Khi nào Mỹ, Nhật mới bắn hạ tên lửa Triều Tiên?
(Dân trí) - Hai lần Triều Tiên phóng tên lửa qua vùng đảo Hokkaido của Nhật Bản, hai lần hàng triệu người Nhật Bản bị đánh thức bởi còi báo động tên lửa, tuy nhiên quân đội Mỹ và Nhật Bản vẫn quyết định không bắn hạ.
Nhiều người đặc biệt ở Mỹ và Nhật Bản đang tự hỏi tại sao quân đội của họ không bắn hạ tên lửa của Triều Tiên mặc dù hai lần các tên lửa này bay qua đảo Hokkaido.
Phát biểu trước các nhà làm luật trong tuần này, nghị sĩ Cộng hòa Mỹ Dana Rohrabacher nói: “Tôi hy vọng lần tới khi Triều Tiên phóng tên lửa, đặc biệt là phóng qua đồng minh Nhật Bản, chúng ta sẽ bắn hạ nó và coi đó là lời cảnh báo với Triều Tiên và là thông điệp cho các nước như Nhật Bản đang đặt niềm tin vào chúng ta. Nếu không thể hiện được chúng ta sẵn sàng dùng sức mạnh quân sự, không có lý do nào để họ tin rằng chúng ta sẽ làm thế”.
Evans Revere và Jonathan Pollack, chuyên gia thuộc Viện nghiên cứu Brookings, cho rằng Washington cần tuyên bố rõ rằng các vụ phóng tiếp theo của Triều Tiên nếu bay qua Mỹ hay lãnh thổ của đồng minh sẽ bị coi là mối đe dọa trực tiếp và nhận đáp trả bằng “toàn bộ năng lực phòng vệ của Mỹ và đồng minh”.
Tại sao không bắn hạ và khi nào mới bắn hạ?
Mỹ và Nhật Bản tuyên bố rằng, họ hoàn toàn có khả năng bắn hạ tên lửa, song khẳng định vụ phóng tên lửa hôm 29/8 và hôm 15/9 của Triều Tiên đều chưa tới ngưỡng phải hành động như vậy.
Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận, tên lửa phóng đi hôm 15/9 của Triều Tiên đã bay xa 3.700km và bay cao, nhưng cho rằng tên lửa không gây ra mối đe dọa. Phát ngôn viên Lầu Năm Góc Rob Manning cho biết: “Nếu Mỹ và đồng minh xác định đó là mối đe dọa trực tiếp, chúng tôi sẽ bắn hạ”.
Công nghệ chưa thực sự hoàn hảo, song Lầu Năm Góc khẳng định họ có thể tiêu diệt các mục tiêu tên tầm trung và tên lửa đạn đạo liên lục địa. Nhật Bản trong khi đó cũng sở hữu các hệ thống phòng không tầm thấp Patriot, hay hệ thống SM-3 có thể tiêu diệt các tên lửa tầm ngắn đến tầm trung.
Tuy nhiên, ông Bruce Klingner, chuyên gia cấp cao tại Viện Heritage Foundation, cho biết khi tên lửa Triều Tiên bay qua Nhật Bản, nó bay cao hơn so với khả năng đánh chặn của bất cứ hệ thống phòng thủ nào đặt gần đó, trong đó có hệ thống SM-3 của Nhật Bản. Đó là chưa kể đến việc hiến pháp Nhật Bản có những quy định riêng về hành động tự vệ quân sự.
Hideshi Takesada, chuyên gia quốc phòng tại Đại học Takushoku ở Tokyo, nhận định Nhật Bản chỉ có kế hoạch đánh chặn tên lửa khi tên lửa đó xâm phạm không phận hoặc mảnh vỡ rơi xuống lãnh thổ của họ.
Trong khi đó, ở cả hai lần phóng tên lửa gần đây, tên lửa Triều Tiên đều không xâm phạm không phận Nhật Bản, mảnh vỡ cũng không rơi xuống Nhật Bản. “Do đó, chính phủ không chỉ thị bắn hạ”, ông Takesada nói.
Về khía cạnh kỹ thuật, giáo sư về quan hệ quốc tế Akira Kato tại đại học J.F. Oberlin cho biết: “Ở giai đoạn đầu khi tên lửa được phóng đi, rất khó xác định nó có thực sự là mối đe dọa trực tiếp tới lãnh thổ Nhật Bản hay không”.
Nhật Bản và Mỹ sẽ không liều lĩnh đánh chặn tên lửa trừ khi xác định nó là mối đe dọa thực sự bởi nếu đánh chặn thất bại có thể sẽ phô ra điểm yếu của hệ thống phòng thủ.
“Một vụ đánh chặn thất bại sẽ kéo theo quan niệm rằng khả năng phòng thủ của Nhật Bản chưa đủ đối phó với Triều Tiên”, ông Kato nói.
Minh Phương
Theo AFP