thậm chí lớn hơn nữa.

Trong khi đó, Nga coi quan điểm của Kiev là phi thực tế và khẳng định việc 4 khu vực thuộc Ukraine sáp nhập vào Nga không phải là vấn đề cần thảo luận. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cuối tuần trước cho biết Tổng thống Vladimir Putin sẵn sàng đàm phán để đạt được mục tiêu của chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine thông qua biện pháp hòa bình. 

Theo Tass