Tổng thống Putin sắp công du UAE và Ả Rập Xê Út
(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Ả Rập Xê Út trong tuần này để thảo luận về quan hệ song phương và cuộc khủng hoảng tại khu vực Trung Đông.
"Ngày mai, Tổng thống sẽ bắt đầu chuyến công du tới UAE và Ả Rập Xê Út", phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 5/12 cho biết.
Theo ông Peskov, ngoài chủ đề hợp tác trong lĩnh vực dầu mỏ, một số khía cạnh khác cũng sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Tổng thống Putin trong chuyến công du này.
"Trao đổi quan điểm về chương trình nghị sự quốc tế cũng như khu vực. Tất nhiên, vấn đề tôi đang nói đến ở đây là cuộc xung đột giữa Israel và Hamas ở Dải Gaza. Nhưng trên hết, chúng ta hãy nói về quan hệ song phương trước đã", ông Dmitry Peskov nói.
Khi được hỏi về ảnh hưởng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC+) đối với tình hình thị trường, ông Peskov chia sẻ: "Sẽ có đôi lúc tầm ảnh hưởng bị suy giảm, tuy nhiên, Nga sẽ tiếp tục hợp tác".
Trong một diễn biến khác, ngày 4/12, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva thông báo Tổng thống Putin sẽ nhận được lời mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào năm tới. Lãnh đạo Brazil cũng nhấn mạnh việc Nga không công nhận quyền tài phán của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC).
Về vấn đề này, ông Peskov cho biết Nga sẽ tiếp tục tham gia vào công việc của G20, song liệu Tổng thống Putin tham dự hội nghị G20 theo hình thức nào chưa được quyết định.
"Chưa có quyết định nào. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, bằng cách này hay cách khác, Nga vẫn tiếp tục tham gia hội nghị", ông Peskov tuyên bố.
Kế hoạch công du của ông Putin được công bố trong bối cảnh ICC hồi tháng 3 phát lệnh bắt giữ nhà lãnh đạo Nga với cáo buộc "trục xuất bất hợp pháp trẻ em và di chuyển bất hợp pháp trẻ em từ lãnh thổ Ukraine sang Nga". Theo Quy chế Rome, 123 nước thành viên của ICC, bao gồm cả Brazil, có nghĩa vụ bắt lãnh đạo Nga nếu ông đặt chân đến lãnh thổ của họ.
Nga coi lệnh bắt giữ của ICC với Tổng thống Putin là "vô hiệu và không thể chấp nhận được". Nga đã ký Quy chế Rome về ICC vào năm 2000, nhưng chưa bao giờ phê chuẩn để trở thành thành viên của ICC và cuối cùng rút lại việc ký kết vào năm 2016.