1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Tình hình Biển Đông có thể “phủ bóng” cuộc họp của Ngoại trưởng Mỹ và ASEAN

(Dân trí) - Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo sẽ tham dự cuộc họp với các nước ASEAN trong tuần này và tình hình Biển Đông có thể sẽ là chủ đề quan trọng trong chương trình nghị sự.

Tình hình Biển Đông có thể “phủ bóng” cuộc họp của Ngoại trưởng Mỹ và ASEAN - 1

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Mike Pompeo dự kiến sẽ tới Bangkok, Thái Lan vào ngày 1/8. Tại đây ông sẽ đồng chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Mỹ - ASEAN.

Ngày 2/8, ông Pompeo sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Cấp cao Đông Á (EAS) và Hội nghị Bộ trưởng Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF).

Chuyến đi của ông Pompeo tới Thái Lan lần này diễn ra trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có nhiều diễn biến phức tạp. Các chuyên gia dự đoán vấn đề Biển Đông sẽ “phủ bóng” chương trình nghị sự của ngoại trưởng Mỹ tại các cuộc họp với ASEAN vào tháng tới.

“Biển Đông sẽ là chương trình nghị sự quan trọng. Họ (Trung Quốc) sẽ tìm cách kiềm chế bất kỳ lập trường cứng rắn nào của Philippines. Họ có thể sẽ khẳng định chủ quyền đối với các đảo và bãi đá, đồng thời chỉ trích sự can thiệp từ bên ngoài”, Alexander Neill, chuyên gia về các vấn đề quân sự Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, nhận định.

Một quan chức Indonesia ngày 29/7 cho biết Trung Quốc vẫn đang tìm cách thúc đẩy việc thông qua Bộ Quy tắc về Ứng xử của các bên trên Biển Đông với ASEAN, sau khi hai bên đã thống nhất về bản thảo sơ bộ.

“Chúng tôi vẫn đang xem xét tiếp tục các cuộc đàm phán giữa ASEAN và Trung Quốc để đưa bản thảo về bộ quy tắc ứng xử sang giai đoạn tiếp theo”, ông Jose Tavares, vụ trưởng phụ trách các vấn đề ASEAN tại Bộ Ngoại giao Indonesia, cho biết.

Theo Giáo sư quan hệ quốc tế Harsh Pant tại Đại học King ở London, Anh, ASEAN đang gặp khó khăn trong việc duy trì sự cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc.

“ASEAN đang trải qua áp lực ít gặp do sự mâu thuẫn ngày càng tăng giữa Mỹ và Trung Quốc. Sự hài hòa truyền thống giữa một bên là Trung Quốc như một đối tác kinh tế với một bên là Mỹ như một đối tác an ninh không còn nữa”, Giáo sư Pant nhận định.

Trong bài viết đăng trên Thời báo Hoàn cầu, báo nhà nước của Trung Quốc, Cheng Hanping, nhà nghiên cứu cấp cao và là giáo sư tại Trung tâm Sáng kiến Hợp tác Nghiên cứu Biển Đông thuộc Đại học Nam Kinh, cho biết Mỹ từng nhiều lần đề cập tới vấn đề Biển Đông tại các cuộc họp của ASEAN.

Ông Cheng lớn tiếng chỉ trích Mỹ tăng cường hiện diện quân sự tại Biển Đông thông qua các chiến dịch “tự do hàng hải” và tổ chức các cuộc tập trận song phương trong khu vực.

Trong khi đó, Mỹ gần đây liên tiếp đưa ra những tuyên bố cứng rắn nhằm vào Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 20/7 đã bày tỏ quan ngại trước các báo cáo về hành vi can thiệp của Trung Quốc đối với các hoạt động liên quan tới dầu khí trong khu vực, bao gồm các hoạt động thăm dò và khác dầu khí lâu nay của Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ Eliot Engel ngày 26/7 cũng phát đi tuyên bố, chỉ trích các hành động hung hăng của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông là ví dụ đáng lo ngại về cái gọi là một quốc gia phớt lờ công khai luật pháp quốc tế.

Khi được hỏi về các hành động bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông gần đây, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus hôm qua cho biết: “Chúng tôi rất quan ngại”. Trong khi đó, một quan chức cấp cao khác của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định: “Chúng tôi quan tâm tới việc đảm bảo sự ổn định tại Biển Đông”.

Thành Đạt

Theo Bloomberg

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm