Tổng thống Belarus: Xung đột Ukraine kéo quá dài, Nga sẽ không thua cuộc
(Dân trí) - Trong khi Nga khẳng định chiến dịch quân sự ở Ukraine đang diễn ra theo đúng kế hoạch, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko cho rằng cuộc xung đột này kéo dài quá lâu.
"Tôi không nghĩ rằng chiến dịch này sẽ kéo dài đến như vậy. Tôi không quá quan tâm đến vấn đề này để khẳng định liệu chiến dịch có diễn ra theo đúng kế hoạch như Nga tuyên bố hay không. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi cảm thấy chiến dịch kéo dài quá lâu", Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko nói trong cuộc phỏng vấn với AP hôm 5/5.
Theo ông Lukashenko, Nga "không thể thua hay bị đánh bại trong chiến dịch này". Ông nói thêm rằng Belarus đã làm mọi cách để ngăn chặn và chấm dứt xung đột, đồng thời cho biết ông là người đã dàn xếp cuộc hội đàm đầu tiên giữa đại diện của Moscow và Kiev, diễn ra ở Belarus.
Tổng thống Lukashenko bác bỏ lo ngại về các cuộc tập trận quân sự đang diễn ra ở Belarus. Cuộc tập trận của Belarus được thông báo bất ngờ hôm 4/5 khi NATO cũng bắt đầu các cuộc tập trận của khối này tại các nước láng giềng của Belarus, bao gồm cuộc tập trận Defender Europe 2022 ở Ba Lan và Swift Response 2022 ở Lithuania và Latvia.
"Chúng tôi không đe dọa bất kỳ ai và chúng tôi cũng không chuẩn bị để đe dọa bất kỳ ai. Xung đột với phương Tây hoàn toàn không đảm bảo lợi ích cho Belarus", ông Lukashenko nhấn mạnh.
Ukraine đã bày tỏ sự quan ngại về cuộc tập trận của quân đội Belarus. Người phát ngôn Lực lượng Biên phòng Ukraine Andriy Demchenko nói rằng, Ukraine không loại trừ khả năng vào một thời điểm nào đó trong tương lai, Nga sẽ sử dụng lãnh thổ của Belarus cho chiến dịch quân sự tại Ukraine và quân đội Belarus cũng có thể tham gia vào chiến dịch này. Vì vậy, Ukraine "phải sẵn sàng cảnh giác với mọi tình huống".
Tổng thống Lukashenko cũng phủ nhận khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân trong cuộc xung đột tại Ukraine hay bất kỳ cuộc xung đột nào khác. Trong khi đó, Nga cũng khẳng định chiến tranh hạt nhân là lựa chọn không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ông Lukashenko cảnh báo, việc Nga lựa chọn sử dụng vũ khí nào ở Ukraine phụ thuộc nhiều vào NATO, liên minh đang "vượt qua lằn ranh đỏ", hơn là Ukraine.
Liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu đã đổ một lượng lớn tài chính, vũ khí và trang thiết bị vào Ukraine, bất chấp sự phản đối của Moscow.
Belarus có thể được coi là đồng minh thân cận nhất của Nga vào thời điểm này. Ngày 3/5, Tổng thống Belarus đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, thảo luận về chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine cùng nhiều vấn đề khác.
Các cử tri Belarus hồi tháng 2 đã thông qua cải cách hiến pháp, cho phép nước này có thể trở thành nơi đặt vũ khí hạt nhân. Động thái này có thể sẽ mở đường cho vũ khí hạt nhân trở lại lãnh thổ Belarus kể từ khi họ từ bỏ loại vũ khí này sau thời điểm Liên Xô sụp đổ hơn 30 năm trước.
Trước đó, Tổng thống Lukashenko từng tuyên bố, Belarus có thể cho phép Nga đặt "vũ khí thậm chí là siêu vũ khí hạt nhân" trên lãnh thổ nếu họ cảm thấy bị đe dọa.