1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: “ASEAN có vững thì Việt Nam mới mạnh”

(Dân trí) - Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại Giao Bùi Thanh Sơn, vai trò kép mà Việt Nam đảm nhận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và ASEAN năm 2020 không những cho thấy uy tín của đất nước, mà còn thể hiện kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với năng lực và đóng góp của Việt Nam.

Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn: “ASEAN có vững thì Việt Nam mới mạnh” - 1

Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (Ảnh: Nguyễn Hồng/Thế giới & Việt Nam)

Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt với ngoại giao Việt Nam, khi lần đầu tiên Việt Nam cùng lúc đảm đương đồng thời 2 trọng trách là Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021.

Chia sẻ với báo chí về năm quan trọng này, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn cho hay đó là trách nhiệm nặng nề nhưng cũng nói lên sự trưởng thành vượt bậc của Việt Nam qua hơn 20 năm tham gia và đóng góp tích cực vào các diễn đàn đa phương, các tổ chức khu vực và quốc tế, các định chế toàn cầu. Mỗi lần đăng cai những hoạt động đa phương lớn đều đem lại nhiều lợi ích cho đất nước, trong đó có việc nâng cao uy tín, vị thế và tiếng nói quan trọng trên trường quốc tế.

Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn đã nhắc tới chỉ thị số 25 của Ban Bí thư tháng 6/2018, trong đó xác định Việt Nam cần chuyển từ “tham dự” sang “chủ động tham gia”, “tích cực đóng góp”, “xây dựng, định hình” các thể chế đa phương, nỗ lực vươn lên đóng vai trò “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải” phù hợp với khả năng và lợi ích của Việt Nam.

“Những trọng trách mà chúng ta sắp đảm nhiệm không những nói lên

Hội đồng Bảo an gồm 15 thành viên: 5 thành viên thường trực và 10 thành viên không thường trực. Là một trong 6 cơ quan chính của LHQ, HĐBA được các quốc gia thành viên trao trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Các quyết định và nghị quyết của HĐBA theo chương VII Hiến chương, khi đã được thông qua đều mang tính chất ràng buộc và tất cả các thành viên của LHQ đều có trách nhiệm phải tôn trọng và thi hành.

uy tín sẵn có của Việt Nam, mà còn thể hiện kỳ vọng của cộng đồng quốc tế đối với năng lực và đóng góp của nước ta trong những vấn đề chung của nhân loại,  nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới và các khu vực đang diễn biến phức tạp, bất ổn và khó lường”, ông nói.

Là một thành viên của HĐBA LHQ và là Chủ tịch luân phiên ngay trong tháng 1/2020, Việt Nam sẽ gánh vác trách nhiệm bảo đảm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, tham gia giải quyết nhiều vấn đề hệ trọng, phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nhiều quốc gia.

Theo Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn, trên cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, dự kiến Việt Nam sẽ tham gia tích cực vào các phiên thảo luận mở bàn về việc đề cao Hiến chương Liên Hợp Quốc trong duy trì hòa bình và an ninh thế giới cũng như một số vấn đề khác, thúc đẩy tìm kiếm giải pháp công bằng, thỏa đáng, đáp ứng quyền lợi chính đáng của tất cả các bên liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Việt Nam cũng sẽ chia sẻ các kinh nghiệm về tái thiết hậu xung đột, hòa giải dân tộc, tái thiết đất nước, hội nhập và phát triển, giải quyết hậu quả chiến tranh, giải quyết hậu quả bom mìn, thúc đẩy vai trò phụ nữ và trẻ em trong hòa bình, an ninh, thúc đẩy nỗ lực tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đây là những vấn đề Việt Nam đã có kinh nghiệm, đang tham gia tích cực và sẵn sàng chia sẻ với các nước.

ASEAN có vững thì Việt Nam mới mạnh

Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN từ ngày 1/1/2020. Với ASEAN, năm 2020 là năm bản lề quan trọng, kiểm điểm giữa kỳ triển khai các Kế hoạch Tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN trong 5 năm tới. Với Việt Nam, đây là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN. Chủ đề Năm Chủ tịch 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Chia sẻ về năm Chủ tịch ASEAN 2020, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho hay, ASEAN là mái nhà chung của 10 nước Đông Nam Á, vì vậy ASEAN có “vững” thì Việt Nam mới “mạnh”. Kề vai sát cánh cùng các nước ASEAN và các đối tác, Việt Nam sẽ góp phần nâng cao hơn nữa vai trò, vị thế, hiệu quả của ASEAN trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định và phồn vinh ở khu vực Đông Nam Á và trên thế giới.

Theo Thứ trưởng, các thách thức đối với ASEAN nhiều, đa dạng và rất phức tạp, từ môi trường thế giới và khu vực khó lường, kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, cạnh tranh nước lớn và các nguy cơ an ninh truyền thống và phi truyền thống đều gia tăng, cho đến những thách thức xuất phát từ nội khối, đặc biệt là khoảng cách phát triển giữa các nước, cũng như trong mỗi một nước thành viên, là việc duy trì đoàn kết, đồng thuận và duy trì vai trò trung tâm của ASEAN. 

Ông Bùi Thanh Sơn cho hay, để làm tròn các trọng trách trong năm Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã có sự chuẩn bị tích cực mọi mặt ngay từ sớm. Việt Nam vừa kế thừa, phát huy công việc của các nước chủ tịch trước, vừa phát huy tinh thần tích cực, chủ động, thể hiện vai trò của Việt Nam là một đối tác tin cậy, có trách nhiệm trong Cộng đồng ASEAN và cộng đồng quốc tế.

Việt Nam kiên trì các nguyên tắc nền tảng của ASEAN là đồng thuận, không can thiệp công việc nội bộ của nhau, tiệm tiến, tôn trọng các nguyên tắc, quy trình và phương thức hoạt động của ASEAN, nỗ lực tăng cường đoàn kết, đồng thuận và vai trò trung tâm của ASEAN, đồng thời phải nỗ lực đưa ASEAN vượt qua những thách thức, khó khăn, thích ứng và phát triển với môi trường khu vực và toàn cầu đang biến chuyển, đúng như chủ đề Năm Chủ tịch 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”.

Một trong những ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 2020 là đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững. Để thực hiện ưu tiên này, phương châm của Việt Nam là kết hợp hài hòa lợi ích của từng nước thành viên ASEAN, giữa ASEAN và các đối tác, xử lý hài hòa các vấn đề song phương và đa phương; phát huy điểm đồng, hạn chế khác biệt có thể gây đối đầu, chia rẽ.

"Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn là một thực tế, song chúng ta luôn xác định rõ: các nước càng cạnh tranh thì ASEAN nói chung và từng nước thành viên nói riêng, trong đó có Việt Nam càng phải độc lập, tự cường. Một minh chứng cụ thể cho cách tiếp cận này là trong năm 2019, Việt Nam đã cùng với Indonesia, Thái Lan và các nước thành viên khác thúc đẩy thông qua văn kiện “Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương”, thể hiện cách tiếp cận độc lập, cân bằng và khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN, được nhiều đối tác ủng hộ.

 Năm 2020, chúng ta sẽ tiếp tục cùng các bạn bè, đối tác củng cố và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình", Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh.

An Bình