1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Tố Su-34 vào không phận, Thổ mang NATO dọa Nga

Tổng thống Erdogan khẳng định máy bay Nga xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ là xâm phạm không phận NATO và cảnh báo những hậu quả nghiêm trọng.

Su-34 Nga hay chiêu tuyên truyền?

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 30/1 cáo buộc một máy bay chiến đấu của Nga lại xâm phạm không phận nước này.

Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cho biết một máy bay chiến đấu Su-34 của không quân Nga đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ vào lúc 11h46 theo giờ địa phương (9h46 giờ GMT) ngày 29/1.

Bộ này sau đó đã triệu Đại sứ Nga tại Ankara tới để yêu cầu giải thích, kêu gọi Moskva “hành động có trách nhiệm”. Phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết đã cảnh báo nhiều lần bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh đối với máy bay Nga trước khi xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Máy bay ném bom Su-34 của Nga tại Syria
Máy bay ném bom Su-34 của Nga tại Syria

Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo “toàn bộ trách nhiệm đối với những hậu quả nghiêm trọng không mong muốn do những hành vi thiếu trách nhiệm tương tự sẽ hoàn toàn thuộc về Liên bang Nga”.

Tuy nhiên, thông báo của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ không cho biết chi tiết vụ máy bay Nga xâm phạm không phận mới nhất mà Ankara cáo buộc.

Phát biểu với báo giới trước khi lên đường công du Mỹ Latinh, ông Erdogan cho biết đã chỉ thị cho Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Moskva thông báo với phía Nga mong muốn sắp xếp một cuộc gặp cá nhân giữa ông với Tổng thống Putin, song chưa nhận được câu trả lời từ điện Kremlin.

Tổng thống Erdogan khẳng định nếu các vụ xâm phạm chủ quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiếp diễn thì Nga phải chịu trách nhiệm về các hậu quả.

Theo ông Erdogan, xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ tức là xâm phạm không phận của NATO nên liên minh quân sự này sẽ theo dõi tình hình.

Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho rằng “những bước đi thiếu trách nhiệm” sẽ không có lợi cho Nga, cũng như đối với quan hệ Nga-NATO và hòa bình trong khu vực.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Konashenkov
Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Tướng Konashenkov

Bộ Quốc phòng Nga đã bác bỏ tuyên bố của Ankara rằng một máy bay chiến đấu Su-34 của Nga đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov khẳng định các máy bay được Nga triển khai ở Syria chưa hề xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo ông Konashenkov, tuyên bố của phía Thổ Nhĩ Kỳ về việc một chiếc Su-34 của Nga xâm phạm không phận là hành động “tuyên truyền vô căn cứ”.

Cáo buộc của Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra chỉ hơn hai tháng sau khi nước này bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga tại khu vực biên giới với Syria. Vụ việc đã làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ song phương, được đánh giá là tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.

Ankara cáo buộc chiếc máy bay Su-24 của Nga bị bắn hạ hôm 24/11/2015 đã xâm phạm không phận Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi Moskva bác bỏ và khẳng định máy bay này vẫn ở trong không phận Syria.

Dấu hiệu leo thang

Giới phân tích cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ chiếc Su-24 của Nga hồi tháng 11 năm ngoái đã “xúc phạm” Tổng thống Vladimir Putin, người luôn có tham vọng khôi phục lại một nước Nga "siêu cường".

Từ sau vụ việc trên, các phương tiện thông tin của Nga đã phát động chiến dịch chống lại Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Tayyip Erdogan, với các cáo buộc tham nhũng và tố cáo chính phủ này có quan hệ với các nhóm cực đoan ở Syria.

Các nhà lãnh đạo Nga đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay của họ nhằm tiếp tục hưởng lợi từ việc kinh doanh dầu mỏ với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq và Syria.

Máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ
Máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ

Theo giới phân tích, Nga sẽ không trực tiếp tấn công Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO, nhưng sẽ tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sau vụ Su-24 bị bắn hạ, Nga đã tăng cường các chiến dịch không quân trên biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, chống lại các lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ tài trợ và cung cấp vũ khí và trang thiết bị quân sự.

Các chuyên gia đã chỉ ra rằng Nga đang đặc biệt tập trung vào khu vực hành lang Azaz, từ lâu đã là huyết mạch của các lực lượng chống Tổng thống Syria Bashar al-Assad được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn.

Các cuộc tấn công của người Kurd, được hỗ trợ bởi các cuộc không kích của Nga, đang gia tăng hoạt động ở khu vực phía Tây và phối hợp tham chiến với quân đội và lực lượng dân quân Syria ở ngoại ô thành phố Aleppo.

Ngay từ cuối năm ngoái, giới phân tích đã chỉ ra rằng nhiều khả năng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ can thiệp trực tiếp vào cuộc chiến tại Syria, đặc biệt khi con đường huyết mạch Azaz có nguy cơ bị gián đoạn.

Cũng trong thời gian qua, lực lượng Công nhân người Kurd (PKK), vốn được Liên Xô hỗ trợ trước đây, đã gia tăng hoạt động khiến Ankara đau đầu. Đây cũng chính là một trong những điểm yếu để Nga khai thác chống lại các lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ mà không cần đối đầu trực tiếp.

Su-34 của Nga ném bom mục tiêu của IS tại Syria
Su-34 của Nga ném bom mục tiêu của IS tại Syria

Người Kurd có thể tận dụng tình hình để tiến xa hơn về phía Tây. Nếu lực lượng chiến binh người Kurd, được hỗ trợ bởi các cuộc không kích của Nga, có thể liên kết đến với các đồng minh khác trong khu vực Afrin, thì toàn bộ con đường tiếp cận từ Thổ Nhĩ Kỳ sang Syria sẽ bị đóng chặt.

Việc Nga giúp cho người Kurd kiểm soát biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khiến hành lang Azaz bị kẹp chặt và ngăn chặn các phiến quân và lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ lấy lại thế thượng phong ở Aleppo.

Không chỉ Nga, mà ngay cả truyền thông của các nước “đồng minh” của Thổ Nhĩ Kỳ như Mỹ đã từ lâu cáo buộc Ankara là "kẻ hai mặt" trong cuộc xung đột ở Iraq và Syria.

Trong tình hình hiện nay, có thể dự đoán Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn sử dụng vụ xâm phạm không phận mới nhất làm cái cớ để triển khai một chiến dịch (ít nhất về mặt ngoại giao) nhằm buộc Nga nới lỏng khu vực biên giới với Syria.

Trong trường hợp xấu, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục có hành động tương tự vụ bắn hạ Su-24 nhưng khi đó người Nga có lẽ sẽ không chỉ phản đối bằng lời nói và các biện pháp phi quân sự!

Theo Phi Long

Đất Việt