1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tình thế "ngàn cân treo sợi tóc" bủa vây Tổng thống Hàn Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Tương lai chính trị của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol được dự đoán trở nên bất định sau lệnh thiết quân luật gây tranh cãi.

Tình thế ngàn cân treo sợi tóc bủa vây Tổng thống Hàn Quốc - 1

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol (Ảnh: AFP).

Những lời kêu gọi Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol từ chức đã gia tăng sau khi ông áp đặt lệnh thiết quân luật vào ngày 3/12. Chính Tổng thống Yoon đã phải hủy bỏ sắc lệnh gây tranh cãi này chỉ vài giờ sau khi Hàn Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị, với việc quốc hội chuẩn bị bỏ phiếu xem xét việc luận tội ông.

Các nhà phân tích cho rằng sự nghiệp chính trị của Tổng thống Yoon đã gần như đi đến hồi kết, giáng một đòn mạnh vào các lực lượng bảo thủ truyền thống trong nước. Nhưng câu hỏi đáng quan tâm hơn hiện nay là ông sẽ bị đối xử như thế nào, vì các tổng thống trước đây đã từng bị đưa ra xét xử và buộc tội vì những hành động thiếu thận trọng.

Canh bạc của nhà lãnh đạo Hàn Quốc ngày càng bấp bênh khi các nhà lập pháp đối lập tăng tốc tìm cách bỏ phiếu để luận tội tổng thống sau lệnh thiết quân luật.

Bản đề nghị luận tội do các đảng đối lập đệ trình vào ngày 4/12 có thể được đưa ra bỏ phiếu sớm nhất vào ngày 6/12. Bản đề nghị này sẽ cần sự ủng hộ của 2/3 nghị sĩ quốc hội và sau đó là sự ủng hộ của ít nhất 6 thẩm phán Tòa án Hiến pháp.

Các cố vấn cấp cao và thư ký của Tổng thống Yoon đã đề nghị từ chức tập thể. Bộ trưởng Quốc phòng Kim Yong-hyun cũng tuyên bố từ chức. "Tôi vô cùng hối tiếc và chịu hoàn toàn trách nhiệm về mọi vấn đề liên quan đến thiết quân luật", ông Kim cho biết.

Hàng nghìn người dân Hàn Quốc đã tuần hành trên đường phố Seoul, yêu cầu Tổng thống Yoon từ chức vì lệnh thiết quân luật. Đây là lệnh thiết quân luật đầu tiên do một nhà lãnh đạo nước này áp đặt kể từ năm 1980.

Kang Won-taek, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Seoul, cho rằng quyết định đưa ra lệnh thiết quân luật là hành động "liều lĩnh" của Tổng thống Yoon.

"Thật khó để tưởng tượng ông Yoon sẽ giữ chức vụ này lâu dài. Ông ấy có thể sẽ tự nguyện từ chức hoặc phải đối mặt với việc luận tội trong vòng vài tháng", giáo sư Kang nhận định.

Park Sung-min, nhà phân tích tại tổ chức Min Consulting ở Seoul, cũng cho rằng sắc lệnh thiết quân luật bị hủy bỏ của Tổng thống Yoon khiến tương lai của ông trở nên bất định. Chuyên gia cho biết ngay cả những đồng minh bảo thủ cũng chỉ trích quyết định của Tổng thống Yoon.

Ông Park cảnh báo lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon gây ra rủi ro về an ninh và kinh tế cho Hàn Quốc cũng như liên minh của nước này với Mỹ và danh tiếng toàn cầu.

"Trong bối cảnh cạnh tranh quyền lực đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc, cùng với đó là sự hợp tác giữa Nga và Triều Tiên, sự bất ổn chính trị ở Hàn Quốc sẽ gây bất lợi. Ngoài ra, khi chúng ta tiến tới việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng - đặc biệt là trong lĩnh vực bán dẫn và pin - bất kỳ sự bất ổn gia tăng nào cũng có thể gây ra hậu quả toàn cầu, làm dấy lên mối lo ngại cho Mỹ và các đồng minh, những nước có thể hy vọng vào một giải pháp hòa bình", chuyên gia Park nhận định.

Tình thế ngàn cân treo sợi tóc bủa vây Tổng thống Hàn Quốc - 2

Người dân tham gia cuộc tuần hành phản đối Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol hôm 4/12 (Ảnh: Reuters).

Một số nhà quan sát tin rằng lệnh thiết quân luật của Tổng thống Yoon được thúc đẩy bởi áp lực chính trị ngày càng gia tăng, bao gồm việc thúc đẩy luận tội nhắm vào các quan chức bị cáo buộc che chắn cho Đệ nhất phu nhân Kim Keon-hee khỏi các cáo buộc tham nhũng, những thất bại trong cuộc bầu cử của đảng cầm quyền và tỷ lệ ủng hộ giảm mạnh. Những điều này đã làm dấy lên nỗi lo của Tổng thống Yoon về nguy cơ mất quyền kiểm soát chính quyền.

Trong khi đó, một số nhà bình luận suy đoán rằng hành động vội vàng của Tổng thống Yoon có thể xuất phát từ trạng thái tinh thần không tỉnh táo.

Ramon Pacheco Pardo, giáo sư quan hệ quốc tế tại trường King's College London, cho biết Tổng thống Yoon sẽ tập trung vào việc cố gắng "giữ ghế" trong 2 hoặc 3 ngày tới vì phe đối lập cần ít nhất 8 nghị sĩ từ đảng PPP cầm quyền của ông Yoon để luận tội được tổng thống.

"Ông ấy sẽ tập trung nỗ lực để ngăn chặn điều này xảy ra", ông Ramon cho biết.

Jenny Town, nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Stimson và giám đốc chương trình Hàn Quốc và 38 North, nhận định "khó có thể tưởng tượng rằng ông Yoon sẽ tiếp tục nắm quyền lâu dài sau sự việc này".

"Khi lòng tin của người dân Hàn Quốc bị xói mòn nghiêm trọng, đảng của ông ấy khó có thể thắng thế nếu Tổng thống Yoon bị buộc phải từ chức hoặc bị luận tội", bà Jenny nói.

Bà cũng lưu ý đến những tác động tiềm tàng của quá trình chuyển giao quyền lực ở Seoul đối với quan hệ Mỹ - Hàn, đặc biệt là khi Tổng thống đắc cử Donald Trump chuẩn bị trở lại Nhà Trắng.

"Hai bên có thể hòa hợp như thế nào vẫn là một câu hỏi để ngỏ, đặc biệt là nếu một tổng thống mới của Hàn Quốc bắt đầu rút lại một số chính sách đối ngoại hướng tới tương lai của ông Yoon", chuyên gia nhận định.

Bà Jenny cho biết, biến động chính trị cũng có thể thử thách khả năng phục hồi của hợp tác song phương và ba bên gần đây được tăng cường giữa Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ khi Triều Tiên thúc đẩy liên minh quân sự với Nga.

"Việc giải quyết nhiều cuộc khủng hoảng sẽ gây ra những căng thẳng mới cho an ninh khu vực và bán đảo Triều Tiên khi họ cảm nhận được những động lực chính trị đang thay đổi", chuyên gia cho biết thêm.

Theo Leif-Eric Easley, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ewha ở Seoul, lệnh thiết quân luật được ban bố trong đêm của Tổng thống Yoon là "hành động vượt quá thẩm quyền pháp lý và tính toán sai lầm về mặt chính trị, gây nguy hiểm không cần thiết cho nền kinh tế và an ninh của Hàn Quốc".

Ông cho biết Triều Tiên "có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận chờ đợi và quan sát" đối với tình hình hỗn loạn tại Hàn Quốc, "nhưng không thể loại trừ khả năng Bình Nhưỡng sẽ cố gắng tranh thủ sự chia rẽ ở Seoul".

Ông Easley cho rằng quyết định dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp của Tổng thống Yoon đã làm giảm khả năng xảy ra bạo lực hoặc khủng hoảng hiến pháp, nhưng không làm giảm tình trạng bất ổn chính trị đang diễn ra.

"Một sự bế tắc kéo dài giữa cơ quan hành pháp và lập pháp sẽ tiếp tục gây ra bất ổn chính trị", ông nói, đồng thời nhấn mạnh mặc dù Mỹ không có vai trò trực tiếp trong các vấn đề nội bộ của Hàn Quốc, nhưng nước này vẫn là "đồng minh kiên định".

"Một xu hướng đáng lo ngại ở nhiều nền dân chủ là sự phân cực và các biện pháp cực đoan để giải quyết bế tắc đang ngày càng thử thách lòng tin vào các liên minh quốc tế", chuyên gia Easley cho biết.

Theo SCMP, Bloomberg, Reuters