Những sự kiện đáng chú ý của châu Á năm 2015
(Dân trí) - Biển Đông tiếp tục dậy sóng vì các hành động phi pháp của Trung Quốc, ASEAN thành lập cộng đồng chung, Nhật thông qua dự luật an ninh mới, Liên minh Nghị viện Thế giới ra Tuyên bố Hà Nội là những sự kiện châu Á nổi bật năm qua.
Biển Đông dậy sóng vì các hành động phi pháp của Trung Quốc
Trung Quốc năm qua đã đẩy mạnh xây dựng trên các đảo nhân tạo nước này bồi đắp phi pháp trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của dư luận quốc tế. Trong đó, đáng chú ý là một đường băng dài 3.125m đã được hoàn tất trên đá Chữ Thập, theo ảnh vệ tinh được tạp chí quân sự IHS Jane’s Defense công bố hôm 24/9.
Cũng trong tháng 9, hình ảnh về hoạt động xây dựng rầm rộ trên đá Xu Bi đã được tờ The Diplomat đăng tải, với một đường băng rộng 60 m, dài ước tính 3.300m, đủ khả năng đón máy bay quân sự. Hoạt động tương tự cũng được ghi nhận tại đá Vành Khăn.
Ngoài hoạt động xây dựng, Trung Quốc còn thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông, mà mới đây nhất là cuộc diễn tập hôm 16/12 của chiến hạm mặt nước, tàu ngầm và chiến đấu cơ. Trước đó, hôm 31/10 chiến đấu cơ J-11 Trung Quốc đã ngang nhiên mang theo bom và tên lửa đã đáp xuống đảo Phú Lâm, trong khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
Hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ, từ cả trong và ngoài khu vực. Trong đó Mỹ tuyên bố thực thi chiến dịch tự do đi lại thường kỳ tại Biển Đông, áp sát các đảo Trung Quốc bồi đắp trái phép. Tàu khu trục tên lửa USS Lassen và “pháo đài bay” B-52 đã được huy động cho các chiến dịch này, đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo.
Mới đây, Không quân Úc cũng đã điều máy bay trinh sát P-3 Orion tới đá Xu Bi và Vành Khăn, trong chiến dịch thực thi tự do đi lại, có tên "Operation Gateway". Bất chấp phản ứng giận dữ và cả đe dọa từ chính quyền, báo giới Trung Quốc, Phó đô đốc David Johnston, Tham mưu trưởng liên quân thuộc Hải quân Úc ngày 18/12 khẳng định các tàu và máy bay Úc sẽ đi đến bất kỳ khu vực nào luật pháp quốc tế cho phép.
Tàu Trung Quốc ngang nhiên tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông tháng 12/2015 (Ảnh: PLA daily)
Ngoài việc các tuyên bố chủ quyền phi pháp bị thách thức trên thực địa, Trung Quốc năm qua còn hứng chịu thất bại pháp lý lớn trên Biển Đông. Tòa Trọng tài Thường trực của Liên Hợp Quốc (PCA) ngày 29/10 tuyên bố chấp thuận thụ lý đơn kiện của Philippines, chống lại tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc đối với vùng nước quanh các đảo nhân tạo.
Trung Quốc lâu nay vẫn từ chối tham gia vụ kiện và bác bỏ thẩm quyền của PCA - cơ quan được Liên Hợp Quốc thành lập để phân xử các tranh cãi liên quan đến Luật Biển UNCLOS. Việc Bắc Kinh từ chối tham gia sẽ chỉ khiến Philippines có thêm lợi thế, và trong trường hợp PCA tuyên bố Manila thắng kiện, đây sẽ thực sự là đón giáng mạnh vào thể diện và cả tham vọng bành trướng trên Biển Đông của Bắc Kinh.
Thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN
Ngày 22/11/2015, lãnh đạo 10 quốc gia thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, đã chính thức ký kết Tuyên bố Kuala Lumpur về việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Đây là sự kiện được xem như lớn nhất kể từ khi ASEAN ra đời năm 1967.
Từ ngày 31/12/2015, AEC chính thức có hiệu lực. Với quy mô GDP hiện tại trên 2500 tỷ USD, quy mô dân số 620 triệu người, dự kiến AEC sẽ đạt mức GDP 4.700 tỷ USD vào năm 2020, Thủ tướng Malaysia Najib Razak phát biểu tại buổi lễ.
Bản văn kiện nhắm tới xây dựng “những nền kinh tế năng động, có sức cạnh tranh cao và hội nhập sâu, một cộng đồng đoàn kết với ý thức sâu sắc về sự gắn kết và bản sắc chung.
Tiến trình dân chủ tại Myanmar
Tiến trình cải cách của Myanmar đã chứng kiến một cột mốc quan trọng trong năm 2015, khi đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) đối lập của bà Aung San Suu Kyi, người đoạt giải Nobel Hòa bình, giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử toàn quốc hôm 13/11.
Đây là lần đầu tiên trong 25 năm, người dân Myanmar được tự do đi bầu người đại diện cho mình tại các cơ quan lập pháp. Và với tỷ lệ phiếu bầu trên 80%, NLD đã giành chiến thắng áp đảo tại cả thượng và hạ viện, đủ để thành lập chính phủ mới và chọn Tổng thống khi quốc hội nhóm họp trong năm 2016.
Chính quyền quân sự từng nắm quyền tại Myanmar từ năm 1962, trước khi chuyển giao cho một chính quyền dân sự được quân đội hậu thuẫn tháng 11/2010. Theo tờ Telegraph, năm 1990, một cuộc bầu cử tương tự từng diễn ra, và NLD cũng chiến thắng áp đảo nhưng kết quả bị quân đội và chính quyền quân sự bác bỏ. Sau cuộc bầu cử lần này, quân đội và Tổng thống Thein Sein đã tuyên bố tôn trọng kết quả, và sẽ chuyển giao quyền lực suôn sẻ.
Dù vậy, chặng đường phía trước vẫn còn nhiều chông gai cho NLD, bởi quân đội theo hiến pháp vẫn được nắm giữ 25% số ghế tại quốc hội, kiểm soát các cơ quan cảnh sát và an ninh trong nước. Ngân sách quốc phòng cũng sẽ không bị công chúng giám sát. Nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế vẫn nằm trong tay các quan chức kỳ cựu, tờ Walls Street Journal bình luận.
Liên minh Nghị viện Thế giới ra Tuyên bố Hà Nội
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Hội nghị Nữ nghị sĩ lần thứ 21 trong khuôn khổ IPU 132 (Ảnh: ipuvietnam132.vn).
Ngày 1/4, sau 4 ngày làm việc, Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), quy tụ 133 nước cùng 23 tổ chức nghị viện quốc tế và khu vực, đã ra Tuyên bố Hà Nội mang chủ đề "Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động". Đây là lần đầu tiên một tuyên bố về mục tiêu phát triển bền vững được IPU thông qua, khác với những tuyên bố chung chung hoặc thậm chí không ra tuyên bố chung như trong các kỳ họp trước.
Tại hội nghị lần này, Việt Nam là nước đề xuất chủ đề của IPU 132 về các mục tiêu phát triển bền vững. Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch IPU Saber Chowdhury khẳng định: “Sau 10 năm nữa, Hà Nội sẽ được nhìn nhận là dấu mốc về sự thay đổi nhận thức về cách tiếp cận của IPU, trong đó người dân luôn được đặt ở trung tâm khi các nỗ lực đều vì người dân”.
Ông Chowdhury tin rằng Tuyên bố Hà Nội sẽ là di sản mà Việt Nam đóng góp cho toàn thế giới, tạo ra các tiêu chuẩn mới cho những nhà tổ chức IPU trong những năm tiếp theo.
Nhật thông qua dự luật an ninh mới, tăng cường quan hệ với châu Á
Quốc hội Nhật ngày 19/9/2015 đã thông qua một dự thảo chính sách quốc phòng mới, lần đầu tiên cho phép quân đội nước này tham chiến ở nước ngoài kể từ năm 1945. Đây là cột mốc mang tính biểu tượng trong nỗ lực của Thủ tướng Shinzo Abe, nhằm nới lỏng những hạn chế mà bản Hiến pháp Hòa bình đề ra cho quân đội.
Điểm mấu chốt trong đạo luật này đó là chấm dứt quy định cấm thực thi quyền phòng vệ tập thể, hoặc bảo vệ Mỹ hoặc một quốc gia đồng minh khác bị tấn công, trong các tình huống Nhật Bản đối diện “một mối đe dọa tự tồn vong” của mình.
Theo ABC News, ông Abe gọi đây là thay đổi lớn nhất trong chính sách phòng vệ của Nhật từ khi quân đội ra đời năm 1954, và có vai trò thiết yếu trong ứng phó các mối đe dọa đang nổi lên, ví dụ từ Trung Quốc.
Quả thực, mối quan ngại về sự quyết đoán và ảnh hưởng ngày một lớn của Bắc Kinh, đã khiến Tokyo có một năm bận rộn. Theo thống kê của Bloomberg, trong năm 2015 Thủ tướng Abe đã công du 23 nước, trong đó có 12 quốc gia châu Á. Lịch trình này được giới quan sát quốc tế nhận định nhằm giành lại ảnh hưởng và đối phó với Trung Quốc.
Sau chuyến thăm Ấn Độ hồi tuần trước, tờ Indian Express ngày 17/12 đã chạy hàng tít lớn “Lời cảnh báo cho Bắc Kinh”. Bài báo khẳng định việc Ấn Độ và Nhật ký thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt cao tốc dài 500km nối Mumbai và Ahmedabad, với tổng mức đầu tư 15 tỷ USD, là “đòn giáng vào sáng kiến Một vành đai, Một con đường của Trung Quốc”.
Nhật chấp thuận cho Ấn Độ vay 12 tỷ USD để triển khai dự án, với mức lãi suất 0,1%/năm, kỳ hạn 50 năm, Indian Express đưa tin. Chỉ chưa đầy 3 tháng trước, Nhật để mất hợp đồng xây dựng đường sắt cao tốc trị giá hơn 5 tỷ USD tại Indonesia về tay Trung Quốc.
Ngoài hợp tác kinh tế, Tokyo cũng tăng cường đối thoại chính trị và quân sự để đối phó với Bắc Kinh. Mới đây nhất, trong cuộc tiếp xúc Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tại Tokyo hôm 18/12, lãnh đạo hai nước khẳng định “phản đối mạnh mẽ bất kỳ hành động ép buộc hoặc đơn phương nào có thể làm thay đổi hiện trạng tại Biển Đông”, kêu gọi các bên tuyên bố chủ quyền chấm dứt hoạt động bồi đắp đảo hoặc xây dựng quy mô lớn, tờ Nikkei đưa tin.
Một tháng trước đó, hôm 19/11, ông Abe đã có cuộc tiếp xúc Tổng thống Philippines Benigno Aquino III tại Manila. Tại đây Thủ tướng Nhật đã chấp thuận xem xét đề nghị cung cấp tàu tuần tra lớn cho lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, sau khi hai bên ký kết thỏa thuận trao đổi thiết bị và công nghệ quân sự. Theo báo giới Tokyo, Nhật có thể cung cấp cho Philippines 3 máy bay tuần tra biển đã qua sử dụng Beechcraft TC-90 King Air.
Nhật năm nay cũng đã bàn giao cho Việt Nam 4 trong số 6 tàu phục vụ cảnh sát biển và cơ quan kiểm ngư, theo cam kết tặng 6 tàu được đưa ra hồi năm ngoái.
Trung Quốc với nhiều biến động
Trung Quốc năm 2015 đã chứng kiến nhiều sóng gió chính trị, xã hội và kinh tế, trong đó phải kể tới ngày “thứ Hai đen tối” như cách gọi của tờ Nhân dân nhật báo. Thị trường chứng khoán Thượng Hải chỉ trong ngày 24/8 lao dốc 8,5%. Bong bóng chứng khoán vỡ sau một năm các nhà đầu tư rót quá nhiều tiền vào cổ phiếu, trong khi triển vọng tăng trưởng ảm đạm, cộng với việc đồng nhân dân tệ bất ngờ bị phá giá hôm 11/8.
Hàng loạt các biện pháp kiểm soát, từ cấm các công ty quốc doanh bán cổ phiếu, dừng niêm yết mới, tới bơm tiền cho các công ty môi giới mua vào được Bắc Kinh cấp tập triển khai. Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng hạ lãi suất xuống mức thấp kỷ lục. Cơn địa chấn từ Trung Quốc đã lan ra khắp thế giới khiến hàng nghìn tỷ USD vốn hóa bị bốc hơi khỏi các thị trường.
Nhiều cuộc điều tra nhằm vào các hoạt động bán khống, giao dịch nội gián tại các công ty lớn của Trung Quốc đang được cơ quan điều tra tiến hành, trong đó nhiều quan chức chính phủ cấp cao bị “sờ gáy”.
Trong khi đó, chiến dịch “đả hổ diệt ruồi” do Chủ tịch Tập Cận Bình phát động tiếp tục phơi bày tình trạng tham nhũng tràn lan. Đáng chú ý nhất là việc “hổ lớn” Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị, bị tuyên án tù chung thân hồi tháng 6 vì nhận hối lộ, lạm dụng quyền lực và cố ý làm lộ bí mật nhà nước.
Ngày 30/7, đến lượt cựu ủy viên Bộ chính trị, cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương - Thượng tướng Quách Bá Hùng, bị khai trừ đảng và chuyển cơ quan công tố quân đội điều tra tội lạm dụng quyền hạn, mua quan bán chức, nhận hối lộ và “vi phạm kỷ luật nghiêm trọng”. Nhiều thân tín của ông Chu và ông Quách cũng bị đưa ra xét xử sau đó.
Dù vậy, chiến dịch chống tham nhũng tiếp tục mở rộng, với những “con hổ” mới nhất bị “đả” là phó thị trưởng Thượng Hải Ai Baojun và phó bí thư đảng ủy Bắc Kinh Lu Xiwen.
Tấn công khủng bố đẫm máu tại Bangkok
Ngày 17/8, thủ đô Bangkok của Thái Lan rung chuyển bởi vụ đánh bom tại đền Erawan, làm 20 người thiệt mạng và 130 người khác bị thương. Một ngày sau, thêm một vụ nổ xảy ra tại cầu tàu Sathon, cũng nằm gần trung tâm Bangkok.
Hình ảnh từ các camera an ninh tại hiện trường, cùng lời khai của nhân chứng đã giúp cơ quan điều tra bắt giữ tên Adem Karadag, biệt danh Bilal Mohammad, là kẻ đã bỏ lại ba lô đựng chất nổ tại hiện trường trước vụ nổ. Adem, người Duy Ngô Nhĩ đến từ Tân Cương, Trung Quốc, cùng đồng phạm Yusufu Mieraili đã bị một tòa án quân sự tại Bangkok khởi tố hôm 24/11.
Cảnh sát Thái Lan khẳng định động cơ vụ khủng bố là nhằm trả thù nhà chức trách “đã triệt phá mạng lưới buôn người”, cảnh sát trưởng quốc gia Somyot Pumpanmuan cho hay. Trước đó, có thông tin cho rằng vụ đánh bom là nhằm trả đũa việc Thái Lan trục xuất hơn 100 người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ về Trung Quốc hồi tháng 7, khi họ trên đường tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Nền kinh tế Thái Lan đã phải hứng chịu những tổn thất không nhỏ bởi tác động của vụ đánh bom, đặc biệt trong ngành du lịch. Du lịch là ngành kinh tế hiện chiếm 10% GDP của Thái Lan và đang là mũi nhọn của kinh tế nước này.
Ban Quốc tế