1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Tiếng Anh thống trị thế giới

(Dân trí) - Trong thời đại của công nghệ và toàn cầu hoá, tiếng Anh ngày càng thống trị thế giới mà không một thứ tiếng nào có thể làm được. Giờ đây, một số nhà ngôn ngữ còn cho rằng, tiếng Anh có thể không bao giờ bị phế truất khỏi ngôi vị vua của các ngôn ngữ.

Tiếng Anh sẽ chết theo thời gian?

 

Không ít người khẳng định sự tiến hoá ngôn ngữ sẽ tiếp diễn tự nhiên qua nhiều thế kỷ và tiếng Anh cuối cùng cũng có thể chết như chuyện đã xảy ra với các ngôn ngữ từng rất thông dụng trước đây như Latin, tiếng Phạn…

 

Nicholas Ostler, hiện đang viết lịch sử tiếng Latin và là tác giả cuốn lịch sử ngôn ngữ mang tựa đề “Đế chế của Ngôn từ”, nói: “Trở lại châu Âu thế kỷ 15, tương lai của tiếng Latin hoàn toàn sáng sủa. Nếu bạn ở vào thể kỷ 20, tương lai của tiếng Anh cũng hoàn toàn sáng sủa”. Nicholas ám chỉ sự suy tàn của tiếng Anh tương tự như tiếng Latin.

 

Thái độ hoài nghi này dường như chỉ là quan điểm của một số ít người. Các chuyên gia tiếng Anh giống như David Crystal, tác giả cuốn “Tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu” cho biết, thế giới đã thay đổi mạnh mẽ tới nỗi lịch sử không còn là người dẫn đường.

 

David Crystal nói: “Đây là lần đầu tiên chúng ta thực sự có một ngôn ngữ được sử dụng bởi tất cả các nước trên thế giới. Không có tiền lệ nào giúp đoán trước điều gì sẽ xảy ra trong tương lai”.

 

Luôn giữ ngôi vị thống lĩnh

 

Tiếng Anh thống trị thế giới trong một cách mà không ngôn ngữ nào trước đó làm được. Khi thiên niên kỷ mới bắt đầu, các nhà học giả ước tính khoảng ¼ dân số thế giới có thể giao tiếp ở một chừng mực nào đó bằng tiếng Anh.

 

Tiếng Anh là ngôn ngữ thông dụng trong hầu hết các lĩnh vực, từ khoa học, kiểm soát lưu không, tới thánh chiến Hồi giáo - nơi tiếng Anh hiển nhiên là phương tiện thông tin giữa những người nói tiếng Ảrập với phần còn lại của thế giới.  

 

Ngày nay, ngôi vị thống lĩnh của tiếng Anh càng được củng cố khi nó là ngôn ngữ của Internet, nơi 80% thông tin của thế giới được lưu giữ bằng tiếng Anh. Vẫn có những người nói tiếng bản ngữ như tiếng Anh, Tây Ban Nha, Hindi, nhưng họ sử dụng tiếng Anh khi giao lưu văn hoá và dùng tiếng Anh để giáo dục con em họ trở thành công dân của một thế giới đang ngày càng gắn kết.

 

Mark Warschauer, chuyên gia về giáo dục và tin học tại Đại học tổng hợp Irvine, bang California (Mỹ) cho biết, ở một số nơi, tiếng Anh đã chiếm lĩnh thị trường lao động cùng với nền kinh tế toàn cầu. Chẳng hạn như một số công ty Thuỵ Điển sử dụng tiếng Anh tại nơi làm việc mặc dù họ là người Thuỵ Điển, bởi phần lớn công việc của họ có liên quan tới Internet và các nguồn thông tin khác với thế giới bên ngoài.

 

Chia nhỏ thành các ngôn ngữ Anh - Englishes

 

Theo các chuyên gia ngôn ngữ, khi tiếng Anh tiếp tục phát triển, nó sẽ tách nhỏ thành một gia đình của tiếng địa phương và sau đó có thể trở thành những ngôn ngữ đủ lông đủ cánh, được gọi là “các ngôn ngữ Anh” (Englishes). Ví dụ điển hình cho giả thuyết này là tiếng Anh địa phương tại Singapore, Nigeria, vùng Caribe. Tại vùng biên giới giữa Mỹ và Mexico, tiếng lai của tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha được sử dụng rất phổ biến.

 

Nhưng không giống như Latin và các ngôn ngữ thông dụng trước đây, hầu hết các học giả đều nói rằng thay vì biến mất, tiếng Anh dường như vẫn sống ở một dạng ngôn ngữ quốc tế được đơn giản hoá, được gọi đó là tiếng toàn cầu (Globish) hay Tiếng Anh chuẩn của thế giới - song song với con đẻ là các dạng tiếng Anh địa phương.

 

Cựu phó giám đốc của IBM tại Mỹ Jean-Paul Nerrière - một người Pháp, nói: “Có quá nhiều từ trong tiếng Anh”. Jean đề xuất một phiên bản Globish riêng chỉ có khoảng 15.000 từ được sử dụng cho những người không phải là người bản xứ.

 

Và khi một dạng tiếng Anh toàn cầu đơn giản nổi lên, 2 dạng tiếng Anh khác nhau được nói tại Anh và Mỹ cũng trở thành tiếng lóng địa phương - cùng với các phiên bản tại Singapore và Philippines.

 

Chuyên gia Mark Warschauer cho biết: “Tiếng Anh và toàn cầu hoá đã trải rộng cùng nhau khắp thế giới. Có một ngôn ngữ toàn cầu bám chặt lấy toàn cầu hoá và toàn cầu hoá đã củng cố ngôn ngữ toàn cầu”. Quá trình đó đã bắt đầu với sự thống trị của 2 đế chế nói tiếng Anh thành công là Anh và Mỹ, và tiếp tục tới ngày nay với đế chế ảo mới, đó là Internet.

 

Mặc dù tiếng Trung Quốc và các ngôn ngữ khác đang tăng đáng kể thị phần trên Internet, tiếng Anh vẫn duy trì là ngôn ngữ thông dụng nhất.

 

Việc dạy tiếng Anh cũng trở thành một ngành công nghiệp trị giá hàng triệu USD, với 1/3 dân số thế giới sẽ nhanh chóng đổ xô đi học tiếng Anh. Theo số đông dự đoán, trong lương lai sẽ có khoảng 400 triệu người nói tiếng Anh bản địa, 300-500 triệu coi đó là ngôn ngữ thứ 2 và khoảng 750 triệu coi đó là một ngoại ngữ.

 

Mỹ - nơi tiếng Anh được sử dụng nhiều nhất, cũng chỉ chiếm 20% số người nói tiếng Anh của thế giới. Chỉ riêng tại châu Á đã khoảng 350 triệu người nói tiếng Anh, tương đương với tổng dân số nói tiếng Anh tại Mỹ, Canada và Anh cộng lại.

 

Vì thế, tiếng Anh không còn thuộc về những người bản địa mà thuộc về thế giới, giống như bóng đá - môn thể thao được ưa chuộng trên toàn thế thế giới nhưng ngày nay không còn gắn liền với nguồn gốc của nó là nước Anh.

 

VTH

Theo International Herald Tribune