1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Putin: Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine để giải quyết xung đột

Thành Đạt

(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin tiếp tục khẳng định Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine trong bối cảnh xung đột vẫn chưa hạ nhiệt.

Tổng thống Putin: Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine để giải quyết xung đột - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Tass).

"Tôi đã nói nhiều lần rằng Nga không chỉ sẵn sàng đàm phán mà còn từng tổ chức các cuộc đàm phán như vậy tại một thời điểm nhất định, cụ thể là ngay từ đầu cuộc xung đột này. Những cuộc đàm phán đó thậm chí còn dẫn đến một hiệp ước mà hai bên đều có thể chấp nhận và được phía Ukraine ký tắt", Tổng thống Putin tuyên bố trong buổi lễ tiếp nhận quốc thư từ các đại sứ nước ngoài.

"Tuy nhiên, phía Ukraine đã từ chối hiệp ước đó theo lời khuyên của các nước bên ngoài. Điều này đã được các quan chức Ukraine xác nhận", Tổng thống Putin nhắc lại.

Theo Tổng thống Putin, chỉ những ai không hiểu lịch sử Nga cũng như sức mạnh của sự thống nhất nước Nga mới có thể ảo tưởng về việc gây ra thất bại chiến lược cho Moscow.

"Con đường thù địch mà một số quốc gia phương Tây thực hiện, nhằm leo thang và kéo dài cuộc xung đột ở Ukraine với mục tiêu gây ra thất bại chiến lược cho Nga, là sai lầm nghiêm trọng", ông Putin nhấn mạnh.

Ông chủ Điện Kremlin khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác cùng có lợi với tất cả các quốc gia, không có ngoại lệ, dựa trên các nguyên tắc về quyền bình đẳng, không can thiệp vào công việc nội bộ và tuân thủ nghiêm ngặt luật pháp quốc tế.

Tổng thống Putin cho biết Nga ủng hộ việc phát triển một hệ thống quan hệ kinh tế quốc tế công bằng, không có cạnh tranh không lành mạnh, các lệnh trừng phạt đơn phương bất hợp pháp và các biện pháp hạn chế có động cơ chính trị.

Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố Moscow không tìm kiếm sự đối đầu và hy vọng châu Âu sẽ áp dụng một cách tiếp cận hợp lý, cân bằng trong việc hợp tác.

Vào tháng 3/2022, Nga và Ukraine đã tiến hành các cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ nhằm đạt được thỏa thuận chấm dứt xung đột. Theo dự thảo thỏa thuận, Ukraine cam kết trung lập vĩnh viễn, cắt giảm quân đội để nhận được những cam kết an ninh. Thỏa thuận bao gồm các nghĩa vụ của Ukraine về vị thế trung lập không liên kết và từ chối triển khai vũ khí nước ngoài, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, trên lãnh thổ của mình.

Tuy nhiên, sau khi Nga rút quân khỏi các khu vực Kiev và Chernigov, các cuộc đàm phán đã bị đóng băng. Theo Tổng thống Putin, Kiev đã từ chối các thỏa thuận.

Nga cho rằng vòng đàm phán đổ vỡ vào phút chót và Ukraine đã từ chối ký vào dự thảo thỏa thuận sau khi lãnh đạo phương Tây hối thúc Kiev "tiếp tục chiến đấu".

Phía Ukraine tuyên bố quyết định từ chối được đưa ra theo lời khuyên của Thủ tướng Anh khi đó là ông Boris Johnson.

Hòa đàm giữa Nga và Ukraine bế tắc sau khi Kiev bất ngờ rút khỏi đàm phán với Moscow về các điều kiện nhằm chấm dứt xung đột. Cuối năm 2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ban hành sắc lệnh cấm đàm phán với chính quyền của Tổng thống Putin.

Ông Zelensky cũng đưa ra "công thức hòa bình" 10 điểm, trong đó có điều khoản yêu cầu Nga rút hết quân, khôi phục đường biên giới năm 1991 cho Ukraine. Kiev coi đây là nền tảng cho bất cứ cuộc hòa đàm nào với Moscow.

Trong khi đó, Nga tuyên bố, mọi đàm phán phải dựa trên thực tế mới về lãnh thổ, nghĩa là Ukraine phải công nhận các vùng lãnh thổ đã sáp nhập vào Nga.

Theo Tass

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm