1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Cơ quan châu Âu: Omicron sẽ đưa thế giới thoát đại dịch Covid-19

Minh Phương

(Dân trí) - Sự lây lan của biến chủng Omicron sẽ biến Covid-19 trở thành một bệnh đặc hữu mà thế giới có thể chung sống cùng, nhưng sẽ cần thêm một thời gian nữa, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) nhận định.

Cơ quan châu Âu: Omicron sẽ đưa thế giới thoát đại dịch Covid-19 - 1

Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu trong năm 2022 (Ảnh: AFP).

Phát biểu với các phóng viên ngày 11/1, ông Marco Cavaleri, người đứng đầu bộ phận chiến lược vaccine của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA), nói: "Không ai biết chính xác khi nào chúng ta sẽ đi đến cuối chặng đường, nhưng chúng ta sẽ đến đó. Tỷ lệ miễn dịch trong dân số đang gia tăng, với sự xuất hiện của biến chủng Omicron, tỷ lệ miễn dịch tự nhiên cũng gia tăng cùng với miễn dịch nhờ vaccine. Chúng ta đang tiến nhanh hơn đến kịch bản mà Covid-19 sẽ trở thành một bệnh đặc hữu".

Tuy nhiên, quan chức này cũng nhấn mạnh rằng, thế giới vẫn "đang ở giai đoạn đại dịch" và hệ thống y tế vẫn đang chịu sức ép lớn do làn sóng lây nhiễm Omicron.

Theo nghiên cứu của EMA, Omicron dễ lây lan hơn so với các biến chủng khác của SARS-CoV-2, nhưng nguy cơ nhập viện do Omicron chỉ bằng 1/2 hoặc 1/3 nguy cơ do biến chủng Delta gây ra. Nhiều nghiên cứu trước đó cũng đưa ra đánh giá tương tự. Một nghiên cứu của các nhà khoa học Anh và Hong Kong chỉ ra rằng, Omicron dường như ảnh hưởng nhiều hơn đến đường hô hấp trên, mà ít gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp dưới hay ít tác động đến phổi hơn. Nói cách khác, Omicron dường như chỉ gây các triệu chứng ít nghiêm trọng như ho, cảm cúm, đau mỏi cơ mà không gây tổn thương phổi.

Nhiều chuyên gia dự báo, Covid-19 có thể trở thành bệnh đặc hữu trong năm 2022 khi tỷ lệ miễn dịch trong cộng đồng tăng nhờ miễn dịch tự nhiên và nhờ vaccine. Tuy nhiên, trước khi đạt đến giai đoạn đó, thế giới sẽ phải tiếp tục đối phó với làn sóng lây nhiễm do Omicron và Delta gây ra.

Biến chủng Omicron được phát hiện lần đầu tiên tại châu Phi và hiện đã lan ra ít nhất 149 quốc gia trên thế giới. Omicron được cho là nguyên nhân chính kéo theo làn sóng lây nhiễm với tốc độ nhanh chưa từng có, khiến số ca Covid-19 mới ở nhiều nước lập kỷ lục. Chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, Omicron đã trở thành chủng trội ở nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và nhiều nước châu Âu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) dự báo, hơn 50% dân số châu Âu sẽ nhiễm biến chủng Omicron trong khoảng 6-8 tuần tới. Tại Mỹ, số ca mắc mới và số ca nhập viện đang ở mức cao chưa từng có. Tuy nhiên, Tiến sĩ Anthony Fauci, chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ, tin rằng nước này đang tiến gần hơn đến ngưỡng chuyển sang sống chung với Covid-19 như một bệnh dịch thông thường, có thể kiểm soát được.

WHO dự đoán Covid-19 sẽ trở thành bệnh đặc hữu trong năm 2022 nhưng với điều kiện các nước đạt được mục tiêu phủ vaccine Covid-19 ít nhất 70% dân số vào giữa năm nay.

Hiện một số nước trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine Covid-19 thứ 3, thậm chí thứ 4 cho người dân để đối phó biến chủng mới của SARS-CoV-2. Tuy nhiên, EMA cảnh báo, việc tiêm vaccine mũi tăng cường quá thường xuyên có thể làm suy yếu hệ miễn dịch. Theo EMA, các nước nên kéo dài khoảng cách giữa các mũi tiêm giống như chiến lược tiêm chủng ngừa cảm cúm vào mùa đông hàng năm.

"Có thể tiêm vaccine mũi tăng cường một hoặc hai lần, nhưng chúng tôi cho rằng không nên làm điều này thường xuyên. Chúng ta cần nghĩ làm thế nào để chuyển từ trạng thái đại dịch sang bệnh đặc hữu", ông Cavaleri nói.

Theo www.france24.com

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm