1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tội lỗi của Chu Vĩnh Khang và phiên tòa bí mật

Dư luận, giới pháp luật Trung Quốc và quốc tế đều ngỡ ngàng, bất ngờ trước diễn biến của vụ xét xử Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang hôm 11/6 và mức án chung thân được cho là quá nhẹ.

Chu Vĩnh Khang trước đây (
Chu Vĩnh Khang trước đây (phải) và trước tòa
 
Vào lúc 18 giờ ngày 11/6/2015, Tân Hoa xã bất ngờ đưa tin về vụ xét xử bí mật này và cho biết, Chu Vĩnh Khang bị tuyên án tù chung thân, tước quyền chính trị suốt đời và tịch thu tài sản cá nhân vì phạm phải ba tội nhận hối lộ, lạm dụng chức quyền và tiết lộ bí mật.

Phiên tòa trong vòng bí mật

Khác với phiên tòa xét xử cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai hồi năm 2013 do Tòa án thành phố Tế Nam tiến hành khá công khai: thông báo trước thời gian, địa điểm tổ chức, mời đại biểu các giới, báo chí và thân nhân bị cáo đến dự, sử dụng mạng xã hội Weibo và phương thức khác để công khai quá trình thẩm lý và phán quyết; phiên tòa xét xử ông Chu Vĩnh Khang được giữ bí mật hoàn toàn, chỉ khi đã kết thúc, Tân Hoa xã đưa tin về kết quả, mọi người mới biết.

Điều này khiến dư luận và cả giới báo chí, pháp luật trong, ngoài nước ngạc nhiên, khó hiểu. Chính vì vậy, trên một số báo chí nước ngoài đã xuất hiện những ý kiến bình luận, cho rằng: “Điều này có nghĩa là chiến dịch chống tham nhũng đả hổ rầm rộ từ sau Đại hội 18 đã tạm chấm dứt”. Tuy nhiên, Nhân dân nhật báo (NDNB) ngày 12/6 đã đăng bình luận nhan đề “Bất cứ ai đều không có đặc quyền vượt trên hiến pháp, pháp luật”, khẳng định việc xét xử Chu Vĩnh Khang thể hiện thái độ rõ ràng và kiên định của nhà nước Trung Quốc trong việc trừng trị hủ bại tham nhũng.

Về việc Chu Vĩnh Khang không được xét xử công khai như Bạc Hy Lai, cho dù trước đó Tòa án Tối cao Trung Quốc đã cam kết phiên tòa xử Chu Vĩnh Khang sẽ là một “phiên tòa mở theo đúng quy định của pháp luật”;? Tân Hoa xã giải thích: Ngày 22/5, Tòa án trung cấp Thiên Tân xét thấy một số chứng cứ phạm tội trong vụ án liên quan đến cơ mật quốc gia nên quyết định không xét xử công khai. Học giả nổi tiếng Chương Lập Phàm cho rằng, nhà đương cục không muốn tái diễn chuyện bị cáo phản cung như vụ xử Bạc Hy Lai và tránh để lộ những thông tin cơ mật trong quá trình thẩm lý.

Những tội lỗi của Chu Vĩnh Khang

Theo phán quyết của tòa, Chu Vĩnh Khang bị phạt tù chung thân, tước quyền chính trị suốt đời và tịch thu tài sản cá nhân về tội nhận hối lộ, 7 năm tù giam về tội lạm dụng chức quyền, 4 năm tù giam về tội cố ý tiết lộ bí mật quốc gia; tổng hợp chung phải nhận án tù chung thân; tước quyền chính trị suốt đời và tịch thu tài sản cá nhân.

Cụ thể các tội của Chu Vĩnh Khang gồm:
 
Thứ nhất, lợi dụng chức vụ để mưu lợi cho Ngô Binh (thương gia kiêm người quản lý gia đình Chu), Đinh Tuyết Phong (Thị trưởng thành phố Lã Lương), Ôn Thanh Sơn (Kế toán trưởng Tập đoàn dầu khí quốc gia), Chu Hào (cháu họ), Tưởng Khiết Mẫn (Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dầu khí quốc gia) để nhận hối lộ tiền và vật từ họ quy ra 731.100 nhân dân tệ (NDT) (tương đương 25,6 tỷ VNĐ). Vợ Chu Vĩnh Khang là Giả Hiểu Diệp, con trai Chu Bân nhận hối lộ 129,04 triệu NDT rồi báo cho Chu biết, tổng cộng số tiền nhận hối lộ là 129,78 triệu NDT (454,2 tỷ VNĐ).

Tội thứ hai, lạm dụng chức quyền: Chu Vĩnh Khang đã yêu cầu Tưởng Khiết Mẫn, Lý Xuân Thành (Ủy viên dự khuyết TW, Phó Bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên) giúp đỡ việc làm ăn kinh doanh của con trai Chu Bân, cháu trai Chu Phong, em trai Chu Nguyên Thanh, thương gia Hà Yến (người tình) và “Quốc sư” Tào Vĩnh Chính (bạn thân, nguyên là một nhà khí công, sau chuyển sang kinh doanh), qua đó giúp những người này kiếm lợi phi pháp 2 tỷ 136 triệu NDT, gây nên thiệt hại kinh tế 1 tỷ 486 triệu NDT.

Tội thứ ba, tiết lộ bí mật: Chu Vĩnh Khang đã vi phạm các quy định, tự ý giao 5 văn kiện tuyệt mật, 1 văn kiện cơ mật cho người không có liên quan là “quốc sư” Tào Vĩnh Chính. 6 văn kiện mật mà Chu Vĩnh Khang đã tiết lộ cho Tào Vĩnh Chính có nội dung gì, ảnh hưởng ra sao? Báo chí Trung Quốc chính thức cho đến nay chưa thấy đề cập đến, nhưng các thông tin trên mạng xã hội cho rằng, có việc Chu Vĩnh Khang tiết lộ những bí mật về sắp xếp nhân sự và các cơ mật về kinh tế cho người thân để họ lợi dụng kiếm lợi về chính trị và kinh tế.

Báo Nhật “Yumiuri Shimbun” ngày 12/6, tiết lộ rằng: Năm 2012 thông báo trước cho Bạc Hy Lai biết ông ta và gia đình sẽ bị điều tra; cung cấp cho truyền thông Mỹ hiện tượng quan chức Trung Quốc và gia đình họ vơ vét làm giàu; nghiêm trọng hơn là thông báo cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jung Un biết nội dung hội đàm kín giữa quan chức cấp cao Trung Quốc với nhân vật số 2 Jang Song-thaek dẫn đến việc Jang Song-thaek bị sát hại. Hành động này của Chu Vĩnh Khang được coi là dọn đường cho việc chạy trốn sang Triều Tiên. Chính tội danh “tiết lộ bí mật” có lẽ là nguyên nhân chính khiến tòa án không thể xét xử công khai Chu Vĩnh Khang.

Theo Tân Hoa xã, trong lời phát biểu cuối cùng trước tòa, Chu Vĩnh Khang nói: “Tôi chấp nhận những lời buộc tội cơ bản đều đúng sự thực của Viện KS; tôi xin nhận mọi tội lỗi. Những người kia đưa hối lộ cho gia đình tôi, thực tế là nhằm đến quyền lực của tôi. Tôi cần phải chịu trách nhiệm chính, bản thân liên tục vì tình cảm riêng tư mà vi phạm kỷ cương pháp luật; việc phạm tội là có thật, đã gây nên tổn thất lớn lao cho đảng và quốc gia. Việc xử lý theo kỷ cương, pháp luật những vấn đề của tôi đã thể hiện quyết tâm giữ nghiêm đảng phong, quốc pháp. Tôi xin phục tùng phán quyết của tòa án, không kháng án. Tôi nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của mình đã gây nên tổn thất cho sự nghiệp của đảng. Một lần nữa tôi bày tỏ nhận tội và hối hận”.

So với thông báo của Bộ Chính trị được Tân Hoa xã công bố hôm 6/12/2014, ngoài 3 tội được đưa ra xét xử trên đây, Chu Vĩnh Khang còn phạm các tội khác là: “hoạt động phá đảng, kết bè kết phái để kiếm lợi”, “thông gian với nhiều phụ nữ và tiến hành đổi chác tình tiền, quyền sắc” và “qua điều tra phát hiện manh mối một số tội khác” (được cho là liên quan đến cái chết do tai nạn giao thông của người vợ đầu và âm mưu phản loạn). Tuy nhiên tại phiên tòa này, những tội đó đã không được nhắc tới.
  
Theo Thu Thủy (tổng hợp theo Tân Hoa xã và báo chí Trung Quốc)
Tiền Phong

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm