1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Trung Quốc:

Tội tày đình của cựu cố vấn cho ông Hồ Cẩm Đào

Hôm 4/7, tòa án Thiên Tân đã xử tù chung thân đối với Lệnh Kế Hoạch, cựu cố vấn cấp cao của cựu Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào.

Lệnh Kế Hoạch, nguyên Phó chủ tịch Chính Hiệp toàn quốc, Ủy viên Trung ương, Trưởng ban Mặt trận thống nhất Trung ương, bị cáo buộc phạm các tội nhận hối lộ, thu thập bí mật quốc gia trái phép và lạm dụng chức quyền.

Hàng loạt tội nghiêm trọng

Tòa nhận định, Lệnh Kế Hoạch đã lợi dụng chức vụ cùng vợ Cốc Lệ Bình đưa hối lộ, mưu lợi cho người khác, rồi đòi và nhận hối lộ cực lớn, thu thập trái phép bí mật quốc gia, lạm dụng chức quyền, khiến tài sản công ích tổn thất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, sau khi bị bắt, Lệnh Kế Hoạch đã thành thật khai báo mọi tội lỗi, có biểu hiện hối lỗi, có các tình tiết giảm nhẹ. Căn cứ sự thực phạm tội, tính chất, tình tiết và mức độ nguy hại đối với xã hội, tòa án đã đưa ra mức án chung thân với Hoạch.

Lệnh Kế Hoạch tại tòa
Lệnh Kế Hoạch tại tòa

Trong quá trình xét xử, các nhân chứng như Lâu Trung Phúc, Thôi Hiểu Ngọc đã ra làm chứng trước tòa, về việc họ đưa hối lộ cho vợ chồng Hoạch để được giúp đỡ, kiếm lợi. Vợ chồng Hoạch đã nhận của Phúc 14,65 triệu NDT, của Ngọc 14,38 triệu NDT.

Ngoài ra, vợ chồng Hoạch còn nhận hàng triệu Nhân dân tệ tiền hối lộ của nhiều người khác như Phan Dật Dương, Ngụy Tân Sở, Lý Xuân Thành, Bạch Ân Bồi, Hoắc Khắc... Tổng số tiền, vật nhận hối lộ quy đổi thành hơn 77 triệu NDT (269,8 tỷ VND).

Về tội thu thập bí mật quốc gia, theo Tân Hoa xã, Hoạch thông qua thân tín là Cục trưởng Cục Thư ký Văn phòng Trung ương để thu thập số lượng lớn tài liệu mật quốc gia. Trước đây, báo chí từng đưa tin, Hoạch đã lấy cắp, tàng trữ hơn 2.700 văn kiện cơ mật.

Các tài liệu mật này đều được ban hành từ sau tháng 9/2012, tức là sau khi Hoạch không còn ở văn phòng trung ương nữa. Một trong những thủ đoạn ông ta dùng để thu thập bí mật quốc gia là lắp máy nghe lén trong phòng làm việc của lãnh đạo trong suốt 3 năm.

Hoạch lấy danh nghĩa Văn phòng Trung ương, Cục Cảnh vệ, Cục Bảo vệ Quân ủy Trung ương để lắp chuông an ninh khẩn cấp nhưng thực chất là máy nghe lén. Cứ 10 – 15 ngày, Hoạch lại cho người kiểm tra, thay thế thẻ nhớ để lấy tài liệu.

Thiết bị nghe lén đã bị Hoạch lắp đặt trái phép ở cả phòng làm việc của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Phó chủ tịch Tập Cận Bình, Phó thủ tướng Lý Khắc Cường và ông Vương Kỳ Sơn.

Về tội lạm dụng chức quyền, Lệnh Kế Hoạch bị cáo buộc lợi dụng quyền lực và ảnh hưởng để giúp đỡ những người có quan hệ và người thân trong việc điều động công tác, thăng tiến chức vụ, mua nhà, chuyển hộ khẩu…

Tây Sơn Hội và “Bè lũ 4 tên mới”

Từ 2007, Hoạch lập ra Tây Sơn Hội ở Bắc Kinh, biến nó thành nơi tập hợp các chính khách, doanh nhân quê Sơn Tây mà nhà họ Lệnh là trung tâm. Ngoài các anh em trai của Hoạch, nhóm này còn có Cục trưởng Năng lượng Lưu Thiết Nam, Phó chủ tịch Chính Hiệp Tô Vinh...

Bè lũ 4 tên mới (Hàng trên từ trái qua: Lệnh Kế Hoạch, Chu Vĩnh Khang; Hàng dưới từ trái qua: Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu)
Bè lũ 4 tên mới (Hàng trên từ trái qua: Lệnh Kế Hoạch, Chu Vĩnh Khang; Hàng dưới từ trái qua: Bạc Hy Lai, Từ Tài Hậu)

Tây Sơn Hội cách 3 tháng lại họp một lần. Mỗi lần tụ họp đều được canh gác cẩn mật, những người đến họp không được mang theo điện thoại, thư ký và tình nhân. Tây Sơn Hội trở thành nơi giao dịch tiền quyền, từng có tin đồn chức Thị trưởng phải mất 10 triệu NDT.

Trong một thời gian dài, gia nhập hội này đã trở thành biểu tượng của sự quyền quý, tấm vé thành đạt ở Bắc Kinh. Sau khi Hoạch bị điều tra, nhà chức trách đã phát hiện hội này liên quan đến khắp các lĩnh vực địa ốc, hầm mỏ, quảng cáo, an ninh mạng, giao thông, các loại quỹ.

Nhiều quan chức, thành viên của Tây Sơn Hội sau đó đều đã bị điều tra hoặc đã nhận án tù như Lệnh Chính Sách, Tô Vinh, Đỗ Thiện Học, Kim Đạo Minh, Lưu Thiết Nam…

Ngoài Tây Sơn Hội, Lệnh Kế Hoạch còn câu kết với các đại quan tham như Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Bạc Hy Lai lập ra một “trung tâm quyền lực” được báo chí gọi là “Bè lũ 4 tên mới”. Phải tới chiến dịch chống tham nhũng của ông Tập Cận Bình, nhóm này mới bị đập tan.

Ngoài Từ Tài Hậu đã chết vì ung thư trong thời gian đang bị điều tra, cả 3 người còn lại đều nhận án tù chung thân, phải sống nốt quãng đời còn lại trong nhà giam.

Lệnh Kế Hoạch còn có lối sống tha hóa. Báo chí đưa tin ông ta có tới 27 người tình, trong đó duy trì quan hệ kiểu “định kỳ sống chung” với 7 người, có tới 5 đứa con riêng mang họ mẹ. Người nổi tiếng nhất là Phùng Trác, Phó chủ nhiệm Ban tin thời sự của CCTV.

Lên chức như "diều gặp gió"

Lệnh Kế Hoạch sinh năm 1956, quê ở huyện Bình Lục, tỉnh Sơn Tây, có bằng thạc sĩ quản lý công thương. Từ ủy viên huyện đoàn Bình Lục, năm 1979, Hoạch lên làm cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương đoàn, thư ký cho Bí thư Trung ương đoàn, năm 1985 được bổ nhiệm Trưởng phòng.

Các mắt xích lớn trong đại án tham nhũng (Hàng dọc bên trái, từ trên xuống: Lý Xuân Thành, Bạch Ân Bồi, Ngụy Tân; Hàng dọc giữa: Lệnh Kế Hoạch, Cốc Lệ Bình; Hàng dọc bên phải: Phan Dật Dương, Hoắc Khắc; Lâu Trung Phúc)
Các mắt xích lớn trong đại án tham nhũng (Hàng dọc bên trái, từ trên xuống: Lý Xuân Thành, Bạch Ân Bồi, Ngụy Tân; Hàng dọc giữa: Lệnh Kế Hoạch, Cốc Lệ Bình; Hàng dọc bên phải: Phan Dật Dương, Hoắc Khắc; Lâu Trung Phúc)

Năm 1988, Hoạch trở thành Chủ nhiệm Văn phòng Ban Bí thư Trung ương đoàn, rồi kinh qua một loạt chức vụ khác. Tháng 12/1995, Lệnh Kế Hoạch được điều sang Văn phòng Trung ương Đảng phụ trách một tổ nghiên cứu, năm 1998 làm Chủ nhiệm phòng nghiên cứu...

Sau khi ông Hồ Cẩm Đào lên giữ chức Tổng bí thư, Lệnh Kế Hoạch kiêm thêm các chức Ủy viên Ủy ban biên chế Trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Tổng bí thư. Tháng 9/2007, Hoạch được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương, Bí thư Trung ương khóa 17.

Tháng 9/2012, Hoạch giữ chức Trưởng ban Mặt trận Trung ương. Tại Đại hội 18 (11/2012), Hoạch tiếp tục được bầu làm Ủy viên Trung ương, nhưng thôi chức Bí thư. Tại kỳ họp Chính Hiệp khóa 12 vào tháng 3/2013, Hoạch được bầu làm Phó chủ tịch Chính Hiệp.

Ngày 22/12/2014, Lệnh Kế Hoạch bị điều tra, rồi bị bãi một loạt chức vụ. Tới 20/7/2015, ông ta bị khai trừ Đảng và chức vụ công, hồ sơ được chuyển sang viện kiểm sát tối cao.

Một nhà tham nhũng

Cha của Hoạch tên là Lệnh Hồ Dã. Ông Dã là một bác sĩ, từng có quan hệ thân thiết với cha của Bạc Hy Lai. Ông Dã có khá đông con, được đặt tên như Phương Châm, Chính Sách, Lộ Tuyến, Kế Hoạch, Hoàn Thành... Ông đâu ngờ các con ông sau này lại bị bắt, bị điều tra.

Người con cả Phương Châm đi lính, năm 1977 phục viên, làm nghề lau kính các tòa nhà cao tầng, không may bị nạn mà qua đời. Con trai thứ Chính Sách, cán bộ địa phương, từ tháng 1/2008 được bổ nhiệm làm Phó chủ tịch Chính Hiệp Sơn Tây, bị tạm giam từ ngày 19/6/2014.

Người con gái Lệnh Lộ Tuyến là vợ của Vương Kiện Kháng, Phó chủ tịch thành phố Vận Thành, tỉnh Sơn Tây đang bị giam giữ để điều tra từ ngày 13/7/2015 do liên quan đến tham nhũng.

Lệnh Hoàn Thành là con út, từng công tác thời gian dài ở Tân Hoa xã. Về sau, Hoàn Thành quay sang kinh doanh, làm Chủ tịch Tập đoàn xe hơi Hoa Tinh, cùng chị dâu Tôn Thục Mẫn (vợ Lệnh Phương Châm) và cháu hợp tác làm ăn.

Những gương mặt nổi trội trong gia tộc Lệnh Kế Hoạch (Hàng trên: Lệnh Kế Hoạch (ảnh lớn), Lệnh Chính Sách (ảnh nhỏ phía trên), Lệnh Hoàn Thành; Hàng dưới từ trái qua: Cốc Lệ Bình, Cốc Nguyên Húc, Vương Kiện Khang)
Những gương mặt "nổi trội" trong gia tộc Lệnh Kế Hoạch (Hàng trên: Lệnh Kế Hoạch (ảnh lớn), Lệnh Chính Sách (ảnh nhỏ phía trên), Lệnh Hoàn Thành; Hàng dưới từ trái qua: Cốc Lệ Bình, Cốc Nguyên Húc, Vương Kiện Khang)

Tuy nhiên, do liên quan đến làm ăn phi pháp, nên Hoàn Thành và vợ Lý Bình, MC Đài truyền hình trung ương (CCTV) đều bị điều tra. Hoàn Thành đã trốn sang Mỹ, đổi tên là Vương Thành, đã có tên trong danh sách đối tượng của chiến dịch “Săn cáo”.

Hoạch là người con thành đạt nhất. Hoạch có vợ và một con trai. Vợ Hoạch là Cốc Lệ Bình, sinh năm 1959. Bình công tác ở cơ quan Trung ương Đoàn, từng lập trang web Quỹ Xã hội thanh thiếu niên, giữ chức Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cung thanh thiếu niên.

Tháng 11/2003, ít lâu sau khi chồng được bổ nhiệm làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng, Cốc Lệ Bình đã thành lập tổ chức công ích gọi là “Chương trình khởi nghiệp quốc tế thanh niên Trung Quốc” (YBC), tự đảm nhận các cương vị Phó chủ tịch, Tổng cán sự.

Ngay hôm thành lập, cơ quan này đã được các doanh nghiệp “hiếu kính” mấy trăm triệu NDT. Do quỹ này làm ăn khuất tất, mờ ám, chủ yếu là vỏ bọc để nhận hối lộ, nên ngày 3/12/2012, Cốc Lệ Bình đã bị bắt cùng một số người khác.

Cốc Lệ Bình cũng liên quan đến vụ án tham nhũng của Bộ trưởng Đường sắt Lưu Chí Quân. Em trai bà ta là Cốc Nguyên Húc, Đảng ủy viên, Phó giám đốc Sở Công an tỉnh Hắc Long Giang, cũng đang bị điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.

Vợ chồng Hoạch đều có tác phong sinh hoạt không lành mạnh, “ông ăn chả, bà ăn nem”. Báo chí từng phanh phui chuyện Bình gian dâm với “em nuôi” Nhuế Thành Cương, MC của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, hiện đang bị điều tra về tội làm gián điệp.

Hoạch chỉ có con trai duy nhất là Lệnh Cốc, sinh năm 1988. Cốc đã chết trong vụ tai nạn giao thông năm 2012. Chính cái chết của Lệnh Cốc đã trở thành “dây cháy chậm” dẫn đến sự sụp đổ của “Tổng nội quản” Lệnh Kế Hoạch và gia tộc tham nhũng họ Lệnh.

Theo Ngô Tuyết

Vietnamnet