Tình báo Úc lo ngại khả năng Trung Quốc "khiêu khích" tại Biển Đông
(Dân trí) - Trong bài viết trên trang mạng Diplomat, Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia phân tích tới từ Học viện Quốc phòng Úc, cho biết các cơ quan tình báo Mỹ và Úc đã bày tỏ quan ngại về những động thái của Trung Quốc ở Biển Đông thời gian qua.
Hai sự kiện gần đây cho thấy Bắc Kinh đang sẵn sàng thực hiện hành động "tiên quyết" ở Biển Đông trước khi Tòa án Trọng tài thường trực Liên hợp quốc (PCA) ở The Hague đưa ra phán quyết trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan đến các đảo tranh chấp ở Biển Đông. Những động thái của BắcKinh còn bao gồm quá trình triển khai các hệ thống phòng không lên đảo Phú Lâm, cũng như những tin tức tình báo được tiết lộ cho thấy Trung Quốc đang chuẩn bị tiến hành hoạt động cải tạo đảo ở bãi cạn Scarborough.
Hình ảnh vệ tinh thu thập được hôm 7/4 cho thấy Trung Quốc được cho là đã triển khai thêm 2 chiến đấu cơ đa nhiệm Shenyang J-11 và hệ thống radar hiện đại AESA lên đảo Phú Lâm. Giới chức Lầu Năm Góc đánh giá rằng Trung Quốc có khoảng 10 máy bay chiến đấu trên đảo này, bao gồm cả các mẫu J-11 và Xian JH-7. Mẫu J-11 là tiêm kích có nhiều điểm tương đồng với mẫu Su-27 của Nga, có tầm hoạt động lên tới 3.530km, trong khi mẫu JH-7 là máy bay ném bom. Trước đó, Trung Quốc đã triển khai 8 hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9 lên đảo Phú Lâm, trong đó 4 hệ thống đã được đưa vào hoạt động. Những hệ thống này có tầm bắn gần 220km. Giờ đây, với hệ thống radar AESA, Trung Quốc đủ khả năng theo dõi chính xác hơn các hoạt động của máy bay nước khác xung quanh đảo Phú Lâm.
Vì sao Trung Quốc liên tiếp đưa khí tài ra Biển Đông?
Trung Quốc nổi đóa vì cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Philippines. (Ảnh: AP)
Theo đánh giá của Giáo sư Carl Thayer, có thể lý giải những động thái của Trung Quốc như sau. Đầu tiên, Bắc Kinh đang phản ứng trước quá trình triển khai Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng giữa Mỹ và Philippines. Hồi tháng Ba vừa qua, Philippines đã công bố danh sách gồm 4 căn cứ không quân và 1 căn cứ lục quân để Mỹ có thể tiếp cận và luân chuyển binh sĩ và khí tài. Cũng trong tháng Ba, Mỹ và Philippines đã bắt đầu hoạt động tuần tra chung trên Biển Đông. Hoạt động tuần tra trên không tại vùng biển này cũng sẽ sớm được triển khai trong tháng này.
Một số nguồn tin cho rằng Trung Quốc không hài lòng trước cuộc tập trận Balikatan diễn ra trong nửa đầu tháng 4 vừa qua, vốn có sự tham dự của quân đội Philippines, Mỹ, Úc và một số nước khác dưới vai trò quan sát viên. Ngoài ra, cuộc tập trận này cũng đánh dấu sự kiện lần đầu tiên có một Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tới thị sát. Sau cuộc tập trận Balikatan, 6 máy bay chiến đấu và 3 trực thăng của quân đội Mỹ sẽ đồn trú lại ở căn cứ không quân Clark cùng với khoảng 200 binh sĩ.
Thứ hai, Trung Quốc có thể đang phản ứng lại những báo cáo gần đây cho rằng hoạt động tuần tra bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông của Mỹ sẽ sớm được triển khai, sau lần thứ nhất diễn ra hồi tháng 10/2015 và lần thứ hai vào tháng 1/2016. Thứ ba, Bắc Kinh có thể đang cảm thấy “không vui” khi nhóm nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G-7) thông qua một tuyên bố đặc biệt về an ninh hàng hải. Trong tuyên bố này, nhóm G-7 nhấn mạnh an toàn và tự do hàng hải là nền tảng của hòa bình, an ninh và thịnh vượng của thế giới. Tuyên bố khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì trật tự dựa trên luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), đồng thời kêu gọi các quốc gia tuân thủ các phán quyết của tòa án quốc tế về giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Nguy cơ Trung Quốc tăng cường hoạt động tại Biển Đông
Trung Quốc ngang nhiên cải tạo, bồi lấp và đưa vũ khí đến đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam.(Ảnh: Getty)
Về dài hạn, quyết định triển khai chiến đấu cơ và các hệ thống radar được đánh giá là hành động “phô diễn sức mạnh” của Trung Quốc về khả năng có thể nhanh chóng triển khai vũ khí tới bất cứ nơi nào ở Biển Đông miễn là có đường băng và Mỹ không thể đưa ra hành động ngăn chặn Bắc Kinh làm điều này. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn gửi tín hiệu tới Mỹ rằng nguy cơ sẽ gia tăng nếu Mỹ tiếp tục thực hiện các chuyến bay do thám những hệ thống quân sự nhạy cảm của Trung Quốc và bay trên các tàu chiến của Hải quân nước này ở Biển Đông.
Tháng trước, các nguồn tin tình báo Mỹ đã xác nhận rằng Trung Quốc đã trắng trợn lên kế hoạch cho giai đoạn quân sự hóa mới ở Biển Đông, bao gồm cả bãi cạn Scarborough. Truyền thông Úc đưa tin các cơ quan phân tích và tình báo của nước này cũng bày tỏ về kế hoạch mới của Bắc Kinh. Theo đó, Tổ chức Tình báo Quốc phòng và Văn phòng Đánh giá Quốc gia của Úc cho rằng Trung Quốc “có thể thực hiện hành động khiêu khích và quyết đoán” ở quần đảo Trường Sa. Các nguồn tin cho rằng Trung Quốc có thể triển khai hoạt động ở bãi cạn Scarborough để xây dựng một hòn đảo nhân tạo mới, nơi nước này sẽ triển khai tiếp các hệ thống quân sự hoặc tuyên bố thành lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) như đã làm ở Biển Hoa Đông hồi năm 2013.
Nếu những thông tin trên chính xác, Trung Quốc có thể sẽ chỉnh sửa một số hạ tầng nhỏ có sẵn ở bãi cạn Scarborough và đưa binh sĩ tới khu vực này. Lúc đó, Trung Quốc chỉ cần khẳng định các động thái này được triển khai với mục đích “thân thiện” như để dự báo thời tiết hay hỗ trợ an toàn hàng hải. Sau đó, Trung Quốc sẽ đẩy mạnh hoạt động cải tạo đảo trong thời gian ngắn và nhanh chóng “bỏ lại” Mỹ và Philippines. Một khi đảo nhân tạo mới được xây dựng ở bãi cạn Scarborough, nơi đây có thể làm “bàn đạp” cho kế hoạch bành trướng tiếp theo của Bắc Kinh trong tương lai.
Tuần qua, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã có chuyến thăm chính thức Trung Quốc lần đầu tiên. Theo truyền thông Úc, ưu tiên hàng đầu trong chuyến thăm lần này của Thủ tướng Turnbull là nêu những quan ngại của Canberra về vấn đề Biển Đông với Thủ tướng Lý Khắc Cường và Chủ tịch Tập Cận Bình. Thủ tướng Turnbull được chào đón khi tới Thượng Hải trong thời điểm tờ China Daily dẫn lời một thành viên của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc cho rằng tranh chấp Biển Đông “sẽ phủ bóng lên mối quan hệ kinh tế hứa hẹn giữa hai nước nếu căng thẳng có xu hướng gia tăng”. Có thể coi đây là một lời cảnh báo tới các lợi ích kinh tế của Úc bởi chính sách về Biển Đông của nước này. Trước chuyến đi tới Trung Quốc, Thủ tướng Turbull từng tuyên bố chính sách về Biển Đông của Bắc Kinh “sẽ phản tác dụng”.
Nếu Trung Quốc ngang nhiên cải tạo bãi cạn Scarborough thành đảo nhân tạo và xây dựng đường băng và bến cảng tại đây, cơ sở cơ bản này sẽ cản trở các hoạt động Philippines tại Biển Đông. Nếu Trung Quốc trắng trợn đặt hệ thống radar tầm xa, hệ thống radar kiểm soát vũ khí, tên lửa đất đối không và tên lửa đạn đạo chống hạm tại các đảo nhân tạo, bao gồm cả ở bãi cạn Scarborough, nước này sẽ có được vị trí tốt hơn để theo dõi các hoạt động của tàu chiến thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ sử dụng căn cứ tại Vịnh Subic.
Một khi hoàn tất các hoạt động xây dựng đường băng, các căn cứ hậu cần hay bảo vệ máy bay, Trung Quốc có thể đáp trả bất cứ sự xâm nhập nào của máy bay hay tuần chiến nước ngoài. Chiến đấu cơ đa nhiệm J-11 của Trung Quốc có thể xuất phát từ đảo Phú Lâm tới bất cứ đâu ở Biển Đông để thực hiện hoạt động tuần tra. Những máy bay này có thể kéo dài nhiệm vụ tuần tra bằng cách hạ cánh và tiếp nhiên liệu tại các căn cứ trên những đảo nhân tạo ở Biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc đã và đang tiến hành quá trình xây dựng những bãi đỗ cho các mẫu trực thăng hiện đại. Điều này cho phép Trung Quốc theo dõi các tàu ngầm của Mỹ thông qua việc triển khai trực thăng chống ngầm và máy bay trinh sát.
Nếu Trung Quốc quyết định thực hiện hành động “khiêu khích” bằng cách củng cố vị trí của nước này ở bãi cạn Scarborough, điều này có thể sẽ phá hỏng bất cứ nỗ lực chung nào của cộng đồng quốc tế nhằm sử dụng sức ép ngoại giao để buộc Bắc Kinh tôn trọng luật pháp quốc tế hay chấp nhận phán quyết của Tòa án Trọng tài thường trực, Diplomat nhận định.
Ngọc Anh
Theo Diplomat