Sau Chu Vĩnh Khang, chiến dịch "đả hổ" của Trung Quốc sẽ hạ nhiệt?
(Dân trí) - Tuyên bố đầy bất ngờ của truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 11/6 về việc Chu Vĩnh Khang đã bị xét xử bí mật và thừa nhận mọi tội danh khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi phải chăng chiến dịch “đả hổ” của nước này sắp khép lại?
Một ngày sau thông báo gây bất ngờ, với ngay cả các luật sư thân cận với thành viên gia đình ông Chu Vĩnh Khang, về bản án tù chung thân dành cho vị cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị, cơ quan chống tham nhũng đảng Cộng Sản Trung Quốc đã công bố những kết luận đầu tiên về đợt thanh tra các công ty quốc doanh lớn.
Bản kết luận cáo buộc một số lãnh đạo của tập đoàn Huaneng “nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và giúp đỡ cho các giao dịch của vợ, chồng, con và người thân”.
Kết quả thanh tra tại các tập đoàn lớn khác như tổng công ty đầu tư điện lực Trung Quốc, vốn đang bị chú ý sau sự ra đi đầy bất ngờ của Lý Tiểu Lâm, con gái của cựu thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng, cũng sẽ sớm được công bố.
Trong khi những công bố này có thể được xem như dấu hiệu cuộc chiến chống tham nhũng tại Trung Quốc vẫn tiếp tục sau bản án của Chu Vĩnh Khang, các nhà phân tích lại có phần chia rẽ trước việc liệu động lực của nó đã cạn hay chưa sau khi vị cựu Bộ trưởng công an chấp nhận ngồi sau song sắt.
Một số cho rằng quá trình xét xử gấp gáp cho thấy ông Tập có thể muốn nhanh chóng khép lại vụ án để chuyển trọng tâm sang các vấn đề quan trọng hơn, như phát triển kinh tế.
Những người khác thì tin rằng đây mới chỉ là sự khởi đầu của một cuộc chiến khó khăn hơn, khi những ngầm hiểu trước đây về việc các cựu quan chức cấp cao hay thành viên thường vụ Bộ chính trị sẽ không bị khởi tố, đã bị phá vỡ.
Huang Jing, một giáo sư về chính sách công tại đại học quốc gia Singapore tin rằng sẽ có thêm nhiều quan chức cấp cao bị nhắm tới. “Nó là sự kết thúc của giai đoạn khởi đầu chứ không phải sự khởi đầu của giai đoạn kết thúc”, ông Huang nói.
Tuy vậy, Kerry Brown, giáo sư chính trị Trung Quốc tại đại học Sydney thì tin rằng giới chức Trung Quốc giờ chỉ muốn lật sang một trang khác. “Tôi cho rằng họ đã khẳng định được quan điểm của mình, và giờ những kịch tính sẽ không còn hữu ích. Giờ sẽ là lúc trở lại với các vấn đề đời thường - để triển khai một loạt chính sách được đề xuất trong những tháng và năm qua”, Brown nói.
Warren Sun, nhà nghiên cứu chính trị Trung Quốc tại đại học Monash, Úc thì tin rằng chiến dịch chống tham nhũng đã đạt đỉnh. Đây là một hoạt động thực thi kỷ luật trong đảng, hơn là thể hiện pháp quyền của nhà nước.
Động lực của chiến dịch này có thể sụt giảm chút ít, nhưng sẽ không dừng lại, Sun nhận định. Quách Bá Hùng, cựu phó chủ tịch quân ủy trung ương có thể là mục tiêu tiếp theo, chuyên gia Sun nhận định.
Một số nhà quan sát cho rằng, cùng với cựu phó chủ tịch quân ủy trung ương Từ Tài Hậu, cựu bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai và cựu trưởng ban mặt trận thống nhất Lệnh Kế Hoạch, Chu Vĩnh Khang đã tạo ra một phe cánh vốn được gọi là “băng đảng 4 tên”.
“Có lẽ Lệnh Kế Hoạch sẽ bị xử lý, nhưng ông Tập và các đồng minh hẳn đã phải mở rộng vốn chính trị rất lớn để hạ bệ được Chu, và có nguy cơ sẽ gây ra sự phản kháng trong nội bộ đảng nếu tiếp tục kiên quyết truy xét các mục tiêu cấp cao khác”, Brown phán đoán.
Các nhà phân tích cũng tin rằng chiến dịch chống tham nhũng rất được chú ý, nhưng cũng có thể tạo ra một cuộc đấu đá quyền lực, và hiện chưa rõ ông Tập sẵn sàng đánh đổi chi phí chính trị cao cỡ nào.
Xiaoyu Pu, giáo sư khoa học chính trị tại đại học Nevada cho rằng: “Có lẽ ông Tập sẽ phải cân bằng giữa nhu cầu chống tham nhũng với cải tổ pháp lý và duy trì ổn định chính trị”.
Thanh Tùng
Theo SCMP