Tiêm kích F-35 có thể trở thành nạn nhân khi Trung Quốc “vũ khí hóa” đất hiếm
(Dân trí) - Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang và truyền thông Bắc Kinh cảnh báo có thể cấm bán đất hiếm cho Washington, các dự án sản xuất vũ khí tiên tiến của Mỹ, trong đó có chương trình máy bay chiến đấu F-35, có thể trở thành nạn nhân của cuộc chiến này.
Trong cuộc phỏng vấn với CCTV News, một quan chức thuộc cơ quan kế hoạch kinh tế Trung Quốc cảnh báo các sản phẩm sử dụng tài nguyên đất hiếm của Trung Quốc không nên được sử dụng để chống lại sự phát triển của Trung Quốc.
Nếu Trung Quốc cấm bán đất hiếm thì hàng loạt các dự án sản xuất máy bay chiến đấu F-35, tàu chiến, tên lửa tiên tiến của Mỹ sẽ bị ảnh hưởng.
Sau đó, tờ Nhân dân Nhật báo, tờ báo thuộc quản lý của đảng Cộng sản Trung Quốc, ngày 29/5 tiếp tục cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể tìm cách sử dụng vị thế như một nhà sản xuất đất hiếm hàng đầu thế giới để đối phó khi chiến tranh thương mại leo thang dồn dập.
“Mỹ đừng đánh giá thấp khả năng phản kháng của Trung Quốc. Liệu đất hiếm có trở thành vũ khí để Trung Quốc phản đòn lại áp lực mà họ đặt lên Bắc Kinh không vì lý do nào cả không? Đừng nói là chúng tôi chưa cảnh báo trước!”, tờ báo viết.
Những động thái trên cho thấy Trung Quốc dường như đe dọa Mỹ về khả năng sẽ cắt nguồn cung đất hiếm và điều này có thể ảnh hưởng tới hàng loạt dự án chế tạo, sản xuất vũ khí của Washington bao gồm tên lửa và máy bay tàng hình.
Đất hiếm đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất các hệ thống phòng không. Ví dụ, tàu ngầm tấn công nhanh năng lượng hạt nhân lớp Virginia của hải quân Mỹ cần 4,6 tấn kim loại đất hiếm để chế tạo. Trong khi đó, tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke cần 2,6 tấn.
Các nhà thầu quốc phòng như Raytheon và Lockheed Martin sử dụng kim loại đất hiếm để chế tạo các hệ thống dẫn đường và cảm biến cho tên lửa và các nền tảng quân sự khác.
Theo Asia Times, mỗi chiếc F-35 Lightning II thuộc chương trình chế tạo máy bay chiến đấu thế hệ 5 của Mỹ, vũ khí nhằm “nắn gân” Trung Quốc, cần 0,46 tấn kim loại đất hiếm. Cũng theo trang tin trên, Mỹ vào lúc này gần như chưa có khả năng để sản xuất các nguyên liệu đất hiếm.
Vì thế, truyền thông Trung Quốc gợi ý rằng Bắc Kinh nên trả đũa chương trình quốc phòng của Mỹ nhất là trong bối cảnh Trung Quốc cung cấp tới 80% nguyên liệu đất hiếm cho Mỹ, theo Bloomberg.
“Đất hiếm là sản phẩm đặc biệt nằm ở thị trường ngách và rất quan trọng với Bộ Quốc phòng Mỹ”, chuyên gia Simon Moores, giám đốc tổ chức Benchmark Mineral Intelligence (Mỹ) cho biết.
“Đất hiếm rất cần thiết cho quá trình sản xuất, vận hành, bảo trì các vũ khí quân sự Mỹ”, một báo cáo năm 2016 của Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ viết.
Nếu Trung Quốc quyết định sử dụng phương thức này gây áp lực cho Mỹ, nó có thể tạo ra những hệ quả phức tạp và ảnh hưởng trực tiếp tới kế hoạch chế tạo, bổ sung vũ khí quốc phòng của Mỹ cũng như khiến tiến độ một số chương trình đắt đỏ như F-35 có thể tiếp tục bị chậm và đội giá lên cao hơn.
Đức Hoàng
Theo Business Insider