Tổng thống hứng chỉ trích, Brazil nguy cơ "thất thủ" vì Covid-19
(Dân trí) - Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro đã bị chỉ trích vì lời bình luận bị mô tả là “thiếu sự cảm thông” trước thông tin 5.000 người chết vì Covid-19 ở quốc gia Mỹ Latinh.
Ngày 28/4, khi được hỏi về thông tin 5.000 người đã chết vì dịch Covid-19, Tổng thống Bolssonaro đã đáp lại: “Vậy thì sao nào?”.
Theo AFP, bình luận của ông Bolssonaro này đã "thổi bùng" sự tranh cãi trong dư luận Brazil. Các thống đốc, chính trị gia, chuyên gia y tế và giới truyền thông đã chỉ trích Tổng thống Brazil vì “sự thiếu cảm thông”.
Ông Bolsonaro, người thường có phát ngôn gây tranh cãi, đã khiến dư luận giận dữ trong bối cảnh Brazil dường như đã “vỡ trận” vì Covid-19 trong khi các nhà khoa học dự đoán nước này còn vài tuần nữa mới lên tới đỉnh dịch.
Số ca Covid-19 được ghi nhận chính thức ở Brazil hiện là hơn 96.000 và số người chết vì dịch là 6.750. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng con số ca nhiễm thực tế có thể cao gấp 15-20 lần.
“Vậy thì sao nào? Tôi rất tiếc. Nhưng quý vị muốn tôi làm gì bây giờ?”, ông Bolsonaro trả lời khi được hỏi về việc số ca tử vong tại Brazil vượt mốc 5.000, cao hơn Trung Quốc - nơi dịch bệnh bùng phát từ năm ngoái.
Ông Bolsonaro thậm chí sau đó còn nói đùa rằng dù tên đệm của ông là Messiah (có nghĩa là đấng cứu giúp) nhưng “tôi không thể tạo nên phép màu”.
Wilson Witzel, Thống đốc bang Rio de Janeiro, gọi phát biểu của ông Bolsonaro là “hoàn toàn không thể chấp nhận được”, cáo buộc Tổng thống Brazil “tỏ ra mỉa mai về những cái chết” hơn là “thể hiện vai trò người lãnh đạo trong hoàn cảnh này”.
Joao Doria, Thống đốc bang Sao Paulo, đề nghị nhà lãnh đạo Brazil tới thăm các bệnh viện để chứng kiến những ca nhiễm virus và tử vong vì mầm bệnh.
“Hãy hỏi Joao Doria và (Bruno) Covas (Thị trưởng Sao Paulo) là vì sao mà người dân vẫn tiếp tục thiệt mạng khi họ đã áp dụng các biện pháp hạn chế như vậy. Họ là những người phải đưa ra câu trả lời. Quý vị không thể đặt ra câu hỏi đó với tôi”, Tổng thống Bolsonaro đáp trả.
Ông Bolsonaro gần đây đã phản đối với các lệnh hạn chế đi lại và giãn cách xã hội. Ông cho rằng chỉ những người có nguy cơ cao mới cần bị cách ly, khuyến khích người dân đi làm để tránh kinh tế bị sụp đổ. Ông Bolsonaro tháng trước đã xuống đường biểu tình để phản đối các thống đốc đưa ra lệnh hạn chế đi lại.
Đức Hoàng
Theo Straits Times