1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Nga phản bác tối hậu thư, nêu cơ hội đàm phán với Ukraine

Thành Đạt

(Dân trí) - Quan chức Nga cho rằng phương Tây nên kêu gọi Ukraine từ bỏ tối hậu thư nếu muốn đàm phán với Moscow.

Nga phản bác tối hậu thư, nêu cơ hội đàm phán với Ukraine - 1

Lính Ukraine ở Donbass (Ảnh: Getty).

Tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh BRICS tại Kazan hôm 25/10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết, liên quan tới tiến trình đàm phán Nga - Ukraine, trước hết "các nhà tài trợ phương Tây của Kiev nên từ bỏ chính sách leo thang của họ, vốn dựa trên việc bơm ngày càng nhiều vũ khí và tiếp tục hỗ trợ không hạn chế cho Kiev".

Ngoài ra, ông Ryabkov cho biết các nhà tài trợ phương Tây nên giải thích với Ukraine rằng, sẽ không có triển vọng đàm phán nếu không từ bỏ tối hậu thư và tình hình thực tế sẽ tiếp tục thay đổi theo hướng không có lợi cho Kiev,

"Các nước phương Tây nên thuyết phục Ukraine rằng nếu không từ bỏ những ý tưởng phi thực tế, vốn là tối hậu thư đối với Nga, và nếu không sửa đổi lập trường mang tính hủy diệt để tạo cơ hội cho các cuộc đàm phán, mà Kiev vẫn tiếp tục hành động như vậy, thì sẽ không có tiến triển nào đạt được", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Đồng thời, nhà ngoại giao Nga cho biết, có một số ý tưởng được nêu ra tại các diễn đàn quốc tế mà những người đề xuất coi là "động lực để tìm kiếm giải pháp hòa bình" cho cuộc xung đột. Ông Ryabkov khẳng định Nga "tôn trọng và hoan nghênh" những ý tưởng này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/10 tuyên bố bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine đều phải đảm bảo lợi ích cho Moscow. Ông cho biết Nga sẵn lòng cùng Ukraine tìm ra một giải pháp thông qua thương lượng, trong đó 2 bên sẽ cùng thỏa hiệp.

"Bất kỳ kết quả nào cũng phải có lợi cho Nga, và tôi nói thẳng điều đó", ông Putin khẳng định. Tuy nhiên, Moscow không loại trừ khả năng thỏa hiệp từ phía mình miễn là chúng "hợp lý", nhà lãnh đạo Nga nói thêm.

Tuy nhiên, ông Putin cho rằng, việc Ukraine không muốn đàm phán khiến mọi cuộc thảo luận về những gì Moscow sẵn sàng đưa ra trở nên vô nghĩa.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hồi tháng 9 nhấn mạnh, việc phương Tây khăng khăng tuân theo cái gọi là "công thức hòa bình" của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho thấy họ không có ý định đàm phán với Moscow một cách bình đẳng.

"Sáng kiến của Tổng thống Ukraine đã được biết đến từ lâu. Nó đã trở thành một vấn đề nhức nhối đối với tất cả mọi người, đó chỉ như một tối hậu thư thuần túy. Việc phương Tây theo đuổi tối hậu thư này chỉ có nghĩa rằng phương Tây không muốn đàm phán một cách trung thực", Ngoại trưởng Lavrov nói.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đưa ra "công thức hòa bình" gồm 10 điểm vào cuối năm 2022 nhằm giải quyết cuộc xung đột với Nga. Công thức này gồm một số điểm như Nga phải rút hết quân, khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine và bồi thường chiến tranh.

Tuy nhiên, Nga coi các đề nghị  này "phi thực tế", tuyên bố chỉ đàm phán dựa trên tình hình thực địa mới.

Tổng thống Putin vào tháng 6 đã đưa ra một đề xuất hòa bình mới nhằm giải quyết cuộc xung đột ở Ukraine. Đề xuất này dự kiến công nhận bán đảo Crimea, 2 vùng Donetsk và Lugansk cũng như các vùng Kherson và Zaporizhia là các khu vực của Nga, duy trì tình trạng không liên kết và phi hạt nhân của Ukraine, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa nước này cũng như dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông Putin cũng kêu gọi Ukraine duy trì tình trạng trung lập, không gia nhập NATO.

Ukraine đã bác bỏ sáng kiến này. Tổng thống Zelensky mô tả đề xuất của Moscow là tối hậu thư.

Theo RT

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm