1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Thụy Điển sẵn sàng dùng vũ lực chống lại tàu ngầm lạ

(Dân trí) - Người đứng đầu các lực lượng vũ trang Thụy Điển ngày 21/10 tuyên bố nước này có thể sử dụng vũ lực để đưa ra ánh sáng một tàu ngầm mini được cho là của Nga mà hải quân Thụy Điển đã truy lùng suốt vài ngày qua.

Tướng Sverker Goranson.

Tướng Sverker Goranson.
 
Các tàu chiến, tàu quét thủy lôi, trực thăng và hơn 200 binh sĩ đã được triển khai để rà soát một khu vực cách thủ đô Stockholm khoảng 30-60 km kể từ ngày 17/10 sau các thông báo về sự xâm nhập của một "vật thể do con người chế tạo" dưới biển.

Tổng tư lệnh quân đội Thụy Điển, Tướng Sverker Goranson, ngày 21/10 cho hay có "hành động dưới nước đáng ngờ" ngoài khơi Stockholm và ông sẵn sàng sử dụng vũ lực để buộc tàu ngầm bí ẩn phải nổi lên mặt nước.

Thụy Điển đã công bố một bức ảnh về một vật thể được được cho là một tàu ngầm mini hôm 19/10.

"Giá trị quan trọng nhất của chiến dịch - dù có tìm thấy gì hay không - là gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng Thụy Điển và các lực lượng vũ trang nước này đang hành động và sẵn sàng hành động khi chúng tôi nghĩ có hành động vi phạm biên giới", Tướng Goranson nói.

"Mục đích của chúng tôi giờ đây là buộc vật thể lạ nổi lên... bằng vũ lực, nếu cần", ông Goranson nhấn mạnh.

Bất chấp các đồn đoán rằng "hoạt động lạ" là một tàu ngầm của Nga và sự hiện diện của một tàu chở dầu của Nga ngoài khơi vùng biển Thụy Điển kể từ khi chiến dịch tìm kiếm bắt đầu, giới chức Thụy Điển chưa từng nhắc tới Nga trong các bình luận của họ.

Nga đã bác bỏ sự hiện diện của các tàu ngầm nước này trong khu vực, và cho rằng đó là tàu Hà Lan. Tuy nhiên, Hà Lan đã bác bỏ thông tin của Mátxcơva.

Khó định vị tàu ngầm

"Chúng tôi chưa phát hiện bất kỳ tàu ngầm nào", Tướng Goeranson cho hay, nói thêm rằng việc tìm kiếm các tàu ngầm là cực kỳ khó.

"Chúng tôi chưa thành công trong quá khứ và cũng không nước nào khác thành công", ông Goeranson nói.

Tuy nhiên, ông Goeranson tuyên bố chiến dịch quân sự quy mô lớn - vốn tập trung vào đảo Ingaroe, cách Stockholm chỉ 30 km - sẽ tiếp tục chừng nào có thể.

Trong hơn 1 thập niên truy lùng các tàu ngầm của Nga vào những năm 1980 và 1990, Thụy Điển chưa từng thành công trong việc bắt giữ một tàu nào, ngoại trừ một tàu bị mắc cạn vào năm 1981 cách một trong những căn cứ hải quân lớn nhất của Thụy Điển chỉ vài km, gây ra một cuộc đối đầu ngoại giao gây lúng túng cho Nga.

Căng thẳng đã gia tăng quanh Biển Baltic kể từ khi chiến dịch quân sự của Thụy Điển bắt đầu. Ngoại trưởng Latvia Edgars Rinkevics gọi đó là một nhân tố "thay đổi cuộc chơi" tiềm tàng cho an ninh khu vực.

Còn Thủ tướng Lithuania Algirdas Butkevicius nói rằng một hành động đáng ngờ của Nga là "cảnh báo đối với các quốc gia Baltic và vùng Scandinavia".

"Giờ đây các quốc gia EU phải đoàn kết. Chỉ có đoàn kết chúng ta mới có thể đối phó với các mối đe dọa và thách thức", ông Butkevicius nói.

An Bình
Theo AFP