Tòa án đã "hỏi thăm" Cựu tổng thống Pháp Chirac
(Dân trí) - Sáng ngày 19/7 cựu tổng thống Pháp Jacques Chirac đã bị thẩm vấn về xì-căng-đan liên quan tới nguồn quĩ của đảng từ thời ông còn làm thị trưởng Paris.
Hai tháng sau khi mãn nhiệm, ông Chirac cuối cùng đã phải đối mặt với các nhân viên điều tra. Họ đã phải chờ đợi 12 năm để thẩm vấn ông Chirac về những cáo buộc rằng một khoản tiền lớn đã bị rút trái phép từ ngân sách của thủ đô Paris để trả cho các nhân viên trong đảng của ông. Đây là vấn đề nghiêm trọng nhất trong hàng loạt các vấn đề pháp lý mà cựu tổng thống 74 tuổi có khả năng phải đối mặt.
Tiếng tăm của ông Chirac đã bị tổn hại bởi những cáo buộc suốt thời kỳ ông làm tổng thống - từ bê bối nguồn quĩ của đảng cho tới các chuyến bay miễn phí dành cho vợ ông. Cựu tổng thống luôn phủ nhận sự liên quan hoặc không hay biết về những trường hợp đó và cho rằng ông không thể bị thẩm vấn do quyền được hưởng miễn trừ của tổng thống.
Nhưng một nhân viên điều tra đã tới văn phòng mới của ông Chirac ở Paris sáng ngày 19/7 và thẩm vấn ông suốt hơn 4 giờ đồng hồ về vấn đề tài chính của đảng. Ông Chirac đã bị thẩm vấn tới tư cách là một nhân chứng liên quan. Điều này có nghĩa cựu tổng thống không bị điều tra chính thức nhưng có thể đối mặt với những lời buộc tội nếu các thẩm phán phát hiện dấu hiệu phạm tội.
Cuộc thẩm vấn do thẩm phán Alain Philibeaux thực hiện kéo dài từ 9h15 tới tận 13h30 tại văn phòng của ông ở Paris. Luật sư Jean Veil của ông Chirac cũng có mặt.
Tâm điểm của cuộc điều tra là một hệ thống các việc làm giả, trong đó lương của các nhân viên trong đảng RPR của ông được trả từ nguồn ngân sách của Paris trong thời gian ông làm thị trưởng thành phố giai đoạn 1977-1995.
Cuộc điều tra đã ảnh hưởng tới một trong những đồng minh thân cận nhất của ông Chirac. Năm 2004, cựu bộ trưởng tài chính Alan Juppé đã bị kết án 14 tháng tù treo và bị cấm hoạt động chính trị một năm vì có liên quan tới vụ bê bối này.
Ngoài xì-căng-đan trên, ông Chirac còn phải đối mặt với cuộc điều tra liên quan tới vụ bê bối Clearstream "rùm beng" tại chính trường Pháp, với âm mưu bôi nhọ uy tín các chính trị gia. Tuy nhiên, ông Chirac đã viện quyền miễn trừ tổng thống và từ chối làm nhân chứng trong vụ việc này.
Ánh Ninh
Theo BBC, Guardian