1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" nguy hiểm tới mức nào?

(Dân trí) - Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) là một trong những nhóm thánh chiến nguy hiểm nhất thế giới, sau khi kiểm soát các khu vực rộng lớn ở Syria và Iraq. IS được xem là một mối đe dọa an ninh mới tại khu vực Trung Đông.

Các phiến quân cầm cờ IS khi hành quyết một người đàn ông trong video tuyên truyền của nhóm.
Các phiến quân cầm cờ IS khi hành quyết một người đàn ông trong video tuyên truyền của nhóm.

Dưới tên cũ là Nhà nước Hồi giáo tại Iraq và cận Đông (ISIS), nó được thành lập vào tháng 4/2013, bắt nguồn từ nhóm al-Qaeda tại Iraq (AQI).

IS đã bị al-Qaeda chối bỏ, nhưng trở thành một trong những nhóm thánh chiến chủ chốt chiến đấu chống lại các lực lượng chính phủ tại Syria và Iraq.

Hiện chưa rõ quy mô chính xác của IS nhưng tổ chức này được tin là bao gồm hàng nghìn tay súng, trong đó có nhiều kẻ thánh chiến nước ngoài.

Khét tiếng về sự cai trị tàn bạo

IS do một kẻ có tên là Abu Bakr al-Baghdadi đứng đầu. Có rất ít thông tin về kẻ này, nhưng ông ta được tin là sinh tại Samarra, phía bắc Baghdad, vào năm 1971 và tham gia lực lượng nổi dậy, vốn bùng phát tại Iraq không lâu sau khi Mỹ bắt đầu cuộc chiến tại Iraq năm 2003.

Vào năm 2010, Baghdadi trở thành lãnh đạo của al-Qaeda tại Iraq, một trong những nhóm sau đó tham gia IS.

Baghdadi được xem là một nhà chiến thuật và chỉ huy chiến trường, điều khiến các nhà phân tích nói rằng giúp nhóm của y trở nên hấp dẫn hơn đối với các phần tử thánh chiến trẻ tuổi hơn al-Qaeda, hiện do al-Zawahiri, một nhà thần học Hồi giáo, đứng đầu.
 
Một bức ảnh hiếm của Abu Bakr al-Baghdad được Bộ nội vụ Iraq công bố.
Một bức ảnh hiếm của Abu Bakr al-Baghdad được Bộ nội vụ Iraq công bố.

Giáo sư Peter Neumann từ Trường King's College London (Anh) ước tính khoảng 80% các tay súng phương Tây tại Syria đã tham gia IS.

IS khẳng định có các tay súng từ Anh, Pháp, Đức và các quốc gia châu Âu khác, cũng như Mỹ, thế giới Ả-rập và khu vực Caucasus.

Không giống các nhóm khủng bố khác tại Syria, IS đang hành động để tiến tới việc thành lập một vương quốc Hồi giáo, vốn bao gồm các khu vực tại Syria và Iraq.

IS đã đạt được những thành công đáng kể. Vào tháng 3/2013, IS đã giành quyền kiểm soát thành phố Raqq - thủ phủ tỉnh đầu tiên nằm dưới sự kiểm soát của phe nổi dậy.

Vào tháng 1/2014, IS đã lợi dụng căng thẳng đang gia tăng giữa phe thiểu số dòng Sunni tại Iraq và chính phủ do phe Shiite đứng đầu để giành quyền kiểm soát thành phố Fallujah của người Sunni tại tỉnh Anbar, phía tây Iraq.

Kể từ đó, IS đã chiếm các khu vực rộng lớn ở miền bắc Iraq, chiếm thành phố Mosul hồi tháng 6.

IS khét tiếng về sự cai trị tàn bạo tại những khu vực mà nhóm này kiểm soát.

Tuy nhiên, việc IS giành quyền kiểm soát thành phố Mosul ở miền bắc Iraq đã gây sốc trên toàn thế giới.

Video: IS cho nổ tung nhà thờ Hồi giáo tại Iraq


Giao tranh đã khiến ít nhất 1,2 triệu người Iraq phải rời nhỏ nhà cửa.

Theo đuổi một dạng cực đoan của Hồi giáo dòng Sunni, IS đã ngược đãi những người không phải đạo Hồi, như người Yazidi, người Cơ Đốc giáo, người Hồi giáo dòng Shiite.

Chỉ trong tháng 7, IS đã mở rộng đáng kể khi tuyển khoảng 6.300 tay súng mới, chủ yếu tại tỉnh Raqqa, miền bắc Iraq.

Nhóm cũng chiếm các khu vực rộng lớn tại Ramadi, thủ phủ tỉnh Anbar của Iraq, và có sự hiện diện tại một loạt các thị trấn gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Tài chính dồi dào

IS hiện đang kiểm soát các khu vực rộng lớn ở Syria và miền bắc Iraq (phần gạch chéo màu đỏ)
 
IS hiện đang kiểm soát các khu vực rộng lớn ở Syria và miền bắc Iraq (phần gạch chéo màu đỏ)
 
Mỹ cho hay việc thành phố thứ 2 của Iraq rơi vào tay IS đã gây ra một mối đe dọa đối với toàn khu vực. Nó cũng có thể khiến IS trở thành nhóm phiến quân nhiều tiền nhất thế giới.

Ban đầu, IS phụ thuộc vào các nguồn tài trợ từ các cá nhân giàu có tại các quốc gia Ả-rập và Vùng Vịnh, đặc biệt là Kuwait và Ả-rập Xê-út, vốn ủng hộ cuộc chiến chống lại Tổng thống Bashar al-Assad.

Giờ đây, IS được cho là đã kiếm được những khoản tiền lớn từ các mỏ dầu mà nhóm kiểm soát ở phía đông Syria, được cho là đang bán lại dầu cho chính phủ Syria. IS cũng được tin là đã bán nhiều cổ vật ăn cắp được từ các địa điểm lịch sử.

Giáo sư Neumann tin rằng trước khi giành quyền kiểm soát thành phố Mosul hồi tháng 6/2014, IS có trong tay khoản tiền mặt và tài sản trị giá khoảng 900 triệu USD. Sau đó, số tiền này đã tăng lên khoảng 2 tỷ USD.

IS được cho là đã thu hàng trăm triệu USD từ một chi nhánh của ngân hàng ung ương Iraq tại thành phố Mosul. Nguồn tài chính của IS dự kiến sẽ còn tăng lên nếu nhóm tiếp tục duy trì việc kiểm soát các mỏ dầu ở miền bắc Iraq.

Tranh giành giữa các nhóm phiến quân

IS hoạt động độc lập với các nhóm thánh chiến khác tại Syria như Mặt trận al-Nusra, nhánh al-Qaeda chính thức tại Iraq, và có mối quan hệ căng thẳng với các nhóm phiến quân khác.

Thủ lĩnh của IS, Baghdadi, đã tìm cách hợp nhất với al-Nusra nhưng nhóm này từ chối liên minh và hai bên đã hoạt động độc lập từ đó.

Ayman al-Zawahiri, thủ lĩnh của al-Qaeda, đã hối thúc IS tập trung vào Iraq và để Syria cho al-Nusra, nhưng Baghdadi và các tay súng của y đã công khai chống lại yêu cầu đó.

Thái độ thù địch với IS ngày càng gia tăng tại Syria khi IS thường xuyên tấn công các phiến quân khác và lạm dụng các dân thường ủng hộ phe đối lập Syria.

Vào tháng 1/2014, các phiến quân từ cả các nhóm Hồi giáo và được phương Tây ủng hộ đã phát động một chiến dịch chống lại IS để tìm cách đuổi các tay súng phần lớn là người nước ngoài ra khỏi Syria.

Hàng nghìn người được cho là đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh giữa các nhóm phiến quân.

Các tay súng nước ngoài trong IS

Ước tính có khoảng 3.000 công dân từ các quốc gia phương Tây hiện đang chiến đấu cho IS tại Iraq, Syria, Viện Hoàng gia về nghiên cứu quốc phòng, an ninh (RUSI) tại London cho biết.

Theo RUSI, phần đông các tay súng nước ngoài được tin là đến từ Anh, Bỉ, Hà Lan, Đức, Pháp và các quốc gia ở tây bắc châu Âu.

Chính phủ Anh cho hay cho hay có tới 400 công dân Anh đang chiến đấu cho các nhóm phiến quân. Nhưng con số này được cho là thấp hơn nhiều so với các tình nguyện viên từ các quốc gia Ả-rập như Tunisia, Morocco và Ả-rập Xê-út.

Một báo cáo hồi tháng 6/2014 từ hãng tư vấn Soufan Group tại New York, Mỹ cho biết các công dân từ ít nhất 81 quốc gia khác nhau đã tham gia vào các nhóm phiến quân, trong đó có các công dân từ Úc, Mỹ, Canada, Ireland và Tây Ban Nha.

An Bình
Tổng hợp