1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tình báo Mỹ có thể giữ "chìa khóa" vén màn bí mật nguồn gốc Covid-19

Thành Đạt

(Dân trí) - Tình báo Mỹ được cho là vẫn còn lượng thông tin lớn chưa được phân tích liên quan tới nguồn gốc của đại dịch Covid-19, giữa lúc cuộc điều tra do Tổng thống Joe Biden chỉ đạo đang nóng dần lên.

Tình báo Mỹ có thể giữ chìa khóa vén màn bí mật nguồn gốc Covid-19 - 1

Nhân viên an ninh bên ngoài Viện Virus học Vũ Hán (Ảnh: Bloomberg).

Tổng thống Joe Biden ngày 26/5 chỉ đạo các cơ quan tình báo Mỹ điều tra thêm về nguồn gốc của virus gây đại dịch Covid-19, bao gồm việc xác định virus xuất hiện ở Trung Quốc là do con người tiếp xúc với động vật bị nhiễm bệnh hay do rò rỉ từ một phòng thí nghiệm.

Ông chủ Nhà Trắng yêu cầu các cơ quan tình báo Mỹ "tăng gấp đôi nỗ lực" để điều tra nguồn gốc Covid-19 và báo cáo chính phủ trong vòng 90 ngày. Mọi nghi vấn hiện tập trung vào giả thuyết virus thoát ra từ Viện Virus học Vũ Hán ở thành phố Vũ Hán - nơi phát hiện các ca Covid-19 đầu tiên vào cuối năm 2019.

ABC News dẫn lời các quan chức cho biết, sau khi đánh giá thông tin tình báo và dữ liệu thô được trình lên, Tổng thống Biden và các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ đã nhận thấy rằng một lượng lớn thông tin vẫn chưa được phân tích đầy đủ và đây có thể là bằng chứng tiềm tàng dẫn đến manh mối về loại virus khiến hơn 3,5 triệu người thiệt mạng trên khắp thế giới. New York Times là báo đầu tiên đưa tin về sự tồn tại của các thông tin tình báo chưa được khám phá này.

Vào cuối tháng 11/2019, các quan chức tình báo Mỹ đã cảnh báo một loại dịch bệnh đang di chuyển qua khu vực Vũ Hán của Trung Quốc, làm thay đổi cuộc sống, sinh kế làm ăn và gây ra mối đe dọa đối với người dân.

Theo thông tin của tình báo Mỹ, vào mùa thu năm 2019, một số nhà nghiên cứu tại Viện Virus học Vũ Hán đã bị bệnh và nhập viện với các triệu chứng giống như cúm. Không lâu sau, Trung Quốc công bố các ca bệnh Covid-19 đầu tiên.

"Đã có những cảnh báo về Covid-19 từ rất sớm, và đó có thể là một trong những gì mà các nhà chức trách đang xem xét bây giờ", Mick Mulroy, cựu quan chức cấp cao của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và Bộ Quốc phòng Mỹ, cựu phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trong chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, nhận định.

Vào cuối mùa hè và đầu mùa thu năm 2019, hình ảnh vệ tinh được chia sẻ độc quyền với ABC News cho thấy lưu lượng xe ô tô xung quanh các bệnh viện lớn ở Vũ Hán tăng đột biến. Theo một nghiên cứu của Trường Y Harvard vào tháng 6/2020, điều này cho thấy virus có thể đã xuất hiện và lây lan khắp khu vực này sớm hơn nhiều so với thời điểm thế giới được cảnh báo.

Nguồn dữ liệu từ tình báo Mỹ

Tình báo Mỹ có thể giữ chìa khóa vén màn bí mật nguồn gốc Covid-19 - 2

Tổng thống Joe Biden đã lệnh mở rộng điều tra nguồn gốc Covid-19 (Ảnh: Reuters).

Việc điều tra kỹ lưỡng nguồn gốc Covid-19 theo lệnh của Tổng thống Biden sẽ bao gồm việc sử dụng các hệ thống trí tuệ nhân tạo và các nhà phân tích để khai thác mọi chi tiết, từ các tuyên bố đến các bình luận trên mạng xã hội, các hồ sơ mật như điện thoại bị nghe lén và liên lạc điện tử được lưu trữ trong cộng đồng tình báo rộng lớn của Mỹ và giữa các tổ chức như Cục Tình báo Trung ương, Cơ quan An ninh Quốc gia và Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Mỹ.

"Có rất nhiều thông tin mà chúng tôi đã thu được, nhưng vẫn còn nhiều điều hơn nữa cần phải tìm hiểu" Jamie Metzl, cựu quan chức an ninh quốc gia trong chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton, hiện là cố vấn của WHO và nhân sự cấp cao của Tổ chức Hội đồng Đại Tây Dương, nói với ABC News.

Ông Metzl dẫn đầu một nhóm gồm hơn 20 nhà khoa học, từ lâu đã kêu gọi một cuộc điều tra sâu, độc lập về nguồn gốc của Covid-19, bao gồm cả giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm.

Nhiều quan chức hàng đầu trong chính quyền Biden tin rằng đại dịch Covid-19 bắt nguồn từ một trong 2 cách: virus có thể xuất hiện từ sự tiếp xúc của con người với động vật bị nhiễm bệnh, hoặc từ một tai nạn trong phòng thí nghiệm. Cả 2 giả thuyết này đều khác với báo cáo do nhóm chuyên gia của WHO đưa ra hồi tháng 3, trong đó khẳng định giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm là "cực kỳ khó xảy ra".

Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã chỉ trích nỗ lực Mỹ nhằm điều tra giả thuyết virus rò rỉ từ phòng thí nghiệm, cáo buộc chính quyền Biden chơi trò chơi chính trị và trốn tránh trách nhiệm của chính mình. Ông Triệu nói rằng mệnh lệnh của Biden đối với các cơ quan tình báo Mỹ cho thấy Washington "không quan tâm đến dữ liệu và sự thật, cũng như không quan tâm đến việc truy tìm nguồn gốc khoa học nghiêm túc", thậm chí "tố ngược" Mỹ không mở cửa các phòng thí nghiệm của nước này để cho phép điều tra như cách Trung Quốc đã làm.

"Xung quanh vấn đề nguồn gốc Covid-19, chúng ta biết quá ít về những câu hỏi ai, cái gì, ở đâu, khi nào, như thế nào và tại sao", David Asher, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, người dẫn đầu cuộc điều tra của Bộ Ngoại giao về nguồn gốc của đại dịch Covid-19 dưới thời chính quyền Trump, cho biết.

Michael McCaul, thành viên cấp cao của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, nói với CNN  rằng các thông tin tình báo đã cung cấp manh mối cho thấy khả năng xảy ra một vụ rò rỉ virus từ phòng thí nghiệm.

Nói với NBC, Matthew Pottinger, cựu phó cố vấn an ninh quốc gia trong chính quyền Trump, cho rằng cả 2 giả thuyết mà Tổng thống Biden đề cập về nguồn gốc Covid-19 đều có cơ sở. Theo Pottinger, mặc dù chưa có bằng chứng cụ thể để chứng minh 2 giả thuyết này, nhưng ngày càng có nhiều chứng cứ gián tiếp ủng hộ quan điểm cho rằng, virus có thể đã bị rò rỉ từ một phòng thí nghiệm.

Tuy vậy, nhiều chuyên gia dự đoán sẽ rất khó để tìm ra câu trả lời cuối cùng cho nguồn gốc Covid-19 nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc. Dù nhóm chuyên gia của WHO hồi tháng 2 đã đích thân tới Vũ Hán để điều tra, song rốt cuộc báo cáo của họ vẫn chưa đưa ra kết luận chính xác về việc virus bắt nguồn từ đâu.

Những người chỉ trích cho rằng, việc chính quyền Trung Quốc không sẵn sàng minh bạch hóa mọi thông tin và cho phép tiếp cận mọi dữ liệu cần thiết sẽ cản trở một cuộc điều tra độc lập và công bằng. Người phát ngôn của WHO cho biết tổ chức này đang xem xét lại báo cáo và chuẩn bị cho giai đoạn nghiên cứu tiếp theo. Tuy nhiên, WHO xét cho cùng vẫn chỉ có thẩm quyền hạn chế.

"Nếu Trung Quốc ngăn chặn (việc điều tra), thì thế giới sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đi một con đường khác", chuyên gia Metzl nói.