Tòa trọng tài sẽ ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông vào giữa năm sau
(Dân trí) - Tòa án quốc tế La Hay tại Hà Lan sẽ xét xử vụ việc Philippines đệ đơn kiện Trung Quốc 2 năm trước về các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh và sẽ ra phán quyết cuối cùng sớm nhất là vào tháng 6/2016.
Tuyên bố trên được trưởng nhóm luật sư đại diện cho Philippines Paul Reichler, người từng đại diện cho Nicaragua đánh bại Mỹ trong một vụ kiện hồi giữa thập niên 1980, tiết lộ với hãng tin Reuters. Bất chấp việc Trung Quốc phản đối phiên tòa, theo luật sư Reichler, cộng đồng quốc tế sẽ gây áp lực để cuối cùng buộc Trung Quốc phải tuân theo phán quyết này.
Hôm thứ Năm tuần này, Tòa trọng tài quốc tế trụ sở tại La Hay ra phán quyết rằng tòa có thẩm quyền xử vụ kiện do bên đơn là Philippines kiện Bắc Kinh về các tuyên bố chủ quyền phi lý tại vùng tranh chấp ở Biển Đông.
Luật sư Reichler gọi đây là “một thắng lợi lớn” và cho biết Tòa quốc tế sẽ mở phiên xét xử vào cuối năm nay và sẽ ra phán quyết cuối cùng trong vòng 6 tháng sau xét xử.
“Chúng tôi đang bàn tới phán quyết cuối cùng, phán quyết này sẽ được công bố vào giữa năm tới, có lẽ là tháng 6”, luật sư Reichler cho hay.
Ông Reichler nhấn mạnh rằng: “Đối với trường hợp Philippines, Tòa án đã đạt được cơ sở pháp lý để xét xử vụ kiện… Điều này khiến chúng tôi rất lạc quan rằng phán quyết cuối cùng sẽ rất thành công”.
Manila đệ đơn kiện Bắc Kinh lên tòa án quốc tế vào năm 2013. Còn Bắc Kinh đã tẩy chay phiên tòa và phản đối thẩm quyền xét xử vụ này của Tòa án quốc tế. Trung Quốc đã ngang nhiên tuyên bố chủ quyền hầu hết diện tích Biển Đông, chồng lấn sang các vùng lãnh thổ thuộc chủ quyền của các nước khác.
Luật sư Reichler còn nhấn mạnh rằng một ngày nào đó Trung Quốc sẽ không tránh khỏi phải tìm kiếm sự dàn xếp với tòa án nếu như nước này muốn cộng đồng quốc tế xem là một nước tuân thủ luật pháp quốc tế.
Trước đó lãnh đạo các nước trong đó có Thủ tướng Đức Bà Merkel cũng lên tiếng ủng hộ đưa vụ tranh chấp Biển Đông ra tòa án quốc tế.
Tình hình Biển Đông nóng lên sau khi đầu tuần này Mỹ phái tàu khu trục tên lửa dẫn đường tuần tra vùng 12 hải lý quanh một đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng phi pháp tại Biển Đông. Ngay lập tức các nước đồng minh của Mỹ tại châu Á trong đó có Nhật Bản, Úc và Philippines lên tiếng ủng hộ để đảm bảo tự do hàng hải hàng không tại vùng biển này.
Vũ Duy
Tổng hợp