1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Toan tính đằng sau các vụ thử tên lửa của Triều Tiên

(Dân trí) - Với các vụ thử hạt nhân và tên lửa liên tiếp, Triều Tiên dường như đang nhằm mục đích chia rẽ Mỹ với các đồng minh khi Washington phải tìm cách giữ cam kết an ninh, chuyên gia nhận định.


Người dân Bình Nhưỡng xem thông tin qua màn hình lớn về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên qua Nhật Bản hôm 15/9. (Ảnh: AFP)

Người dân Bình Nhưỡng xem thông tin qua màn hình lớn về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên qua Nhật Bản hôm 15/9. (Ảnh: AFP)

Kể từ đầu năm nay, đặc biệt là vài tháng trở lại đây, Triều Tiên gây sự chú ý đặc biệt khi liên tiếp tiến hành các vụ thử tên lửa và hạt nhân, trong đó có hai vụ phóng tên lửa qua Nhật Bản.

Trong vụ thử gần đây nhất, tên lửa Triều Tiên phóng qua Nhật Bản bay xa 3.700km, nghĩa là đủ để một tên lửa Triều Tiên phóng từ Bình Nhưỡng có thể bắn tới đảo Guam của Mỹ. Giới chuyên gia thậm chí đánh giá, nếu bay theo đường bay chuẩn, tên lửa của Triều Tiên có thể có tầm bắn lên đến 6.000km.

Nhiều người cho rằng, các vụ phóng thử đó chỉ là những hành động “khiêu khích” vu vơ của Triều Tiên. Tuy nhiên, chuyên gia Ankit Panda của tạp chí Diplomat cho rằng, tất cả đều nằm trong những tính toán của Bình Nhưỡng.

Về khía cạnh kỹ thuật, các vụ thử tên lửa này cho phép Triều Tiên cải thiện năng lực của tên lửa tầm xa, đảm bảo chắc chắn đường bay của tên lửa trước khi áp dụng vào thực tiễn.

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia Ankit chỉ ra rằng, đó có thể là cách để Bình Nhưỡng gây chia rẽ Mỹ với các đồng minh. Bằng việc đặt Los Angeles hay Chicago vào tầm bắn, Triều Tiên sẽ làm tăng gánh nặng cho Mỹ trong việc tìm cách trấn an đồng minh ở Đông Á - các nước được Mỹ cam kết đảm bảo an ninh.

Với Nhật Bản, thông điệp mà họ nhận được đã quá rõ: Triều Tiên tiếp tục các hành động khiêu khích đe dọa đến Nhật Bản do Mỹ tiếp tục hiện diện quân sự ở bán đảo Triều Tiên.

Với bất cứ vụ thử tên lửa nào thì mục đích bao trùm của Triều Tiên là buộc Mỹ phải từ bỏ chính sách thù địch và họ tin rằng có thể đạt được mục tiêu đó bằng việc dùng vũ khí hạt nhân gây sức ép với các đồng minh của Mỹ. Một phần trong chính sách thù địch đó là việc Mỹ hiện diện quân sự lâu dài ở khu vực Đông Á hay là việc Mỹ tìm cách thông qua các lệnh trừng phạt Triều Tiên tại Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.

Song liệu kế hoạch này của Triều Tiên có thể thành hiện thực hay không? Câu trả lời là “Không” đặc biệt là khi chính quyền Tổng thống Donald Trump đang “cầm lái” ở Washington, ông Ankit đánh giá.

Chính quyền của Tổng thống Trump đến nay vẫn tuyên bố để ngỏ mọi khả năng đối phó với Triều Tiên, trong đó có biện pháp quân sự để bảo vệ chính mình và các đồng minh.

Minh Phương

Theo SCMP