1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thủ tướng Đức kêu gọi tránh lệ thuộc Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi các công ty Đức đa dạng hóa hoạt động sản xuất, tránh phụ thuộc Trung Quốc.

Thủ tướng Đức kêu gọi tránh lệ thuộc Trung Quốc - 1

Thủ tướng Đức Angela Merkel (Ảnh: AFP)

Phát biểu tại sự kiện do Hội nghị Doanh nghiệp Đức ở châu Á - Thái Bình Dương tổ chức hôm 19/10, Thủ tướng Angela Merkel kêu gọi các công ty Đức đa dạng hóa sản xuất và “chiếm lĩnh” các thị trường mới tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Bà Merkel cho biết chính phủ Đức sẽ tiếp tục nỗ lực để cải thiện các điều kiện khung cho các doanh nghiệp.

Theo Thủ tướng Merkel, hiện 3/4 hàng hóa xuất khẩu của Đức ở châu Á là xuất sang khu vực Đông Á và một nửa trong số đó tới Trung Quốc.

Phát biểu của nhà lãnh đạo Đức được đưa vài ngày sau khi cuộc họp của 27 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) với nội dung thảo luận về Trung Quốc bị hủy do dịch Covid-19.

Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, gần đây đã khởi động chính sách Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Giới chức Đức cho biết chính sách này nhằm khuyến khích các doanh nghiệp tiếp cận các thị trường khác trong khu vực, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Cũng tại sự kiện có sự tham gia của Thủ tướng Merkel, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho rằng các công ty Đức nên đa dạng hóa các thị trường châu Á ngoài Trung Quốc để giảm bớt sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng duy nhất. Ông Altmaier đã chỉ ra “nút cổ chai” trong chuỗi cung ứng thiết bị y tế cho thị trường Đức từ đầu năm nay.

Tuy nhiên, một quan chức Đức gần đây nói rằng nước này không nhắm đến mục tiêu “tách rời” khỏi Trung Quốc. Thay vào đó, Đức muốn giành được “miếng bánh” lớn hơn tại châu Á, vì ở thời điểm hiện tại Đức vẫn phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc tại thị trường châu Á.

Trung Quốc luôn mong muốn lôi kéo EU về phía mình trong bối cảnh cạnh tranh kinh tế và địa chính trị với Mỹ ngày càng tăng. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc có sẵn sàng mở rộng việc tiếp cận thị trường theo yêu cầu của EU không trong bối cảnh các cuộc đàm phán về hiệp ước đầu tư giữa hai bên dự kiến hoàn tất trong năm nay.

Các nhà lãnh đạo khác của châu Âu, trong đó có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, cũng kêu gọi giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, lời kêu gọi này được đưa ra chỉ liên quan tới chuỗi cung ứng y tế trong bối cảnh đại dịch Covid-19, trong khi Thủ tướng Đức kêu gọi đa dạng hóa sản xuất toàn diện.

Điều phối viên của chính phủ Đức về quan hệ với Mỹ và Canada Peter Beyer hồi tháng 9 kêu gọi “châu Âu phải vai kề vai với Mỹ để đối mặt với thách thức to lớn của Trung Quốc” trong bối cảnh “cuộc Chiến tranh Lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã bắt đầu và sẽ định hình thế kỷ này”.

EU đang phải đối mặt với bài toán khó khăn về việc cân bằng mối quan hệ với cả Trung Quốc và Mỹ.

Châu Âu vẫn cần nguồn vốn dồi dào và các khoản đầu tư từ Trung Quốc để vực dậy các nền kinh tế đang chìm trong khó khăn tại khu vực này. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng khí hậu mà châu Âu quan tâm chỉ có thể được giải quyết nếu có sự tham gia của Trung Quốc, nước phát thải nhiều khí thải nhất thế giới.

Tuy nhiên, châu Âu cũng mâu thuẫn với Trung Quốc trong nhiều vấn đề, gần đây nhất là đại dịch Covid-19, bên cạnh các vấn đề khác như Hong Kong, gián điệp kinh tế hay tập đoàn viễn thông Huawei.

Mặc dù châu Âu xích lại gần Trung Quốc nhưng mối quan hệ với Mỹ vẫn được xem là nền tảng của một trật tự phương Tây do Washington dẫn đầu. Châu Âu, nơi có các đồng minh của Mỹ, vẫn cần Mỹ cũng như sự hỗ trợ của Washington trong nhiều lĩnh vực như suốt nhiều năm qua.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm