1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tranh cãi về biến chủng lai giữa Delta và Omicron

Thành Đạt

(Dân trí) - Một biến chủng lai của Covid-19 được cho là đã xuất hiện ở Síp, nhưng một số nhà khoa học gọi đây là cảnh báo giả.

Tranh cãi về biến chủng lai giữa Delta và Omicron - 1

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại bệnh viện ở Pháp (Ảnh: AFP).

Giáo sư khoa học sinh học Leondios Kostrikis tại Đại học Síp đã phát hiện một biến chủng SARS-CoV-2 mới sở hữu đặc điểm di truyền của cả hai biến chủng Delta và Omicron. Ông đặt tên cho biến chủng mới này là "Deltacron".

Giáo sư Kostrikis ngày 7/1 cảnh báo, thế giới "sẽ theo dõi trong tương lai xem liệu biến chủng mới có gây bệnh nặng hơn, dễ lây lan hơn hoặc chiếm ưu thế hơn" so với các biến chủng hiện tại hay không.

25 trường hợp nhiễm biến chủng Deltacron đã được ghi nhận và báo cáo cho cơ sở dữ liệu đột biến Covid-19 GISAID. Tuy nhiên, ông Kostrikis cho rằng biến chủng lai mới có thể sẽ bị Omicron, biến chủng trội tại nhiều nước trên thế giới hiện nay, áp đảo.

Mặc dù một số nhà khoa học bày tỏ lo ngại về thông tin xuất hiện biến chủng mới, một số nhà khoa học đã bác bỏ phát hiện này, cho rằng đây là báo động giả.

Theo các nhà khoa học, các biến chủng virus SARS-CoV-2 có thể "tái tổ hợp" bộ gen và hình thành các chủng mới, nhưng Deltacron không phải trường hợp này. Nhà sinh học phân tử Eric Topol tại Viện nghiên cứu Scripps cho rằng không cần phải "lo lắng" về Deltacron. Theo chuyên gia Ahmed Kalebi, Deltacron không phải biến chủng mới và không tồn tại trong đời thực.

Tom Peacock, nhà virus học tại Đại học Hoàng gia London, cũng đồng tình với quan điểm trên. Ông cho rằng biến chủng Omicron chưa lưu hành đủ lâu và lây lan trong một cộng đồng đủ lớn để tạo ra một thể tái tổ hợp thực sự. Ngoài ra, chi tiết di truyền của Deltacron được công bố trên cơ sở dữ liệu GISAID không giống với thể tái tổ hợp. Thay vào đó, biến chủng này dường như một sản phẩm trong phòng thí nghiệm nơi quá trình giải trình tự gen đã diễn ra.

Nhiều biến chủng SARS-CoV-2 đã được phát hiện trong 2 năm qua với khả năng lây nhiễm và độc lực khác nhau. Tuy nhiên, chỉ một số biến chủng được cho là gây nguy hiểm nhiều hơn, có tỷ lệ tử vong cao hơn hoặc dễ lây lan hơn.

Nhà dịch tễ học Eric Feigl-Ding cho biết các biến chủng mới vẫn tiếp tục xuất hiện, nhưng không đồng nghĩa với việc chúng sẽ trở nên nguy hiểm hơn. Mức độ nguy hiểm của biến chủng mới sẽ được xác định sau khi các nhà khoa học tiến hành tìm hiểu thêm về cách thức hoạt động của nó.

Các nhà khoa học tại Viện IHU Mediterranee Infection (Pháp) vào tháng 12/2021 đã phát hiện biến chủng SAR-CoV-2 mới, đặt tên là IHU. Các nhà khoa học cho biết biến chủng mới chứa 46 đột biến, khiến nó có khả năng kháng vaccine và lây nhiễm cao hơn. Ít nhất 12 ca nhiễm biến chủng mới đã được ghi nhận gần thành phố Marseilles, Pháp.

Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Pháp chưa trở thành mối đe dọa lớn kể từ khi nó được phát hiện lần đầu tiên vào cuối năm ngoái.

Cho đến nay, Omicron và Delta vẫn là những biến chủng đáng lo ngại nhất, khiến làn sóng Covid-19 bùng phát trở lại tại nhiều quốc gia. Omicron gây lo ngại bởi có chứa hơn 50 đột biến, trong đó có hơn 30 đột biến trên protein gai, cấu trúc có thể ảnh hưởng đến khả năng lây lan hoặc né miễn dịch của virus.

Theo www.rt.com