1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Đan Mạch bảo vệ Mỹ giữa "bão" chỉ trích từ Pháp

Thanh Thành

(Dân trí) - Thủ tướng Mette Frederiksen của Đan Mạch tuyên bố không đồng tình với những chỉ trích của Pháp và một số nước Liên minh châu Âu (EU) nhắm vào Mỹ xoay quanh thỏa thuận tàu ngầm với Australia.

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen_EPA

Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen (Ảnh: EPA).

Theo AFP, Thủ tướng Frederiksen cho rằng, Tổng thống Mỹ Joe Biden "rất chung thủy" với châu Âu, mặc dù Mỹ và Anh vừa khiến Pháp mất hợp đồng tàu ngầm trị giá hàng chục tỷ USD với Australia.

"Tôi nghĩ điều quan trọng cần phải nói đến là, khi các cuộc thảo luận đang diễn ra ở châu Âu ngay lúc này, tôi thấy ông Biden rất chung thủy với liên minh xuyên Đại Tây Dương", bà Frederiksen nói trong một cuộc phỏng vấn từ New York với nhật báo Politiken của Đan Mạch hôm 22/9.

Theo nữ Thủ tướng này, EU không nên biến những thách thức cụ thể, vốn sẽ luôn tồn tại giữa các đồng minh, thành điều gì đó không nên xảy ra.

Khi được hỏi liệu bà có hiểu những chỉ trích từ Paris và Brussels nhắm vào Washington hay không, nhà lãnh đạo Đan Mạch trả lời: "Không, tôi không hiểu điều đó, tôi không hiểu gì cả".

Đan Mạch lâu nay vẫn là một đồng minh thân cận của Mỹ. Nước này đã điều quân đến Iraq và Afghanistan hỗ trợ quân đội Mỹ và thường xuyên ưu tiên các cam kết của NATO đối với châu Âu về các vấn đề quốc phòng.

Theo nhà lãnh đạo Đan Mạch, chính quyền Tổng thống Biden đã đưa nước Mỹ rời xa chính sách đối ngoại cô lập. "Không có nghi ngờ gì về việc chính quyền ông Joe Biden đang khiến cho chính sách đối ngoại của Mỹ xa rời vị thế cô lập", bà nói, ám chỉ đến các chính sách "nước Mỹ trên hết" của cựu Tổng thống Donald Trump.

Thủ tướng Frederiksen nói thêm: "Washington một lần nữa trở lại đảm nhận vai trò lãnh đạo thế giới, một vai trò mà chỉ Mỹ mới có thể đảm nhận. Và nếu Mỹ không làm, không ai khác có thể thay thế".

Tuy nhiên, Thủ tướng Frederiksen khẳng định, điều đó không có nghĩa chính phủ Đan Mạch luôn đồng tình với Mỹ về mọi vấn đề.

Lập trường của Copenhagen trái ngược với quan điểm của các nước trong Liên minh châu Âu tại cuộc họp hôm 21/9 ở Brussels (Bỉ), nơi hầu hết các nhà ngoại giao châu Âu bày tỏ sự đoàn kết với Paris ngay cả khi một số nước khác lo ngại và cảnh báo về sự rạn nứt với Washington.