1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Trung Quốc lớn tiếng bao biện sau tin phóng tên lửa chống hạm ở đảo Phú Lâm

(Dân trí) - Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua lớn tiếng nói rằng việc triển khai "các hạ tầng quốc phòng" tới đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn hợp pháp và rằng Bắc Kinh không nhằm mục đích quân sự hóa.


Bức ảnh lan truyền trên mạng Trung Quốc cho thấy Trung Quốc có thể đã phóng một tên lửa hành trình YJ-62 từ đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. (Ảnh: USNI)

Bức ảnh lan truyền trên mạng Trung Quốc cho thấy Trung Quốc có thể đã phóng một tên lửa hành trình YJ-62 từ đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. (Ảnh: USNI)

Tại cuộc họp báo diễn ra hôm qua 30/3, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Việc Trung Quốc triển khai các cơ sở quốc phòng trên lãnh thổ của mình là hợp lệ. Trung Quốc không có ý định thực hiện cái gọi là quân sự hóa”. Tuy nhiên, ông Hồng Lỗi không đề cập cụ thể việc liệu Trung Quốc đã triển khai tên lửa chống hạm YJ-62 tới đảo Phú Lâm hay chưa.

Bắc Kinh lớn tiếng đưa ra những lời bao biện này sau khi truyền thông quốc tế hồi tuần trước dẫn các hình ảnh trên các trang mạng Trung Quốc hôm 21/3 cho thấy Trung Quốc đã phóng một tên lửa hành trình YJ-62 từ đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa của Việt Nam. YJ-62 được cho là có tầm bắn khoảng 400km

Tháng trước, Trung Quốc cũng đã triển khai một số hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 tới đây sau khi Mỹ tiến hành các hoạt động tuần tra tự do hàng hải gần đảo Tri Tôn mà Trung Quốc chiếm đóng trái phép của Việt Nam. Bắc Kinh tuy nhiên vẫn trắng trợn nói rằng các hoạt động triển khai đó nằm trong quyền hạn và nhằm mục đích phòng vệ.

Giới quan sát cho rằng, Trung Quốc có thể sẽ tìm cách triển khai các vũ khí tương tự tới các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trái phép ở Trường Sa và gần Philippines hơn.

Bình luận về vấn đề này, người phát ngôn Lầu Năm Góc Peter Cook tuy không từ chối xác nhận liệu Trung Quốc có triển khai tên lửa hành trình YJ-62 tới đảo Phú Lâm hay không nhưng đã bày tỏ lo ngại về việc Bắc Kinh gia tăng các hoạt động quân sự ở Biển Đông. “Rõ ràng, chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố bất cứ hành động nào của bất cứ bên nào, kể cả Trung Quốc hay các quốc gia khác nhằm quân sự hóa các đảo tranh chấp sẽ là mối quan tâm của chúng tôi”, ông Cook nói.

Trong một diễn biến liên quan khác, Thứ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Work ngày 30/3 khẳng định Mỹ sẽ không công nhận bất kỳ vùng hạn chế đi lại nào trên Biển Đông, trong động thái được tin là “phủ đầu” ý đồ của Trung Quốc trong việc lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ).

Trung Quốc bị nghi đang có ý đồ lập một ADIZ phi pháp ở Biển Đông sau khi Bắc Kinh liên tục có những động thái khiêu khích như triển khai tên lửa phòng không cũng như chiến đấu cơ đến đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và cấp tập xây dựng hệ thống radar trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Minh Phương

Tổng hợp