1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt
  3. Chính quyền Trump 2.0
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Tiền lệ xấu

(Dân trí) - Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang khoét rộng vết nứt trong không gian hậu Xô Viết vốn xưa nay thuộc ảnh hưởng của Nga. Mặc dù những tác động của phương Tây ở khu vực vẫn rất hạn chế, song không thể phủ nhận xu hướng này đang ngày càng tăng lên.

Cuộc khủng hoảng tại
Ukraine đang tạo ra tiền lệ nguy hiểm với cả Nga và phương Tây.
Cuộc khủng hoảng tại Ukraine đang tạo ra tiền lệ nguy hiểm với cả Nga và phương Tây.

Dù muốn dù không, cuộc khủng hoảng ở Ukraine - mà đặc biệt là tại nước Cộng hòa tự trị Crimea - đang tạo ra hai xu hướng chuyển động rõ rệt trong khu vực không gian hậu Xô Viết với một bên là các nước và vùng lãnh thổ muốn tham gia Liên minh Hải quan do Nga đứng đầu, và bên kia là các nước muốn hướng về phương Tây do Mỹ và EU lãnh đạo.

Nhóm đầu tiên là Armenia, Belarus và Cộng hòa tự trị Crimea thuộc Ukraine.

Trong 3 nước này, bán đảo Crimea thể hiện quyết tâm mạnh mẽ nhất khi Quốc hội nước này đã thông qua quyết định sẽ tổ chức trưng cầu dân ý vào ngày 16/3 để ly khai khỏi Ukraine và sáp nhập vào Nga.

Với những gì đã và đang diễn ra ở Crimea thời gian qua, không khó để đoán biết kết quả lựa chọn cuối cùng của người dân trên bán đảo này, nhất là khi nơi đây có gần 60% dân số là người gốc Nga và hầu hết đều cho rằng sáp nhập vào Nga là cứu cánh để tránh một tương lai bất định nếu vẫn tiếp tục ở lại với Ukraine.

Không cùng tình cảnh như Crimea song Armenia và Belarus cũng đang nhất mực hướng về nước Mátxcơva với tâm điểm là việc gia nhập Liên minh Hải quan do Nga đứng đầu.

Đối với hai quốc gia cộng hòa này, Liên minh Hải quan là chiếc ô bảo trợ lớn nhất không chỉ giúp củng cố các mối quan hệ thương mại gắn kết chặt chẽ với Nga, mà còn đem lại sự bảo vệ vững chắc từ chú gấu Nga trước nguy cơ xảy ra bất ổn như ở Ukraine hiện nay.

Tuy nhiên, nhóm nước thứ hai lại có quan điểm hoàn toàn ngược lại, khi họ coi Nga là một mối đe dọa tiềm tàng và là nhân tố có thể gây bất ổn trong nước.

Điển hình trong số này là chính phủ tạm quyền Ukraine hiện nay, những người đã lật đổ chính thể hợp hiến thân Nga của Tổng thống Viktor Yanukovych và đang phải đau đầu lo giữ Crimea.

Trong những quyết định đầu tiên sau khi lên nắm quyền, các nhà lãnh đạo lâm thời ở Kiev đã thẳng thừng loại bỏ sự ảnh hưởng đã “ăn sâu, bám rễ” của Nga thông qua việc ngả sang hợp tác với phương Tây và cấm sử dụng tiếng Nga như quốc ngữ thứ hai. Trong thông báo mới nhất, chính phủ tạm quyền Ukraine cũng đã thông báo sẽ ký thỏa thuận liên kết với Liên minh châu Âu (EU) vào trung tuần tháng này, có thể tại cuộc họp cấp bộ trưởng EU ngày 17/3 hoặc cuộc họp thượng đỉnh ngày 21/3.

Ở phía bờ Đông Biển Đen và nằm tại điểm nối Đông Âu - Tây Á, Gruzia cũng đang ráo riết chuẩn bị cho kịch bản tiến lại gần hơn với phương Tây để có thể nhận được sự bảo vệ lớn hơn trong tương lai.

Từng đụng độ Nga trong cuộc chiến 5 ngày năm 2008 và từ lâu phải đối mặt với những thách thức ở hai nước cộng hòa Nam Ossetia và Abkhazia đã ly khai, các nhà lãnh đạo Tbilisi thấu hiểu hơn ai hết nguy cơ “mất trắng” Cộng hòa tự trị Crimea của chính phủ lâm thời Ukraine, cũng như những cái giá mà Kiev sẽ phải trả cho việc quay lưng lại với Nga để hướng sang phía Tây. Chính vì thế, nhân cuộc khủng hoảng tại Ukraine, chính quyền Tbilisi đã kêu gọi EU đưa ra lộ trình rõ ràng cho tất cả các nước trong việc trở thành thành viên của khối.

Trong khi đó, quốc gia láng giềng của Ukraine là Moldova cũng đang “nóng như lửa đốt” trước tương lai có thể bị mất tỉnh ly khai Transdniestria mà Nga cũng có ảnh hưởng rất lớn. Trong chuyến thăm Mỹ ngày 3/3, Thủ tướng nước này Iurie Leanca đã không ngần ngại so sánh tình hình ở bán đảo Crimea với tỉnh Transdniestria khi mở màn các cuộc thảo luận về hội nhập với phương Tây. Ông Leanca quan ngại một ngày nào đó, Moldova cũng sẽ bị “hụt” mất một phần lãnh thổ giống như Gruzia hay Ukraine.

Những động thái trái chiều này cho thấy đang có một sự phân cực rõ rệt trong không gian hậu Xô Viết. Khi sự phân cực càng lớn, hệ lụy sẽ càng nhiều đối với tất cả các bên.

Với Nga, hậu quả nhãn tiền nhất là việc nước này bị thu hẹp vùng ảnh hưởng. Thay vì có 6 quốc gia Đông Âu làm vùng đệm ngăn với châu Âu thì nay Mátxcơva chỉ còn lại 2 quốc gia và 3 vùng tự trị. Chủ nghĩa khủng bố ở Bắc Cacasus, một khu vực mà Nga không còn khả năng kiểm soát, cũng sẽ được dịp trỗi dậy.

Cùng với đó, Nga sẽ phải căng sức nhiều hơn để đối phó với phương Tây khi đường biên giới của EU dịch chuyển về gần Nga hơn. Thật khó hình dung nước Nga sẽ phải đối phó như thế nào khi Mỹ và NATO lắp đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở các vị trí chỉ cách các trung tâm quan trọng trên lãnh thổ Nga khoảng … 1.000 km.   

Trên mặt trận kinh tế, Nga sẽ để tuột mất một trong những thị trường xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt quan trọng nhất của mình. Theo thống kê, hầu hết khí đốt và hơn 80% số dầu thô cùng các sản phẩm dầu mỏ của Nga có đích đến là châu Âu. Nếu để mất thị trường này, Nga cũng tự chặt đi nguồn thu lớn nhất cho ngân sách liên bang, vốn chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp năng lượng. Đó là chưa kể những kế hoạch của Tổng thống Vladimir Putin như thành lập Liên minh Hải quan, Liên minh Á- Âu và các dự án quy mô quốc tế khác cũng sẽ có nguy cơ sụp đổ.

Trên mặt trận ngoại giao, Mátxcơva tiếp tục bị đẩy vào thế cô lập hơn ngay tại “sân nhà”, trong khi vai trò nước lớn của Nga như một trung gian hòa giải quốc tế sẽ bị thui chột. Không chỉ tạo ra không khí đối đầu trong khu vực, quan hệ của Nga với các nước lớn cũng sẽ đi vào băng giá. Không loại trừ một cuộc chiến tranh lạnh có thể sẽ lại hình thành.

Trong khi đó, với các nước thuộc không gian hậu Xô Viết, hậu quả đầu tiên là nhiều chính quyền bị xé lẻ và không bảo vệ được toàn vẹn lãnh thổ. Các vùng tự trị ở nhiều nước sẽ nhân dịp này để đẩy mạnh các hoạt động chống đối, ly khai. Kết quả là các nước sẽ phải đối mặt với tình trạng chính trị bất ổn, kinh tế bấp bênh, xã  hội tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định.

Ở bình diện lớn hơn, các nước này sẽ tiếp tục trở thành con tốt trên bàn cờ chính trị của các nước lớn hoặc trở thành mặt trận để các bên thi thố tài năng và tìm cách tranh giành ảnh hưởng.

Còn với phương Tây, tương lai cũng không có gì sáng sủa khi “lục địa già” sẽ ngay lập tức phải đối mặt với tình trạng thiếu thốn năng lượng sưởi ấm trong mùa đông giá rét do mất nguồn cung từ Nga.

Theo số liệu của Cơ quan thống kê châu Âu (Eurostat), Nga hiện đang cung cấp khoảng 1/3 số khí đốt của châu Âu, 1/3 số dầu mỏ và 1/4 số than đá. Nếu quan hệ hai bên căng thẳng, “lục địa già” sẽ không thể tìm ra ngay nguồn cung đủ lớn để bù đắp số thiếu hụt, ngay cả khi Mỹ thông qua dự luật cho phép xuất khẩu dầu thô sang châu Âu.

Bên cạnh đó, do Mỹ và các nước thành viên EU có lợi ích hợp tác với Nga khác nhau nên việc trừng phạt Nga như thế nào cũng sẽ là một bài toán nan giải, thậm chí có thể gây mâu thuẫn giữa Mỹ với EU hay giữa các nước thành viên EU với nhau.

Đơn cử, trong khi Mỹ - quốc gia đầu trò trong cuộc chơi chống lại Nga - chưa lọt vào top 10 đối tác thương mại lớn nhất của Nga và thiệt hại nếu có cũng không đang kể, thì nền kinh tế lớn nhất EU là Đức lại rất dễ bị tổn thương. Đức không chỉ bị mất đi nhà cung cấp năng lượng lớn nhất, thị trường nhập khẩu ô tô lớn thứ tư của mình, mà còn bị ‘bay hơi” khoảng 300.000 việc làm cùng 76 tỷ USD kim ngạch song phương với Nga.

Những khác biệt về mức độ thiệt hại do “nghỉ chơi” với Nga cũng được ghi nhận ở nhiều nước thành viên khác của EU.

Tất nhiên, các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga có thể khiến hàng hóa của nước này “bị cảm lạnh” một thời gian trên thị trường châu Âu, song nền kinh tế Đức và nhiều nước EU khác sẽ bị “chết cóng” ít nhất  trong suốt mùa đông này. Trong khi đó, với Mỹ, lệnh trừng phạt Nga tuy không gây thiệt hại nhiều về kinh tế song lại khiến Washington mất đi một chỗ dựa quan trọng trong nhiều hồ sơ nóng quốc tế khác như Iran, Syria, Triều Tiên và gần nhất là cuộc chiến tại Afghanistan.  

Ngoài những khó khăn kinh tế trực tiếp khi đối đầu với Nga, việc dang tay đón Ukraine và tới đây cả một số quốc gia khác thuộc không gian hậu Xô Viết còn khiến EU chịu thêm nhiều gánh nặng tài chính khác. Chưa thoát khỏi khủng hoảng nợ công, nhưng nay EU sẽ phải gồng mình gánh thêm các khoản cứu trợ không nhỏ, ước tính lên tới hàng chục tỷ USD, cho các nước muốn từ bỏ Nga để liên kết chặt chẽ hơn với châu Âu. Mặc dù phương Tây đã lên kế hoạch cho việc khiến các nước này phải phụ thuộc nhiều hơn vào người cho vay tiền, cả về kinh tế và chính trị, song hẳn Brussels cũng chẳng thể rủng rỉnh tiền nong đến mức có thể vung tiền cho vay theo yêu cầu của các con nợ đang ngấp nghé bờ vực phá sản.

Xét trên mọi góc độ, cuộc khủng hoảng Ukraine và xu hướng phân cực ở không gian hậu Xô Viết hiện nay đang đem lại nhiều hệ lụy cho tất cả các bên. Không thể phủ nhận một thực tế rằng, sức hút từ phương Tây đối với một số nước trong khu vực này đang ngày càng lớn, đồng nghĩa với việc phạm vi ảnh hưởng của Nga bị thu hẹp dần. Tuy nhiên, nếu nhìn vào bức tranh lớn hơn, xu hướng này sẽ chẳng đem lại lợi ích cho bất kỳ bên nào, nếu không muốn nói còn tạo tiền lệ xấu trong việc lợi dụng các chiêu bài dân chủ để đẩy mạnh hành động can dự vào những vùng lợi ích chiến lược.  

Lịch sử ngoại giao thế giới đã cho thấy, khi cần bảo vệ lợi ích của mình, các nước lớn sẵn sàng mặc cả trên lưng các nước nhỏ. Nhưng điều quan trọng hơn là những lợi ích của các nước lớn không phải là thứ bất biến. Do đó, nếu không tỉnh táo, các nước nhỏ sẽ mãi chỉ là những “con tốt” trên bàn cờ và khi không còn nhiều giá trị để sử dụng, chúng sẽ bị “xe, pháo” của nước lớn nhấn chìm.

Đức Vũ