1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổ chức quốc tế chỉ rõ 4 yếu tố giúp Việt Nam "chặn đứng" dịch Covid-19

(Dân trí) - Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) đánh giá, Việt Nam đã ứng phó và kiểm soát thành công dịch Covid-19 hiệu quả và nhanh chóng nhờ 4 yếu tố chính.

Tổ chức quốc tế chỉ rõ 4 yếu tố giúp Việt Nam chặn đứng dịch Covid-19 - 1
Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia ứng phó Covid-19 tốt nhất thế giới. (Ảnh: World Review)

Trang chủ của Liên minh toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI) ngày 25/5 đăng tải bài phân tích về các yếu tố giúp Việt Nam kiểm soát thành công đại dịch Covid-19.

Mở đầu bài phân tích, tổ chức này nhắc lại thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong cuộc chiến chống Covid-19. "Vào ngày 23/1/2020, Việt Nam trở thành một trong các quốc gia ghi nhận ca mắc Covid-19 bên ngoài Trung Quốc. 100 ngày sau đó, Việt Nam vẫn chỉ có 270 ca xác nhận mắc Covid-19 trong khi không có bất cứ ca tử vong nào".

Trong khi hệ thống y tế của nhiều quốc gia giàu có hơn gần như sụp đổ vì Covid-19, Việt Nam đã nhanh chóng ứng phó và vẫn kiểm soát tốt dịch và có thể trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia. Với dân số hơn 97 triệu người, Việt Nam từng đối phó với các dịch bệnh truyền nhiễm như SARS, MERS, sở và sốt xuất huyết. Với đại dịch Covid-19 lần này, GAVI đã chỉ ra 4 giải pháp chi phí thấp giúp Việt Nam ứng phó thành công đại dịch, gồm xét nghiệm nhanh, truy vết tiếp xúc qua ứng dụng công nghệ và các chiến dịch tuyên truyền hiệu quả, thực hiện cách xã hội sớm từ ngày 1-22/4.

Dưới đây là phân tích của GAVI về 4 yếu tố quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát thành công Covid-19:

Xét nghiệm nhanh

Tổ chức quốc tế chỉ rõ 4 yếu tố giúp Việt Nam chặn đứng dịch Covid-19 - 2
Nhân viên y tế xét nghiệm cho một người dân ở thôn Hạ Lôi hôm 8/4 sau khi một người dân trong thôn mắc Covid-19. (Ảnh: EPA)

Ngay khi Trung Quốc ghi nhận các các mắc Covid-19 đầu tiên, chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng hành động với việc siết kiểm soát các khu vực biên giới để ngăn dịch bệnh lây lan. Khi phát hiện ca mắc bệnh đầu tiên, Việt Nam đã triển khai việc cách ly cộng đồng.

Vào ngày 11/1, sau khi Trung Quốc ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì Covid-19, Việt Nam đã thực hiện biện pháp kiểm tra y tế bắt buộc tại các sân bay. Tất cả hành khách đều phải đo thân nhiệt, những người có triệu chứng sốt, ho, tức ngực và khó thở được cách ly để làm xét nghiệm. Hành khách, phi hành đoàn trên chuyến bay có người mắc bệnh cũng như những người tiếp xúc gần với họ đều phải cách ly 14 ngày.

Bộ Y tế đã họp với đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 15/1, nghĩa là vài tuần trước khi nhiều quốc gia khác mới bắt đầu lập kế hoạch đối phó Covid-19.

Truy vết tiếp xúc quyết liệt

Khi Covid-19 bắt đầu lan ra khắp thế giới, Việt Nam đã thực hiện chính sách cách ly bắt buộc 14 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh, đồng thời hủy các chuyến bay quốc tế. Những người có các triệu chứng mắc Covid-19 đều được giám sát chặt chẽ tại các cơ sở y tế trong khi giới chuyên môn tích cực truy vết tiếp xúc.

Dựa trên thông tin của Bộ Y tế về các ca mắc bệnh, nghi mắc bệnh và các ca tiếp xúc gần, việc truy vết tiếp xúc quy mô lớn được triển khai nhờ huy động nhanh chóng đội ngũ y tế, lực lượng an ninh, quân sự và dân sự. Chiến dịch truy vết này của Việt Nam cũng thành công nhờ sự hỗ trợ của công nghệ. Ứng dụng NCOVI do Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra đã cho phép người dân cập nhật tình trạng y tế hàng ngày. Ứng dụng đồng thời cũng đưa ra những khuyến cáo tốt nhất giúp người dân phòng dịch. Tất cả những nỗ lực này nhằm đảm bảo các ca mắc bệnh mới nhanh chóng được phát hiện và cách ly.

Chiến dịch tuyên truyền hiệu quả

Tổ chức quốc tế chỉ rõ 4 yếu tố giúp Việt Nam chặn đứng dịch Covid-19 - 3
Chiến dịch tuyên truyền chống Covid-19 của Việt Nam được đánh giá là hiệu quả. (Ảnh: Getty)

Chiến dịch tuyên truyền ứng phó Covid-19 của Việt Nam được đánh giá là hiệu quả khi không né tránh tuyên truyền về mức độ nghiêm trọng của Covid-19. Bài hát “Ghen Covy” với nhịp điệu trẻ trung và nội dung tuyên truyền phòng dịch cũng gây được sự chú ý cả trong nước và quốc tế.

Hôm 19/3, Việt Nam cũng triển khai một chiến dịch kêu gọi ủng hộ để mua sắm trang thiết bị y tế và quần áo bảo hộ cho đội ngũ y tế tuyến đầu chống dịch. Đến ngày 5/4, chương trình này đã nhận được hơn 2,1 triệu tin nhắn ủng hộ.

Cả hai chiến dịch trên được đánh giá thành công trong việc nâng cao nhận thức của người dân về đại dịch, ngăn chặn đà lây lan của dịch.

Phát triển nhanh kit xét nghiệm

Một số ý kiến nói rằng Việt Nam không có ca tử vong do Covid-19 nào là bởi thiếu năng lực xét nghiệm. Tuy nhiên, GAVI nhấn mạnh, điều này là không đúng. Ngoài mua 200.000 bộ xét nghiệm từ Hàn Quốc, Việt Nam cũng nhanh chóng tự sản xuất kit xét nghiệm. Các nhà khoa học của Việt Nam đã phát triển thành công kit xét nghiệm Covid-19 chỉ trong vòng 1 tháng.

Kit xét nghiệm của Việt Nam được chế tạo dựa trên công nghệ được WHO phê chuẩn và được đánh giá là hiệu quả, chi phí thấp, cho kết quả nhanh chỉ trong vòng 1 giờ. Không giống các quốc gia khác dựa vào chiến lược xét nghiệm quy mô lớn, Việt Nam chỉ xét nghiệm những người bị nghi ngờ nhiễm bệnh.

Theo GAVI, 4 yếu tố trên đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam kiểm soát thành công Covid-19.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến 6 giờ ngày 27/5, Việt Nam có 327 ca mắc Covid-19, trong đó 278 ca đã bình phục. Việt Nam bước vào ngày 41 không có ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng.

Minh Phương
Theo GAVI

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm