1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Tổng thống Libya cảnh báo “tắm máu” nếu phương Tây can thiệp

(Dân trí) - Tổng thống Libya hôm qua cảnh báo “hàng nghìn người” sẽ chết nếu phương Tây can thiệp để ủng hộ lực lượng nổi dậy chống lại ông. Trong khi đó, Liên đoàn ẢRập cũng phản đối sự can thiệp của nước ngoài vào Libya và NATO không đồng thuận trong động thái này.

Tổng thống Libya cảnh báo “tắm máu” nếu phương Tây can thiệp - 1

Theo bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, không có đồng thuận bên trong NATO về việc sử dụng vũ lực.

“Hàng nghìn người sẽ chết”

Phát biểu trên chương trình truyền hình được phát trực tiếp, nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi cảnh báo “cuộc chiến sẽ kéo dài, rất dài” nếu có bất kỳ sự can thiệp nào của cường quốc bên ngoài. “Nếu Mỹ hoặc phương Tây muốn vào Libya, họ phải biết đây sẽ biến thành địa ngục, một cuộc tắm máu - sự tàn sát còn tồi tệ hơn ở Iraq. Hàng nghìn người sẽ chết”.

Tuyên bố với “những người bạn của chúng ta ở châu Âu và phương Tây”, ông nói họ “sẽ không có một chút lợi ích nào khi làm rung chuyển chế độ ở Libya”.

Ông Gadhafi cũng một lần nữa lên tiếng đổ lỗi cho tổ chức khủng bố al-Qaeda đã thách thức chính quyền của ông, cho rằng mục tiêu của lực lượng này là để kiểm soát đất đai và dầu mỏ của Libya. “Chúng ta sẽ chiến đấu đến chiến binh cuối cùng”, Tổng thống Libya tuyên bố.

Ông Gadhafi cảnh báo như trên khi có tin các lực lượng thân lãnh đạo Gadhafi đã tấn công vào Brega ở phía đông Libya. Tình hình chiến sự đang trở nên ác liệt; Còn các cường quốc trên thế giới đang đưa ra các biện pháp chế tài đối với Libya, và đang thảo luận về việc có thể thi hành một vùng cấm máy bay đối với quân đội Libya.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm qua cho biết bà có cùng quan điểm với Bộ trưởng Quốc phòng Robert Gates là Mỹ sẽ không vội vã tham gia thiết lập một vùng cấm máy bay tại Libya hay can thiệp quân sự khác.

Theo một số nguồn tin, thì các giới chức quân sự Mỹ đang chuẩn bị một danh sách các phương án hành động, đệ trình lên Tổng thống Barack Obama. Mặt khác, Mỹ cũng đang có các cuộc thảo luận với châu Âu. Tuy nhiên, khả năng can thiệp quân sự chưa rõ ràng.

Trước đó, ông Gadhafi tuyên bố các giếng dầu của nước ông an toàn, nhưng các công ty dầu nước ngoài lo ngại họ có thể bị tấn công bởi các băng đảng có vũ trang. Ông Gadhafi đưa ra lời bình sau các bản tin nói rằng lực lượng chính phủ ông đã giành lại thành phố lọc dầu Brega bên bờ Địa Trung Hải từ tay quân nổi dậy chống chính phủ.

Một giới chức trong ngành dầu của Libya cho hay dầu xuất khẩu từ khu vực phía đông nước này do phe nổi dậy chiếm đóng đang xúc tiến bình thường. Nhưng các giới chức của Libya và các giới chức trong công nghiệp dầu nói rằng sản lượng 1,6 triệu thùng mỗi ngày đã bị cắt một nửa trong thời gian bất ổn. Sự kiện đó đã dẫn đến việc giá dầu tăng vọt trên các thị trường thế giới.

Liên đoàn ẢRập phản đối, NATO không đồng thuận

Các nhà ngoại giao Liên đoàn các nước ẢRập tuyên bố tổ chức này chống lại bất cứ hình thức can thiệp nào của nước ngoài vào Libya. Quan điểm này được khẳng định hôm qua tại Cairo, nơi 22 nước thành viên ẢRập họp để thảo luận về những xáo trộn tại Libya.

Một ngày trước đó, 192 nước thành viên Đại hội đồng Liên hợp quốc bỏ phiếu chấp thuận ngưng cho Libya tham gia Hội đồng Nhân quyền “vì nước này vi phạm rộng rãi và có hệ thống nhân quyền trong khi đàn áp cuộc nổi dậy chống nhà độc tài Muammar Gadhafi”.

Đại hội đồng Liên hợp quốc cũng quan tâm sâu sắc đối với tình trạng nhân quyền tại Libya. Mỹ ca ngợi động thái chưa từng có này và nói việc này “sẽ là một cảnh báo đối với các nước khác tấn công vào công dân của mình”.

Hội đồng Nhân quyền gồm có 47 thành viên, có trụ sở tại Geneva. Libya là quốc gia đầu tiên bị đình chỉ không cho tham gia hoạt động của Hội đồng Nhân quyền kể từ khi cơ quan này được thành lập vào năm 2006. Hành động này không vĩnh viễn loại Libya ra khỏi Hội đồng Nhân quyền nhưng ngăn không cho Libya tham dự hội đồng này cho đến khi Đại hội đồng Liên hợp quốc quyết định có phục hồi tư cách thành viên cho Libya hay không.

Trong khi đó, khối liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) lại không đồng thuận trong việc can thiệp quân sự vào Libya.

Tại cuộc họp báo tại Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates thừa nhận không có đồng thuận bên trong NATO liên quan đến việc sử dụng vũ lực. Còn theo Đô đốc Mike Mullen, Tham mưu trưởng lực lượng liên quân, mọi giải pháp đang được xem xét, nhưng đồng thời, ông cũng nói rõ là việc lập một khu vực cấm bay trên không phận Libya để bảo vệ thường dân là rất khó thực hiện, vì trước tiên, “cần phải tiêu diệt được các đơn vị phòng không của Libya”.

Còn tại Thượng viện Mỹ, một ngày trước đó, các Thượng nghị sĩ đã thông qua một nghị quyết mang tính biểu tượng, đồng ý về mặt nguyên tắc lập khu vực cấm bay tại Libya và lên án những hành động trấn áp người biểu tình của chính quyền Gadhafi.

Hà Khoa
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm