Dịch Covid-19:
Tình hình ở Pháp xấu đi rất nhanh, Italia bước vào giai đoạn nguy hiểm
(Dân trí) - Dịch Covid-19 ở châu Âu đang có những diễn biến phức tạp với số ca nhiễm bệnh tăng nhanh, hệ thống y tế rơi vào tình trạng quá tải.
Tình hình ở Pháp “xấu đi rất nhanh”
Hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Y tế Pháp Jerome Salomon hôm nay 16/3 cho biết, tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19 ở nước này đang “rất đáng lo ngại” và “xấu đi rất nhanh”.
“Cứ 3 ngày số ca mắc bệnh lại tăng gấp đôi”, Bộ trưởng Salomon nói và cho biết thêm rằng số ca bệnh nặng và những trường hợp cần điều trị tích cực tại Pháp đã lên con số hàng trăm.
Ông Salomon khuyến cáo, với diễn biến dịch phức tạp hiện nay, người dân nên ở trong nhà, hạn chế ra ngoài, tránh tụ tập đông người.
Những cảnh báo trên được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Pháp đang cân nhắc tăng cường các biện pháp nhằm ngăn dịch Covid-19 đè gánh nặng lên hệ thống y tế của Pháp. Tính đến cuối ngày 15/3, Pháp ghi nhận 127 ca tử vong và hơn 5.400 ca mắc Covid-19.
Truyền thông Pháp cho rằng, chính phủ nước này sẽ công bố các biện pháp ngăn dịch và lệnh giới nghiêm toàn đất nước như Italia và Tây Ban Nha bắt đầu từ tuần này. Tuy nhiên, phát ngôn viên chính phủ Pháp Sibeth Ndiaye hôm nay khẳng định đó là “tin giả”. Bà Ndiaye nhấn mạnh: “Chúng tôi đang xem xét tất cả các biện pháp hữu hiệu để mọi người thay đổi thói quen”.
“Chúng tôi nhận thấy các biện pháp ban đầu được triển khai không phù hợp. Cách tốt nhất làm chậm sự lây lan của virus là tạo khoảng cách xã hội”, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nói. Ông Philippe cho biết, hầu hết các nhà khoa học khuyến cáo, chính phủ Pháp cần tăng cường các biện pháp hạn chế để làm chậm tốc độ lây lan của dịch.
Để ngăn dịch lan rộng, Pháp đã yêu cầu đóng cửa các nhà hàng, quán bar, trường học cũng như ngừng các hoạt động kinh doanh không cần thiết, hạn chế người dân di chuyển xa.
Italia "bước vào giai đoạn nguy hiểm"
Thủ tướng Italia Giuseppe Conte hôm nay 16/3 cảnh báo, Italia đang bước vào “những tuần nguy hiểm nhất” của dịch Covid-19 và hối thúc châu Âu phối hợp ứng phó dịch.
“Châu Âu cần phối hợp các biện pháp cả về y tế và kinh tế. Đây là lúc để đưa ra những lựa chọn can đảm và Italia có thể có đóng góp đáng kể khi là quốc gia đầu tiên ở châu Âu chứng kiến sự lây lan rộng của dịch”, Thủ tướng Conte bình luận với báo Corriere della Sera trước cuộc họp video của các lãnh đạo G7 hôm nay.
Italia hiện là nơi bùng phát dịch Covid-19 mạnh nhất thế giới. Đến nay Italia đã ghi nhận 1.809 ca tử vong (chiếm hơn một nửa số ca tử vong do Covid-19 bên ngoài Trung Quốc) và hơn 24.000 ca mắc Covid-19 dù dịch mới chỉ bùng phát tại đây cuối tháng 2.
Chính phủ của Thủ tướng Conte tuần trước đã áp lệnh phong tỏa toàn bộ đất nước hơn 60 triệu dân, yêu cầu đóng cửa các nhà hàng, quán bar, trường học, các địa điểm công cộng và khuyến cáo người dân ở trong nhà. Ông Conte cho biết, hiện chính phủ Italia chưa cần đưa ra các lệnh hạn chế mới, nhưng kêu gọi người dân ở trong nhà nhiều nhất có thể.
“Các nhà khoa học nói rằng chúng ta vẫn chưa đạt đến đỉnh dịch. Đây nhà những tuần nguy hiểm nhất và chúng ta cần đặc biệt thận trọng”, ông Conte nói.
Điều đáng lo ngại hiện nay ở Italia là các bệnh viện ở vùng dịch của miền bắc vốn giàu có hơn đều đã rơi vào tình trạng quá tải. Trong khi đó, ông Conte lo ngại, nếu dịch lan rộng đến miền nam nước này, hệ thống y tế ở đây khó chống đỡ được. “Chúng ta không được phép mắc thêm sai lầm. Những việc như đến Milan vào cuối tuần để sum họp với gia đình hay người thân ở miền nam cần phải chấm dứt. Virus corona là thách thức lớn nhất với chúng ta trong nhiều thập niên qua”, ông Conte nói.
Minh Phương
Theo AFP, The Local