Tình hình Belarus: 4 ngày 3 cuộc điện đàm với Nga, Minsk cảnh giác điều quân đến biên giới
Ngày 18/8, hãng thông tấn Belta đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có cuộc điện đàm thứ 3 trong vòng 4 ngày qua với người đồng cấp Belarus Alexander Lukashenko.
Các động thái diễn ra trong bối cảnh các cuộc đình công và biểu tình ở Belarus vẫn tiếp diễn sau cuộc bầu cử gây tranh cãi ngày 9/8.
Ông Putin đã nói với Tổng thống Lukashenko về những cuộc điện đàm trước đó cùng ngày của ông với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Theo hãng thông tấn Belta, nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh với bà Merkel và ông Macron rằng, Nga không chấp nhận bất cứ sự can thiệp nào vào công việc nội bộ của Belarus.
Trước đó, ông Putin và ông Lukashenko đã điện đàm trong cả hai ngày 15 và 16/8, trong đó Moscow đề nghị hỗ trợ quân sự cho Minsk nếu cần thiết.
Cùng ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông sẽ thảo luận với Nga về Belarus vào thời điểm thích hợp, đồng thời cho rằng, các cuộc biểu tình tại quốc gia Đông Âu phần lớn diễn ra một cách ôn hòa.
Về tình hình tại Belarus, ngày 18/8, Tổng thống Lukashenko nói, Minsk đã triển khai các đơn vị vũ trang tới biên giới phía Tây nhằm đáp lại tuyên bố của các chính phủ nước ngoài về tình hình nội bộ Belarus.
Trong cuộc họp được phát trên truyền hình, ông Lukashenko cho hay, các đơn vị đang được đặt trong tình trạng cảnh giác cao độ và sẵn sàng hoàn thành nhiệm vụ.
Ngoài ra, theo Belta, nhà lãnh đạo Belarus gọi việc khởi động một hội đồng điều phối gồm các thành viên của phe đối lập là một động thái tranh giành quyền lực, đồng thời cảnh báo đưa ra các biện pháp đáp trả.
Dự kiến, hội đồng điều phối do thủ lĩnh đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya thúc đẩy nhằm tạo điều kiện cho việc chuyển giao quyền lực sau cuộc bầu cử gây tranh cãi sẽ nhóm họp lần đầu tại Minsk trong ngày 18/8.
Trong khi đó, theo trang web của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), trong cuộc điện đàm giữa Tổng thư ký Jens Stoltenberg và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, hai nhà lãnh đạo nhất trí Belarus phải thể hiện sự tôn trọng đầy đủ đối với các quyền cơ bản, bao gồm quyền tự do ngôn luận và quyền biểu tình hòa bình.
Hai bên cũng nhất trí rằng, NATO cần duy trì cảnh giác và phòng thủ nghiêm ngặt, chuẩn bị sẵn sàng để ngăn chặn bất kỳ hành động xâm lược nào chống lại NATO.
Tổng thư ký Stoltenberg nhấn mạnh, NATO không gây ra mối đe dọa đối với Belarus và không tăng cường binh sĩ trong khu vực. Tất cả các nước NATO ủng hộ một Belarus có chủ quyền và độc lập.
Theo Thế Việt
Thế giới & Việt Nam