1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Putin: Đưa nước Nga trở lại hùng mạnh sau sai lầm thời Liên Xô

Đại tá Lê Thế Mẫu

(Dân trí) - Kế thừa những giá trị tốt đẹp truyền thống trong lịch sử Nga và lịch sử Liên Xô, Tổng thống Putin đã chỉ đạo chính phủ Nga lựa chọn mô hình phát triển tiên tiến nhất và hiện đại nhất trên thế giới.

Tổng thống Putin: Đưa nước Nga trở lại hùng mạnh sau sai lầm thời Liên Xô - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: AFP).

Tổng thống Vladimir Putin: Sự lựa chọn lịch sử của nước Nga (kỳ 3)

Kết quả cuộc bầu cử 2024 có thể dự báo trước được bởi Vladimir Putin không chỉ là tổng thống mà còn là lãnh tụ của nhân dân Nga. Sau nhiệm kỳ này, nếu đủ sức khỏe cũng như các điều kiện khác, ông hoàn toàn có thể ra tranh cử vào năm 2030 để lãnh đạo đất nước đến năm 2036.

Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem vì sao ông được người Nga tín nhiệm cao đến thế. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài của Đại tá Lê Thế Mẫu, nguyên Trưởng Phòng thông tin Khoa học Quân sự, Viện Chiến lược Quốc phòng.

Tiếp nhận di sản từ sai lầm của Liên Xô trong giai đoạn "cải tổ"

Vào cuối thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa đều tiến hành cải cách và mở cửa với thế giới Phương Tây theo các mô hình khác nhau và có không ít quốc gia đã gặt hái được những thành công rực rỡ.

Trong khi đó, công cuộc "cải tổ" từ giữa những năm 1980 mà thực chất là cải cách, mở cửa ra thế giới lại đưa Liên Xô tới chỗ tan rã.

Sai lầm cốt tử của Liên Xô là hoàn toàn xóa bỏ hệ thống quản lý nhà nước để đưa nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường tự do.

Trên cương vị Tổng thống, Boris Yeltsin đã xóa bỏ vai trò của nhà nước Nga trong việc hoạch định chiến lược phát triển và bỏ mặc nền kinh tế quốc gia vào tay các tập đoàn tài phiệt vừa nổi lên sau khi Liên Xô tan rã.

Trên thực tế, ông Yeltsin đã áp dụng máy móc mô hình kinh tế theo cơ chế thị trường tự do của Mỹ vào điều kiện của nước Nga. Sai lầm này của ông đã đẩy nền kinh tế Nga lâm vào khủng hoảng.

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tuy được kế thừa vị thế của Liên Xô - cường quốc kinh tế lớn thứ 2 thế giới, chỉ đứng sau Mỹ - Liên bang Nga tụt hạng xuống mức các nước đang phát triển sau gần hai nhiệm kỳ cầm quyền của Tổng thống Yeltsin.

Thất thoát kinh tế của nước Nga trong những năm 1990 ước tính còn lớn hơn cả thiệt hại kinh tế của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Tổng thống Putin: Đưa nước Nga trở lại hùng mạnh sau sai lầm thời Liên Xô - 2

Vladimir Putin được Tổng thống đầu tiên của nước Nga Boris Yeltsin lựa chọn làm người kế nhiệm (Ảnh: Itar Tass/Reuters).

Vladimir Putin phải lựa chọn mô hình kinh tế mới

Kế thừa những giá trị tốt đẹp truyền thống trong lịch sử Nga và lịch sử Liên Xô, Tổng thống Putin đã chỉ đạo chính phủ Nga lựa chọn mô hình phát triển tiên tiến nhất và hiện đại nhất trên thế giới để xác định con đường phát triển của nước Nga. Đó là mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội có sự quản lý của nhà nước.

Theo mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội ở Nga, sự phát triển kinh tế theo cơ chế thị trường nhằm đáp ứng các nhu cầu xã hội ngày càng tăng của người dân. Do đó, chính sách xã hội trở thành yếu tố cấu thành hệ thống kinh tế quốc dân.

Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội của nước Nga sau khi ông Putin bước vào Điện Kremlin kế thừa kinh nghiệm của các nước tư bản phát triển kinh tế thị trường đã từng được áp dụng thành công ở nhiều nước Châu Âu, khởi đầu là Cộng hòa Liên bang Đức từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai và áp dụng vào điều kiện cụ  thể của nước Nga.

Tổng thống Putin coi mô hình này là "đại lộ của nền văn minh nhân loại" và có một số đặc điểm đáng chú ý sau:

Một là, hiện đại hóa các lĩnh vực kinh tế truyền thống như dầu khí, nông nghiệp, giao thông vận tải trên cơ sở ưu tiên phát triển công nghệ cao.

Hai là, biến quá trình đổi mới công nghệ thành yếu tố tăng trưởng kinh tế trong tất cả các lĩnh vực kinh tế, nâng cao năng suất lao động trong các lĩnh vực quyết định khả năng cạnh tranh và giảm chi phí năng lượng, gia tăng đáng kể số lượng các xí nghiệp công nghiệp đổi mới công nghệ.

Ba là, hình thành nền kinh tế tri thức và công nghệ cao đóng vai trò dẫn đầu trong nền kinh tế vào năm 2020 và chiếm 17-20% GDP.

Bốn là, tạo cơ sở kinh tế vững chắc để thực hiện chính sách xã hội hướng tới mục đích không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Như vậy, điều kiện quan trọng nhất để phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội ở Nga là duy trì sự cân bằng giữa hiệu quả của kinh tế thị trường với việc bảo đảm công bằng xã hội, trong đó kết hợp hài hòa và tốt nhất giữa lợi ích của nhà nước và của từng thành viên xã hội.

Những nội dung cơ bản về phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội ở Nga đã được đề ra trong Chiến lược dài hạn phát triển kinh tế - xã hội của Liên bang Nga tới năm 2020, Chiến lược an ninh quốc gia của Liên bang Nga đến năm 2020 và Chương trình mục tiêu liên bang nhằm khắc phục sự khác biệt trong phát triển kinh tế - xã hội giữa các vùng và khu vực của Liên bang Nga trong những năm 2002-2010 và tới năm 2015.

Năm 2015, hãng thông tấn TASS của Nga hoàn thành Dự án tổng kết, đánh giá thành tựu của nước Nga sau 15 năm lãnh đạo của Tổng thống Putin. Theo kết quả tổng kết của Dự án, nước Nga đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng trong điều kiện bị Mỹ và Phương Tây kiềm chế, bao vây và cấm vận.

Tổng thống Putin: Đưa nước Nga trở lại hùng mạnh sau sai lầm thời Liên Xô - 3

Điện Kremlin được cho là sẽ có nhiều biện pháp ứng phó với việc bị Mỹ và phương Tây phong tỏa và đóng băng tài sản của Nga (Ảnh: Musement).

Nga đạt được nhịp độ tăng trưởng cao liên tục ở mức 10% trong các năm 2000-2004 và trong 3 năm sau đó luôn đạt 6,5-7,3%, vươn từ vị trí 14 lên vị trí thứ 5 thế giới.

Đến năm 2023, trong điều kiện bị Mỹ và Phương Tây áp đặt tới 17.000 biện pháp cấm vận, "nền kinh tế Nga tiếp tục phát triển và đã trở thành nền kinh tế lớn nhất ở châu Âu và lớn thứ năm trên thế giới xét về sức mua tương đương (PPP)", Sputnik dẫn lời Tổng thống Vladimir Putin cho biết khi phát biểu tại thành phố Tula hôm 2/2.

Trong những năm 1990, Nga phải gánh chịu khoản nợ công khổng lồ và nạn lạm phát phi mã. Sau 15 năm dưới sự lãnh đạo của Vladimir Putin, nợ công của Nga giảm 22,7 lần, từ 69,1% GDP năm 2000 xuống còn 3,1% GDP năm 2016.

Năm 1999, Nga nợ nước ngoài 78% GDP, đến năm 2014 con số này giảm tới mức chỉ còn 8,4% GDP, thấp hơn rất nhiều so với nhiều nước phát triển ở Phương Tây. Năm 2023, do bị bao vây, cấm vận, nợ nước ngoài của Nga cũng chỉ ở mức 14,9%, thấp hơn nhiều của Mỹ là 97%!

Năm 2000, lạm phát của Nga ở mức 20,2%. Năm 2015, con số đó chỉ còn là 2,5%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 10,6% xuống còn 5,2%. Để so sánh: năm 2015, tỷ lệ thất nghiệp trong EU là 7,4%, trong khu vực Eurozone - 8,8%, ở Pháp - 9,7%, ở Áo - 9,4%, ở Italia - 11,1%, ở Tây Ban Nha - 16,38%; ở Hy Lạp - 21%. Năm 2023, tuy bị tác động của bao vây, cấm vận nghiệt ngã, lạm phát của Nga cũng chỉ ở mức 7,8%.

Một điều đặc biệt quan trọng nói lên sự phát triển của Nga là hình thành một tầng lớp xã hội mới đông đảo mà ở Phương Tây gọi là "tầng lớp trung lưu". Năm 1998, tầng lớp trung lưu ở Nga mới chiếm 5-10% dân số, ít hơn những năm cuối của Liên Xô. Còn hiện nay, tầng lớp trung lưu chiếm 20-35% dân số Nga, có thu nhập cao gấp ba lần so với thu nhập trung bình những năm 1990. Tầng lớp trung lưu này đang không ngừng phát triển và sẽ trở thành đa số trong xã hội Nga, trong đó có bác sĩ, giáo viên, kỹ sư và công nhân có tay nghề cao.

Theo Vladimir Putin, nền kinh tế tương lai của nước Nga cần phải đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của toàn xã hội, tạo ra thu nhập lao động cao hơn, công việc thú vị hơn và sáng tạo hơn, tạo khả năng to lớn để phát triển nghề nghiệp và phát triển xã hội nói chung.

Đây chính là điều quan trọng nhất chứ không chỉ là con số GDP, khối lượng dự trữ ngoại tệ bằng vàng, mức độ uy tín cao của các tổ chức đánh giá quốc tế hoặc vị trí cao của nước Nga trong số các nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới.

Trước hết, mọi công dân Nga phải cảm nhận được những thay đổi tích cực của nền kinh tế. Trước hết là họ phải cảm nhận được những phúc lợi xã hội mà nhà nước mang lại, đồng thời mọi người dân đều có điều kiện phát huy mọi khả năng của bản thân để xây dựng xã hội mới.

(Còn tiếp)