1. Dòng sự kiện:
  2. Xung đột leo thang tại Trung Đông
  3. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  4. Xung đột leo thang ở Trung Đông

Thủ tướng Thụy Điển bị phế truất

(Dân trí) - Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven hôm nay 25/9 đã bị Quốc hội nước này phế truất sau khi không đạt được số phiếu cần thiết trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm.

Ông Stefan Lofven (Ảnh: Reuters)
Ông Stefan Lofven (Ảnh: Reuters)

BBC đưa tin, trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm ngày 25/9 tại Quốc hội, Thủ tướng Lofven của đảng Dân chủ Xã hội và chính phủ của ông chỉ nhận được 142 phiếu ủng hộ và 204 phiếu chống. Như vậy, ông Lofven đã bị bãi nhiệm.

Diễn biến này diễn ra trong bối cảnh cuộc bầu cử toàn quốc của nước này kết thúc hồi đầu tháng 9 với kết quả “quốc hội treo” do liên minh trung tả của ông Lofven đạt 144/349 ghế, chỉ hơn liên minh trung hữu duy nhất 1 ghế. Không liên minh nào có đủ trên 50% số ghế trong Quốc hội.

Quốc hội Thụy Điển sẽ bầu ra lãnh đạo mới, quá trình có thể kéo dài trong vài tuần tới. Ông Lofven được cho là vẫn sẽ giữ chức Thủ tướng cho đến khi người kế nhiệm ông được công bố.

Theo giới quan sát, vị trí Thủ tướng mới rất có thể sẽ là ông Ulf Kristersson, lãnh đạo đảng Trung dung thuộc phe trung hữu. Trước đó, ông Andreas Norlen, một thành viên của đảng Trung dung đã được bầu trở thành tân Chủ tịch Quốc hội Thụy Điển với sự ủng hộ của đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển, chính đảng lớn thứ 3 trong Quốc hội mới. Chính ông Nolen là người đã tổ chức bỏ phiếu bất tín nhiệm với chính phủ của ông Lofven.

Ông Lofven là lãnh đạo của đảng Dân chủ Xã hội, nắm quyền từ năm 2014. Đây vẫn là chính đảng lớn nhất trong Quốc hội, nhưng liên minh của họ đã bị mất một lượng lớn phiếu bầu trong cuộc bầu cử vừa qua.

Tuy nhiên, cục diện việc thành lập chính phủ mới tại Thụy Điển được đánh giá là không dễ dàng nhất là trong bối cảnh đảng Dân chủ chưa rõ sẽ hợp tác với đảng Trung dung hay đảng Dân chủ Xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Trong kịch bản nếu đảng Dân chủ Thụy Điển không thể bắt tay với bất cứ liên minh nào thì Quốc hội Thụy Điển vẫn tiếp tục ở trong tình trạng “quốc hội treo”. Khi đó, một cuộc tổng tuyển cử mới sẽ được tổ chức.

Ông Lofven tin rằng một cuộc bầu cử mới sẽ không phải là điều mà các cử tri mong muốn, vì vậy ông cho biết ông sẽ nỗ lực để thành lập một chính phủ mới trong bối cảnh nền chính trị Thụy Điển dường như đang có sự chia rẽ nhất định. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng ông sẽ không bao giờ ủng hộ một chính phủ phụ thuộc vào đảng Dân chủ Thụy Điển.

Cục diện chính trị Thụy Điển sau bầu cử 9/9: Liên minh trung tả của đảng Dân chủ Xã hội mất 15 ghế, trong khi liên minh trung hữu của đảng Trung dung mất 14 ghế. Đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển có thêm 13 ghế so với năm 2014. (Đồ họa: BBC)
Cục diện chính trị Thụy Điển sau bầu cử 9/9: Liên minh trung tả của đảng Dân chủ Xã hội mất 15 ghế, trong khi liên minh trung hữu của đảng Trung dung mất 14 ghế. Đảng cực hữu Dân chủ Thụy Điển có thêm 13 ghế so với năm 2014. (Đồ họa: BBC)

Đức Hoàng

Theo BBC

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm