Tình báo Hàn Quốc nói Triều Tiên đang làm giàu uranium tại cơ sở hạt nhân chủ chốt
(Dân trí) - Hàn Quốc nghi ngờ Triều Tiên vẫn đang duy trì hoạt động bình thường tại cơ sở làm giàu uranium thuộc nhà máy hạt nhân chủ chốt Yongbyon.
Trong cuộc họp ngày 29/3 với Ủy ban Tình báo Quốc hội, Cơ quan tình báo quốc gia (NIS) Hàn Quốc cho biết Triều Tiên dường như vẫn đang vận hành bình thường cơ sở làm giàu uranium tại nhà máy Yongbyon, phía bắc thủ đô Bình Nhưỡng.
NIS cũng nói rằng Triều Tiên đã ngừng vận hành lò phản ứng hạt nhân công suất 5 mega watt tại Yongbyon từ cuối năm ngoái.
Theo Yonhap, hiện vẫn đang có những nghi ngờ rằng mặc dù Bình Nhưỡng đã dừng thử hạt nhân và tên lửa từ năm ngoái nhưng vẫn duy trì chương trình hạt nhân trong suốt thời gian tham gia vào các cuộc đàm phán với Hàn Quốc và Mỹ với mục tiêu phi hạt nhân hóa và thúc đẩy hòa bình lâu dài trên bán đảo Triều Tiên.
Về thông tin liên quan tới hoạt động của Triều Tiên tại bãi thử tên lửa tầm xa Dongchang-ri ở bờ tây nước này, NIS cho rằng Bình Nhưỡng dường như đã bắt tay vào khôi phục bệ phóng tại đây hồi tháng 2 và gần như hoàn thành việc thi công.
Động thái trên làm dấy lên những hoài nghi rằng Triều Tiên có thể tiếp tục khởi động lại chương trình tên lửa trong bối cảnh đàm phán song phương giữa Bình Nhưỡng và Washington đang tiếp tục rơi vào tình trạng bế tắc.
Tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2 tổ chức tại Hà Nội ngày 27-28/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã ra về mà không đạt được thỏa thuận chung do sự khác biệt giữa yêu cầu của 2 bên về quy mô phi hạt nhân hóa của Bình Nhưỡng và các động thái tháo gỡ lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Khi đó, phía Washington và Bình Nhưỡng đã đưa ra những phát ngôn không đồng nhất về nguyên nhân khiến 2 bên không thể đi tới thỏa thuận.
Trong cuộc họp báo ngày 28/2, ông Trump nói rằng các cuộc đàm phán không thành công vì Bình Nhưỡng yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt “toàn bộ”, trong khi đề xuất giải trừ hạt nhân các khu vực “ít quan trọng” hơn yêu cầu của Mỹ.
Tuy nhiên, trong cuộc họp báo rạng sáng ngày 1/3, Ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho đã bác bỏ tuyên bố trên, nói rằng Bình Nhưỡng chỉ đề xuất dỡ bỏ một phần các lệnh cấm vận để đổi lấy việc dỡ bỏ vĩnh viễn tất cả các cơ sở nhiên liệu phân hạch tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon với sự chứng kiến của các chuyên gia Mỹ.
Yongbyon, nằm cách thủ đô Bình Nhưỡng 100km về phía bắc, mang giá trị biểu tượng lâu năm trong chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Được xây dựng vào năm 1979, lò phản ứng của Yongbyon sản xuất rất ít điện, trong khi chủ yếu cung cấp plutonium và các cơ sở nghiên cứu cần thiết để Triều Tiên thử nghiệm bom nguyên tử lần đầu tiên vào năm 2006.
Đức Hoàng
Theo Yonhap