1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống lâm thời: Ukraine sẽ tìm cách hội nhập với châu Âu

(Dân trí) - Tổng thống lâm thời Oleksandr Turchynov tuyên bố Ukraine sẽ chú trọng vào mối quan hệ thân thiết hơn với châu Âu, một ngày sau các biến cố ở thủ đô Kiev.

Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov, một đồng minh của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko.

Tổng thống lâm thời Ukraine Oleksandr Turchynov, một đồng minh của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko.

Chủ tịch Quốc hội Oleksandr Turchynov, một đồng minh của cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, đã được bổ nhiệm làm Tổng thống lâm thời sau khi các nghị sĩ phế truất Tổng thống Viktor Yanukovych hôm 22/2.

Việc ông Yanukovych từ chối một thỏa thuận thương mại lịch sử EU-Nga đã gây ra các cuộc biểu tình nhằm lật đổ ông.

"Chúng ta phải quay trở lại gia đình các quốc gia châu Âu", ông Turchynov nói trong một bài phát biểu trên truyền hình ngày 23/2, vài giờ sau khi được các nghị sĩ bổ nhiệm làm tổng thống lâm thời.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu, bà Catherine Ashton, hôm qua đã thông báo bà sẽ tới thăm Kiev vào hôm nay 24/2 để thảo luận sự ủng hộ của EU cho "một giải pháp lâu dài đối với cuộc khủng hoảng chính trị và các biện pháp nhằm ổn định tình hình kinh tế của Ukraine".

Tổng thống Turchynov cũng nói rằng ông "sẵn sàng đối thoại" với Nga, quốc gia vốn ủng hộ cựu Tổng thống Yanukovych.

Turchynov nói ông muốn quan hệ với Nga sẽ dựa trên "cơ sở mới, láng giềng, công bằng và bình đẳng, công nhận và tính tới quyết định của Ukraine đối với EU".

Nga đã bày tỏ sự không đồng tình với các diễn biến tại Kiev, khi Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng phe đối lập "đã giành quyền lực tại Kiev, từ chối hạ vũ khí và tiếp tục đặt cược vào bạo lực".

Nga đã triệu hồi đại sứ tại Kiev về nước để tham vấn.

Trong khi đó, Mỹ thì nói các hành động của quốc hội Ukraine là hợp pháp và cảnh báo Nga về sự can thiệp quân sự.

Bà Tymoshenko không muốn trở lại ghế thủ tướng
 
Mọi người thắp nến để tưởng niệm những người thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.
Mọi người thắp nến để tưởng niệm những người thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.
 
Ông Turchynov nhậm chức ngày 23/2 và nói với các nghị sĩ rằng họ sẽ có thời hạn tới thứ Ba 25/2 để thành lập một chính phủ mới.

Bộ y tế Ukraine cho hay 88 người, hầu hết là những người biểu tình phản đối cựu Tổng thống Yanukovych đã thiệt mạng trong các vụ xô xát kể từ đầu tuần trước.

Trong một bài phát biểu ngày 22/2, Tổng thống Yanukovych đã từ chối từ chức. Ông được tin là đã có mặt ở thành phố Kharkiv, miền đông đất nước, sau khi tới đây vào tối 21/2.

Các nguồn tin báo chí dẫn lời giới chức Ukraine cho biết ông Yanukovych đã bị cảnh sát biên giới chặn lại trong khi đang cố gắng chạy sang Nga.

Các nghị sĩ từ đảng Các khu vực của ông Yanukovych giờ đây đang phủ nhận ông khi ra một tuyên bố chỉ trích cựu tổng thống.

Trong khi đó, cựu Thủ tướng Yulia Tymoshenko, từng là đối thủ chính trị của cựu Tổng thống Yanukovych và đã được thả khỏi nhà tù ở thành phố Kharkiv ngày 21/2, cho biết bà không muốn trở thành thủ tướng một lần nữa.

Việc phóng thích bà là một trong những điều kiện của thỏa thuận thương mại EU-Ukraine mà cựu Tổng thống Yanukovych từ chối hồi năm ngoái.

Cựu vô địch quyền anh Vitali Klitschko, người có quan điểm ủng hộ hội nhập châu Âu và phản đối liên kết với Nga, cho biết có thể ông sẽ tham gia tranh cử tổng thống trong cuộc bầu cử dự kiến được tổ chức vào ngày 25/5 tới.

"Tôi muốn đưa Ukraine trở thành một quốc gia châu Âu hiện đại. Nếu tôi có thể làm điều đó thông qua ghế tổng thống, tôi sẽ cố gắng hết mình".

Hỗ trợ tài chính

Mọi người thắp nến để tưởng niệm những người thiệt mạng trong cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine.

Cựu Thủ tướng Tymoshenko gặp đại sứ Mỹ tại Ukraine Geoffrey Pyatt và đại sứ EU Jan Tombinski.
 
Cũng trong ngày 23/2, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice đã cảnh báo Nga rằng sẽ là một "sai lầm nghiêm trọng" nếu can thiệp quân sự vào Ukraine.

Nga và Mỹ đã ở hai bên đối lập trong cuộc khủng hoảng hiện thời ở Ukraine, khi Mỹ, cùng với  EU, ủng hộ phe đối lập.

Trước đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel được cho là đã gọi điện cho bà Tymoshenko và hối thúc bà nỗ lực vì sự đoàn kết của Ukraine.

Bà Merkel cũng điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 23/2 để thảo luận về cuộc khủng hoảng, và cả hai nhà lãnh đạo nhất trí rằng "sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine phải được đảm bảo", phát ngôn viên của bà Merkel cho biết.

Đã xuất hiện những lo ngại rằng cuộc khủng hoảng sẽ làm trầm trọng hơn những chia rẽ về việc Ukraine nên thân Nga hay thân EU.

Giới phân tích cho rằng Đức đang cố gắng làm nhà trung gian hòa giải trong cuộc khủng hoảng và để làm dịu bớt những lo ngại của Nga rằng nước này sẽ bị đe dọa nếu Ukraine xích lại gần liên minh châu Âu.

Một số nghị sĩ quốc hội Đức đã kêu gọi nhanh chóng hỗ trợ tài chính cho Ukraine, có thể là liên quan tới Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).

Nga gần đây đã nhất trí cung cấp 15 tỷ USD để hỗ trợ chính phủ Ukraine. Nếu Nga rút lại quyết định này, một cuộc thảo luận sẽ nổ ra tại Berlin về việc liệu EU có nên thay thế số tiền của Nga và liệu điều đó sẽ ảnh hưởng như thế nào tới quan hệ với Mátxcơva.

Trước đó, một quan chức Mỹ cho biết Bộ trưởng tài chính mỹ Jack Lew đã thảo luận về Ukraine với Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov bên lề cuộc gặp của G20 ở Sydney, Úc.

Ông Siluanov được cho là đã để ngỏ trước câu hỏi rằng liệu Nga có trợ giúp phần tiếp theo của khoản hỗ trợ tài chính cho Ukraine hay không, trị giá 2 tỷ USD.

An Bình
Tổng hợp