1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổng quan về kho vũ khí của Triều Tiên

(Dân trí) - Triều Tiên ngày càng cho thấy sức mạnh đáng nể của quân đội nước này với kho tên lửa liên tục được mở rộng, năng lực hạt nhân tiến bộ nhanh chóng và số lượng binh sĩ thường trực luôn giữ ở mức đông hàng đầu thế giới.

Tên lửa


Các tên lửa của Triều Tiên (Đồ họa: BBC)

Các tên lửa của Triều Tiên (Đồ họa: BBC)

Các vụ thử tên lửa được tiến hành trong năm nay cho thấy Triều Tiên đã thành công trong việc phát triển các tên lửa với tầm phóng ngày càng xa hơn, thậm chí có có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ.

Tháng 5/2017, Triều Tiên phóng thử một tên lửa Hwasong-12. Giới phân tích tin rằng tên lửa này có thể đạt tới tầm phóng 4.500 km và đặt các căn cứ quân sự của Mỹ trên đảo Guam ở Thái Bình Dương trong tầm tấn công.

Tháng 7/2017, Triều Tiên tiếp tục tiến hành 2 vụ thử tên lửa Hwasong-14 với tầm phóng thậm chí còn xa hơn so với tên lửa Hwasong-12 trước đó. Giới chuyên gia cho rằng đây có thể là tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) đầu tiên của Bình Nhưỡng với tầm phóng lên tới hơn 10.000 km, nghĩa là có thể phóng tới thành phố New York của Mỹ.

Tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)
Tên lửa Hwasong-14 của Triều Tiên (Ảnh: KCNA)

Kho tên lửa của Triều Tiên được cho là còn có hai mẫu tên lửa ICBM khác là KN-08 và KN-14. Tuy nhiên, cả 2 loại tên lửa này đều chưa được thử nghiệm và mối quan hệ giữa các tên lửa KN-08 và KN-14 với Hwasong-12 và Hwasong-14 hiện vẫn chưa được làm rõ.

Sự thành công của các vụ thử tên lửa gần đây của Triều Tiên đã đặt ra nhiều câu hỏi về lý do dẫn tới sự phát triển vượt bậc của chương trình tên lửa mà Bình Nhưỡng theo đuổi từ nhiều năm nay. Trước đó, Triều Tiên đã nhiều lần thất bại trong các vụ thử tên lửa Musudan.

Ngoài việc chế tạo thành công các tên lửa với tầm phóng ngày càng xa hơn, giới tình báo quân sự của Mỹ còn cho rằng Triều Tiên đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân để gắn trên tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Hạt nhân

Đồ họa các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên từ năm 2006 đến nay (Đồ họa: BBC)
Đồ họa các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên từ năm 2006 đến nay (Đồ họa: BBC)

Vụ thử hạt nhân gần đây nhất của Triều Tiên diễn ra vào ngày 3/9. Trước đó, 5 vụ thử hạt nhân đã được Bình Nhưỡng thực hiện vào các năm 2006, 2009, 2013 và 2016. Vụ thử ngày 3/9 cũng được đánh giá là mạnh nhất từ trước đến nay.

Trận động đất do vụ thử mới nhất của Triều Tiên gây ra mạnh 6,3 độ Richter, gấp 10 lần so với vụ thử lần thứ 5 hồi tháng 9/2016. Sức công phá từ vụ thử này ước tính nằm trong khoảng từ 100-370 kiloton, gấp nhiều lần so với quả bom nguyên tử rơi xuống thành phố Hiroshima của Nhật Bản cách đây 72 năm.

Bình Nhưỡng bắt đầu chương trình hạt nhân từ những năm 1980. So với vụ thử đầu tiên năm 2006, Triều Tiên đã cho thấy sự phát triển rõ rệt trong năng lực hạt nhân của nước này.

Trong vụ thử mới nhất, Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch gắn trên tên lửa ICBM. Đây cũng là loại bom có sức công phá lớn nhất trong các loại vũ khí hạt nhân hiện nay.

Lực lượng quân sự

So sánh tương quan lực lượng quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc (Đồ họa: BBC)
So sánh tương quan lực lượng quân sự Triều Tiên - Hàn Quốc (Đồ họa: BBC)

Hiện chưa có con số thống kê cụ thể về ngân sách quân sự của Triều Tiên, song chính sách “Songun” của chính quyền Triều Tiên đã nêu rõ ngân sách dành cho lực lượng vũ trang phải nhiều hơn so với các lĩnh vực khác.

Mặc dù Triều Tiên là một trong những nước có lực lượng quân đội thường trực lớn nhất trên thế giới, nhưng phần lớn các trang thiết bị quân sự của nước này được cho là đều đã cũ và lỗi thời.

Tuy nhiên, tương quan lực lượng quân sự giữa Triều Tiên và Hàn Quốc cho thấy Bình Nhưỡng hoàn toàn có thể giành ưu thế trước Seoul nếu xảy ra một cuộc xung đột giữa hai nước.

Đồ họa các lực lượng quân sự trên bán đảo Triều Tiên (Đồ họa: BBC)
Đồ họa các lực lượng quân sự trên bán đảo Triều Tiên (Đồ họa: BBC)

Ngoài lực lượng quân đội thường trực với hơn 1 triệu quân (so với 630.000 quân của Hàn Quốc), Triều Tiên còn có khoảng 5, 7 triệu quân dự bị (so với 4,5 triệu quân của Hàn Quốc). Bên cạnh đó, lực lượng quân đặc nhiệm của Triều Tiên cũng xấp xỉ 200.000 người.

Trong trường hợp xung đột xảy ra, lực lượng đặc nhiệm Triều Tiên có thể sẽ tràn sang Hàn Quốc, sử dụng mạng lưới 20-25 đường hầm lớn trải dài khu vực phi quân sự liên Triều (DMZ) để tấn công lực lượng Hàn Quốc và Mỹ.

Ngoài ra, Triều Tiên còn có thể triển khai hàng nghìn khẩu đạn pháo và bệ phóng tên lửa dọc biên giới, trong đó có nhiều vũ khí được đặt dưới các cứ điểm kiên cố dưới lòng đất. Từ đây, Triều Tiên có thể trút hỏa lực về phía Hàn Quốc, trong đó có thủ đô Seoul và đe dọa tính mạng của hàng triệu người.

Đồ họa các lực lượng quân sự Mỹ xung quanh Triều Tiên (Đồ họa: BBC)
Đồ họa các lực lượng quân sự Mỹ xung quanh Triều Tiên (Đồ họa: BBC)

Thành Đạt

Theo BBC