1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thủ tướng Nhật thị sát nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1

Thanh Thành

(Dân trí) - Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ có chuyến thị sát ngắn đến Nhà máy điện hạt nhân Fukushima từng bị trận siêu động đất - sóng thần tàn phá để kiểm tra tình trạng an toàn phóng xạ ở đây.

Thủ tướng Nhật thị sát nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 - 1

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tới thị sát Nhà máy điện Hạt nhân Fukushima ngày 17/10/2021 (Ảnh: Kyodo).

Theo các nguồn tin, ngay sau khi trở về từ hội nghị thượng đỉnh ba bên Mỹ-Nhật Bản-Hàn Quốc diễn ra tại trại David ở Mỹ, trong ngày 20/8, Thủ tướng Kishida đến thị sát Nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 1 để một lần nữa kiểm tra tình trạng lưu trữ nước làm mát tại đây, chuẩn bị cho kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra biển trong thời gian tới.

Đây là chuyến đi quan trọng nhằm nhấn mạnh sự an toàn của việc xả nước thải phóng xạ đã qua xử lý ra Thái Bình Dương, một kế hoạch gây chia rẽ mà chính phủ của ông muốn thực hiện sớm bất chấp các cuộc biểu tình phản đối ở trong và ngoài nước.

Trước khi rời Washington vào hôm 18/8, Thủ tướng Kishida cho biết đã đến lúc đưa ra quyết định về ngày xả nước đã qua xử lý, vốn chưa được ấn định do những tranh cãi xung quanh kế hoạch này.

"Chúng tôi đã đi đến giai đoạn cuối và chính phủ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên việc xem xét toàn diện các yếu tố, trong đó nỗ lực giảm thiểu tối đa tác động đối với ngư dân ở khu vực", ông Kishida nhấn mạnh.

Trong chuyến thăm của mình, Thủ tướng Kishida cũng đến thăm các cơ sở lọc và pha loãng nước thải, đồng thời gặp gỡ Chủ tịch Tomoaki Kobayakawa của Công ty điện lực Tokyo (TEPCO), vốn điều hành nhà máy, và các quan chức cấp cao khác.

Ngoài ra, Thủ tướng Kishida cũng sẽ gặp Chủ tịch Liên đoàn Hợp tác xã Nghề cá Quốc gia Masanobu Sakamoto để hiểu hơn nguyện vọng của người dân cũng như doanh nghiệp kinh doanh đánh bắt hải sản ở các địa phương liên quan.

Sau khi thăm nhà máy Fukushima, Thủ tướng Kishida sẽ tổ chức một cuộc họp giữa các bộ trưởng liên quan để đưa ra quyết định cuối cùng về thời điểm triển khai kế hoạch xả nước nhiễm phóng xạ đã qua xử lý ra đại dương.

Kể từ khi chính phủ công bố kế hoạch này từ 2 năm trước, nó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức đánh cá Nhật Bản, vốn lo ngại về thiệt hại nghiêm trọng cho an toàn hải sản của họ khi họ phải vật lộn để phục hồi sau thảm hỏa.

Các nhóm ở Hàn Quốc và Trung Quốc cũng đã bùng lên những lo ngại, biến nó thành một vấn đề chính trị và ngoại giao tranh cãi.

Nhật Bản đã nhận được sự hỗ trợ từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) để cải thiện tính minh bạch và độ tin cậy cũng như đảm bảo kế hoạch của nhà máy đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế. Chính phủ nước này cũng đã đẩy mạnh một chiến dịch thúc đẩy sự an toàn của kế hoạch ở trong nước và thông qua các kênh ngoại giao.

Hồi đầu tháng 7, IAEA công bố báo cáo cuối cùng cho rằng quá trình xả nước thải bị nhiễm phóng xạ đã qua xử lý này đáp ứng các tiểu chuẩn an toàn toàn cầu. IAEA cũng cho biết việc xả nước thải sẽ có tác động phóng xạ không đáng kể đối với con người và môi trường.

Mặc dù vậy, các ngư dân địa phương và quốc gia láng giềng vẫn lo ngại về chất lượng của các sản phẩm thủy sản.

Chính phủ của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol gần đây đã thể hiện sự ủng hộ đối với kế hoạch của Nhật Bản, nhưng ông phải đối mặt với những lời chỉ trích trong nước. Trong một cuộc họp báo chung tại Trại David, Yoon cho biết ông ủng hộ đánh giá an toàn của IAEA nhưng nhấn mạnh cần phải có sự kiểm tra minh bạch của cộng đồng quốc tế.

Theo AP