Tổng thống Pháp Macron lại lên tiếng về NATO: Không bỏ nhưng bớt cần
Tổng thống Pháp lại lần nữa lên tiếng về cải cách NATO trước thềm kỷ niệm 70 năm của tổ chức này. Thực chất và hàm ý của ông Macron là gì?
Sau đánh giá công khai cho rằng NATO hiện trong tình trạng chết não, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã cụ thể hoá thêm chủ ý về làm cho EU độc lập hơn với NATO về an ninh. Chủ ý này không chủ trương xoá sổ NATO hay các thành viên EU không tham gia NATO nữa mà nhằm vào cải cách và cơ cấu EU trên mọi phương diện cần thiết để EU không còn cần đến sự trợ giúp của NATO để đảm bảo an ninh, tức là không bỏ NATO nhưng bớt cần đến NATO, vẫn duy trì NATO nhưng không còn lệ thuộc nữa vào NATO như lâu nay.
Nói thẳng điều ít người muốn nói
Trong Hiệp ước thành lập NATO có Điều 5 quy định trách nhiệm của các thành viên đảm bảo an ninh cho nhau khi xảy ra tình huống có thành viên bị tấn công. Việc kích hoạt điều này phải được đồng thuận giữa tất cả các thành viên NATO. Ông Macron đã có cách tiếp cận rất thực tế và xác đáng khi đề cập đến hai trường hợp thành viên EU cần sự trợ giúp về an ninh nhưng không thể vận hành được Điều 5 nói trên. Thứ nhất, có những thành viên EU không phải là thành viên NATO nên không thể nhờ cậy được gì vào cam kết ở Điều 5 nói trên của NATO và NATO cũng chẳng có nghĩa vụ phải đảm bảo an ninh cho. Thứ hai, nếu như có thành viên NATO, như Mỹ hay Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn, phủ quyết việc kích hoạt Điều 5 nói trên thì sẽ như thế nào đối với các thành viên EU ở châu Âu.
Sự phủ quyết này không thể bị loại trừ cả trên lý thuyết lẫn trong thực tế. Chẳng hạn như vừa mới đây, khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội tràn sang Syria để tấn công lực lượng vũ trang YPG của người Cuốc ở vùng miền đông bắc Syria với lý do bị đe doạ an ninh và tấn công thì lẽ ra mọi tiêu chí đều đã được đáp ứng để NATO có thể và phải vận hành Điều 5 kia, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ chưa chính thức yêu cầu NATO thì đã có thành viên NATO tuyên bố sẽ phủ quyết việc kích hoạt Điều 5.
Hiện tại, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với NATO nói chung và với nhiều thành viên NATO ở châu Âu nói riêng rất trắc trở. Tổng thống Mỹ Donald Trump lại không coi trọng NATO và đòi các thành viên NATO phải đóng góp tài chính nhiều hơn cho việc đảm bảo an ninh thì Mỹ mới tiếp tục duy trì cam kết đảm bảo an ninh cho các thành viên NATO theo tinh thần của Điều 5 kia. Ông Macron nói thẳng ra điều mà nhiều thành viên NATO cũng đã nghĩ nhưng không dám nói ra.
Điều 42, đoạn 7 trong Hiệp ước thành lập EU cũng là một quy định về hỗ trợ lẫn nhau đảm bảo an ninh, nhưng chỉ chung chung và không phải cam kết trách nhiệm rõ ràng như Điều 5 trong Hiệp ước thành lập NATO. Ý tưởng của ông Macron bây giờ là mở rộng, phát triển và cụ thể hoá hơn nữa điều ấy để trở thành được như Điều 5 trong Hiệp ước thành lập NATO. Như thế chẳng khác gì NATO hoá EU trên phương diện an ninh, không buông bỏ NATO, cũng chẳng cạnh tranh với NATO, nhưng có thể thay thế NATO. Khi xưa, an ninh là khái niệm với nội hàm gần như cố định. Bây giờ có thêm nhiều mối đe doạ và thách thức an ninh được gọi là phi truyền thống mà đối phó với chúng không cần đến vũ khí hạt nhân hay thiết bị quân sự tối tân mà chỉ Mỹ hay một vài thành viên NATO mới có.
Chủ ý của Tổng thống Macron
Với những động thái vừa qua, ông Macron nhằm vào đúng điểm yếu nhất và nhạy cảm nhất trong EU và NATO cũng như trong mối quan hệ giữa EU và NATO với Mỹ. Ông Macron chủ ý đề cao vị thế cho Pháp trong quan hệ của Pháp và EU với Mỹ, gây dựng vai trò lãnh đạo EU và tập hợp lực lượng trong NATO.
Đặc biệt là vào dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập NATO sắp tới và hội nghị cấp cao thường niên năm nay tổ chức ở Anh, ông Macron chủ ý tạo sức ép nhất định tới Mỹ và cá nhân ông Trump, phát đi thông điệp là nếu Mỹ và ông Trump cứ tiếp tục già néo với việc coi thường NATO và giảm vai trò lãnh đạo, đi đầu và cam kết đảm bảo an ninh cho đồng minh thì sẽ không thể tránh khỏi bị đứt dây khi EU buộc phải tự thân vận động đến mức có thể không cần đến NATO và Mỹ nữa ở châu Âu.
Ông Macron khuấy động kịch bản tai hại nhất đối với EU để gia tăng áp lực đối với Mỹ. Đúng là có chuyện ông Macron tiến hành cuộc tấn công vào NATO để đề cao vai trò của nước Pháp và cá nhân mình trong EU nhưng cũng đâu có sai khi cho rằng cả NATO lỡ vận lẫn EU sa cơ đều chủ yếu và trước hết bởi bất đồng quan điểm và phân rẽ nội bộ.
Theo Dịch Dung
Thế giới & Việt Nam