1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tiết lộ mạng lưới căn cứ quân sự "khủng" của Mỹ tại 80 quốc gia

Thúy Thanh

(Dân trí) - Trang EurAsian Times cho rằng, với việc đặt căn cứ quân sự tại 80 quốc gia, Mỹ hoàn toàn lấn át Trung Quốc trong triển khai sức mạnh ở nước ngoài.

Tiết lộ mạng lưới căn cứ quân sự khủng của Mỹ tại 80 quốc gia - 1

Các máy bay tại căn cứ Andersen của Mỹ trên đảo Guam (Ảnh: Reuters).

Việc Mỹ rút hoàn toàn quân đội ra khỏi Afghanistan vào ngày 31/8 đã chính thức đánh dấu chấm dứt cuộc chiến kéo dài hai thập niên của Mỹ tại quốc gia này.

Lầu Năm Góc cho biết, 800.000 lính Mỹ đã phục vụ trong "cuộc chiến chống khủng bố" ở Afghanistan. Lúc cao điểm vào năm 2011, có 100.000 lính Mỹ hoạt động tại 10 căn cứ quân sự, trải dài từ căn cứ không quân Bagram đến Kandahar.

Theo giáo sư David Vine tại Đại học Mỹ ở thủ đô Washington, quân đội Mỹ hiện có hơn 750 căn cứ ở nước ngoài trải rộng tại 80 quốc gia trên khắp thế giới.

Thực tế là sau Chiến tranh Lạnh, Mỹ đã có ý định đóng cửa một số căn cứ quân sự ở nước ngoài, đặc biệt là ở châu Âu. Chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton đã đi đầu trong chính sách đóng cửa dần dần các căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Ngay cả chính quyền cựu Tổng thống George W. Bush cũng đã đóng cửa hàng trăm căn cứ ở nước ngoài. Vào năm 2012, chính quyền của ông Barack Obama đã triệu hồi hai lữ đoàn quân đội từ Đức, nhưng quyết định nhanh chóng bị đảo ngược sau khi bán đảo Crimea sáp nhập với Nga. Vào đầu năm nay, trước khi rời Nhà Trắng, ông Trump cũng đề xuất rút 12.000 binh sĩ Mỹ khỏi Đức. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đã bác bỏ điều này.

Giờ đây, với việc quân đội Mỹ đã rút hoàn toàn khỏi Afghanistan, giới phân tích cho rằng, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang tiếp tục nỗ lực hạn chế số lượng các căn cứ quân sự ở nước ngoài.

Nhưng chính quyền ông Biden gần đây đã tuyên bố, các lực lượng Mỹ sẽ tiếp tục đối phó với kẻ thù bằng cách thực hiện các cuộc không kích thông qua mạng lưới các căn cứ quân sự rộng lớn của Mỹ.

Nhật Bản, quốc gia láng giềng của Trung Quốc, là nơi Mỹ đặt nhiều căn cứ quân sự/cơ sở quốc phòng nhất. Hơn 53.000 lính Mỹ đồn trú tại 120 căn cứ quân sự ở quốc gia châu Á này.

Chỉ riêng đảo Okinawa đã chiếm 62% tổng số căn cứ của Mỹ tại Nhật Bản và bao phủ 25% toàn bộ hòn đảo. Trong số này có các căn cứ quân sự lớn như Futenma, Kadena, Hansen, Torii, Schwab, Foster và Kinser.

Tại Hàn Quốc, Mỹ có một số cơ sở quân sự nổi bật gồm trại Humphreys, nằm ở Pyeongtaek, phía nam Seoul; căn cứ Yongsan ở trung tâm Seoul, trại Walker ở phía đông nam thành phố Daegu, và hai căn cứ không quân ở Osan và Gunsan, phía nam Seoul.

Đức có 119 căn cứ quân sự của Mỹ, có khoảng 33.900 lính Mỹ. Căn cứ Không quân Ramstein mang tính biểu tượng ở Rhineland-Palatinate là một cơ sở quốc phòng đặc biệt chiến lược của Mỹ ở tại quốc gia châu Âu này, là nơi đã được sử dụng để thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) của Mỹ ở Pakistan, Yemen, Afghanistan và Somalia.

Các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc có thể có tầm quan trọng đặc biệt trong khuôn khổ chiến lược mới của Washington ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nhằm đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Trong số hơn 750 căn cứ, căn cứ tại Vịnh Guantanamo là một trong những cơ sở quân sự gây tranh cãi nhất của Mỹ sau vụ 11/9. Còn được gọi là "Gitmo", cơ sở này trước đây được xem như một trạm liên hợp hải quân và sau đó tiếp tục được sử dụng như một trung tâm hậu cần chính cho các tàu hải quân của Mỹ triển khai ở Caribê. Nó cũng đóng vai trò trung tâm chiến lược cho các hoạt động chống ma túy và các hoạt động ngăn chặn dòng người di cư.

Những thách thức pháp lý của Gitmo nảy sinh từ thực tế là nó do là căn cứ do Mỹ kiểm soát nhưng không nằm trên đất Mỹ. Nó cũng gây tranh cãi quanh việc Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và các nhân viên tình báo quân đội sử dụng các hình thức tra tấn để thu thập thông tin các tù nhân bị giam giữ ở đây.

Đã có những lời kêu gọi đóng cửa vĩnh viễn Gitmo kể từ những năm 2000, nhưng các chính quyền liên tiếp của Mỹ đã từ chối. Giờ đây, chính quyền Tổng thống Biden đã đưa ra đánh giá quan trọng về căn cứ này và có thể sẽ sớm đưa ra kế hoạch đóng cửa Gitmo.

Trong khi đó, Trung Quốc chỉ vận hành một căn cứ quân sự ở Djibouti. Tuy nhiên, căn cứ này được tin là đủ lớn để hỗ trợ các tàu sân bay, động thái khiến Washington lo ngại.