1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phát tín hiệu gì tới Đông Nam Á?

(Dân trí) - Chuyến thăm Indonesia của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, mà trong đó ông Pence thông báo rằng Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự 3 hội nghị thượng đỉnh tại Philippines và Việt Nam trong năm nay, là một tín hiệu cho thấy cam kết của chính quyền Mỹ đối với Đông Nam Á.


Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) tiếp Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tại Jakarta ngày 20/4 (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Indonesia Joko Widodo (phải) tiếp Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tại Jakarta ngày 20/4 (Ảnh: Reuters)

Tín hiệu thay đổi

Đông Nam Á, một khu vực nhận được sự quan tâm của các tổng thống Mỹ trước đó, cho tới nay dường như đã không được chính quyền Trump chú ý. Nhưng chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence tới Indonesia ngày 20/4 đã cho thấy một tín hiệu thay đổi. Cũng tại Jakarta, ông Pence đã thông báo rằng Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự 3 hội nghị thượng đỉnh khu vực trong năm nay.

Hãng tin AP nhận định rằng các quốc gia Đông Nam Á đang tìm kiếm cam kết của Mỹ nhằm đối trọng với sự ảnh hưởng về kinh tế và quân sự ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Các nhà ngoại giao hàng đầu của ASEAN dự kiến sẽ nhóm họp với Mỹ tại Washington vào đầu tháng 5, trong bối cảnh có những lo ngại rằng các mối quan tâm của họ đang bị xem nhẹ trong khi Tổng thống Donald Trump dành sự ưu tiên cho cuộc chiến chống khủng bố tại Trung Đông, các liên minh truyền thống ở châu Âu, và các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Chặng dừng chân của ông Pence tại Jakarta trong chuyến công du kéo dài 10 ngày tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và cuộc gặp với Tổng thống Indonesia Joko "Jokowi" Widodo đã gửi đi một thông điệp rằng mối quan tâm của ông Trump tại châu Á không chỉ là vấn đề Triều Tiên và sự mất cân bằng thương mại Mỹ-Trung. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một quan chức cấp cao chính quyền tới Đông Nam Á, và ông Pence cũng thông báo rằng ông Trump sẽ tham dự 2 hội nghị cấp cao tại Philippines và hội nghị APEC tại Việt Nam vào tháng 11 tới.

Washington “đang có các bước đi nhằm củng cố quan hệ đối tác với ASEAN và làm sâu sắc tình bạn của chúng ta”, ông Pence nói tại Jakarta hôm qua, nhấn mạnh tới sự tăng cường quan hệ kinh tế và hợp tác an ninh trong việc chiến đấu với khủng bố và vấn đề Biển Đông.

Năm nay đánh dấu kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN. Hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng 11 tới sẽ được tổ chức tại Philippines, tạo cơ hội cho một cuộc gặp giữa 2 nhà lãnh đạo "lập dị": Donald Trump và Rodrigo Duterte. Tổng thống Duterte thường được so sánh với nhà lãnh đạo Mỹ bởi sự thẳng tính và bộc trực, và quan điểm mang tính chủ nghĩa dân túy.

Quan hệ Mỹ-Philippies đã bị căng thẳng do cuộc chiến chống ma túy của ông Duterte, và các nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy quan hệ thân thiết hơn với Trung Quốc. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hủy một cuộc gặp được lên kế hoạch hồi năm ngoái sau khi ông Duterte “lăng mạ” ông. Trước đó, ông Obama đã chú trọng tới khu vực Đông Nam Á hơn bất kỳ người tiền nhiệm nào và đưa các hội nghị ASEAN vào danh sách ưu tiên trong lịch trình ngoại giao của ông.

Một trong những thành tựu nổi bật về chính sách ngoại giao tại Đông Nam Á của ông Obama là thúc đẩy cải cách dân chủ tại Myanmar. Ông cũng lên tiếng mạnh mẽ về các hoạt động xây đảo nhân tạo của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông Obama còn mở đường cho sự hiện diện lớn hơn của quân đội Mỹ tại Philippines, nơi các căn cứ Mỹ bị đóng cửa 25 năm trước.

Ông Obama cũng hiểu tầm quan trọng của mỗi lần xuất hiện. Ông đã có tổng cộng 9 chuyến thăm tới khu vực Đông Nam Á, trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tới Myanmar và Lào, và là người đầu tiên tới thăm Malaysia trong hơn 4 thập niên.

Sự khác biệt

Ông Trump đã bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống với chính sách khác biệt.

Chính sách “Nước Mỹ là trên hết” của ông Trump và việc rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ngay trong ngày đầu nhậm chức đã gây ra những lo ngại rằng về chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ có thể ảnh hưởng tới 600 triệu dân trong khu vực. Thương mại giữa Đông Nam Á và Mỹ đạt 225 tỷ USD mỗi năm. Mối quan hệ của ông Trump với Bắc Kinh vẫn chưa rõ ràng và chính sách ngoại giao của ông đã gây ra câu hỏi liệu ông có nới lỏng các cam kết của Mỹ ở Biển Đông để tìm kiếm sự hợp tác của Trung Quốc về Triều Tiên hay không.

“Khu vực rất muốn biết Mỹ sẽ có lập trường như thế nào về Biển Đông, và rộng hơn là cách tiếp cận của của nước này như thế nào với Trung Quốc”, Amy Searight, một cựu quan chức quốc phòng hàng đầu của Mỹ về khu vực, nhận định.

Quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ Patrick Murphy ngày 20/4 nói với báo giới rằng Mỹ sẽ tiếp tục các hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông. Các hoạt động này của Hải quân Mỹ tại vùng biển tranh chấp đã được tiến hành theo định kỳ dưới thời ông Obama, nhưng chúng không diễn ra kể từ khi ông Trump lên nắm quyền 3 tháng trước.

Tuy nhiên, tương lai mối quan hệ kinh tế có thể vẫn là lo ngại hàng đầu của khu vực. Trung Quốc là đối tác thương mại chính của hầu hết các nước Đông Nam Á, mặc dù Mỹ vẫn là một nguồn đầu tư nước ngoài chủ chốt. Việc TPP chưa rõ số phận khiến một thỏa thuận thay thế trở thành hành lang để thúc đẩy thương mại trong số các nền kinh tế đang phát triển nhanh nhất thế giới. Trung Quốc đang tham gia đàm phán thỏa thuận này, còn Mỹ thì không.

Quyết định của ông Trump nhằm rời khỏi TPP đã “tạo ra khoảng trống mà Trung Quốc rất muốn thế chân”, cựu quan chức Army Searight nhận định.

Nhưng trong một động thái khác thường, các ngoại trưởng ASEAN đã nhất trí một cuộc gặp 11 bên với Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tại Washington. Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết cuộc gặp sẽ diễn ra vào ngày 4/5. Sự kiện này sẽ tương tự một cuộc gặp ở cấp cao hơn của các lãnh đạo ASEAN mà ông Obama chủ trì tại California hồi năm ngoái.

An Bình

Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm