1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng khẳng định Việt Nam đã khởi động công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN 2020 từ rất sớm và sẵn sàng đảm nhiệm cương vị quan trọng này.

Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020 - 1

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng, Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, chủ trì họp báo ngày 18/11. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Phát biểu tại cuộc họp báo quốc tế về năm Chủ tịch ASEAN ở Hà Nội sáng 18/11, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng - Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, cho biết Việt Nam đã lựa chọn chủ đề cho năm Chủ tịch ASEAN 2020 là “gắn kết và chủ động thích ứng”.

Về gắn kết, Việt Nam mong muốn củng cố khối đoàn kết thống nhất, nâng cao năng lực nội tại và thúc đẩy sự phát triển vững mạnh của Cộng đồng ASEAN, tăng cường liên kết khu vực, kết nối về kinh tế, đề cao ý thức cộng đồng và bản sắc của ASEAN, gắn bó người dân và lấy người dân làm trung tâm.

Khái niệm gắn kết đã được đề cập trong các văn kiện nền tảng của ASEAN như Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, bao gồm gắn kết về chính trị, gắn kết về kinh tế và gắn bó giữa các thể chế xã hội. Trong bối cảnh ASEAN đang chịu các tác động phức tạp đa chiều từ bên ngoài và đứng trước nhu cầu phát triển liên kết sâu rộng, nội hàm gắn kết ngày càng trở nên quan trọng hơn với Cộng đồng ASEAN.

Về chủ động thích ứng, Việt Nam mong muốn nâng cao năng lực của ASEAN để có thể thích ứng một cách chủ động và hiệu quả trước các biến động nhanh chóng của tình hình thế giới, trước các thách thức đang nổi lên như cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu, an ninh mạng, chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia… nâng cao khả năng tận dụng cơ hội và hạn chế thách thức do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại.

Chủ động thích ứng là một trong những nội hàm của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, lần đầu tiên được đưa vào chủ đề của ASEAN nhằm phản ánh nhu cầu nâng cao tính chủ động, sáng tạo, sự chuyển biến và khả năng vươn lên mạnh mẽ hướng về phía trước của ASEAN.

Gắn kết và thích ứng là hai thành tố có tính giao thoa, hỗ trợ chặt chẽ. Một cộng đồng ASEAN gắn kết và phát triển để chủ động thích ứng hiệu quả với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, chủ động thích ứng giúp cho ASEAN trở thành một khối gắn kết chặt chẽ.

5 ưu tiên của Việt Nam trong năm Chủ tịch ASEAN 

Theo Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng, với chủ đề trên, trong vai trò chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên.

Thứ nhất, phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực trên cơ sở tăng cường đoàn kết, thống nhất ASEAN, đẩy mạnh tinh thần gắn bó, tương trợ và ủng hộ lẫn nhau giữa các thành viên, nâng cao khả năng phối hợp thực hiện chung của ASEAN trong việc xử lý các vấn đề khu vực và quốc tế, thúc đẩy hình ảnh và tuân thủ các quy tắc, chuẩn mực ứng xử chung trong quan hệ giữa các quốc gia, ứng phó kịp thời, hiệu quả với các thách thức, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực.

Thứ hai, thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo đó, liên kết kinh tế sâu rộng và kết nối toàn diện trong nội khối và với các đối tác; thúc đẩy tăng trưởng bền vững và bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội trên nền tảng đổi mới, sáng tạo và ứng dụng công nghệ số, các công nghệ mới; tiếp tục thu hẹp khoảng cách phát triển, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng cường các tiện ích xã hội phục vụ người dân và nhóm yếu thế, đơn giản hóa nền hành chính công, xây dựng môi trường xanh.

Thứ ba, thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN, tạo dựng các giá trị chung của ASEAN và phổ biến rộng rãi cho người dân, thúc đẩy nhận thức, nhận diện về Cộng đồng ASEAN thống nhất trong đa dạng, nâng cao hình ảnh Cộng đồng ASEAN trong khu vực và trên thế giới.

Thứ tư, đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững với các nước trên thế giới, phát huy vai trò, đóng góp của ASEAN cho cộng đồng quốc tế, mở rộng và nâng tầm quan hệ với các đối tác trên toàn cầu, góp phần định hình cấu trúc và luật chơi mới của khu vực và thế giới.

Thứ năm, nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN, cải cách thể chế; tăng cường hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN, điều chỉnh, hoàn thiện và nâng cấp các quy trình, quy chuẩn trong ASEAN.

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng xác định khối lượng công việc mà Việt Nam phải đảm nhiệm trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 rất nhiều cả về nội dung lẫn công tác tổ chức, lễ tân, tuyên truyền.

Về quy mô, Việt Nam sẽ chủ trì, điều phối và tổ chức khoảng 300 hội nghị, hoạt động khác nhau, trong đó quan trọng nhất là hai dịp hội nghị cấp cao vào tháng 4/2020 và tháng 11/2020, Đại hội đồng lần thứ 41 Hội đồng liên nghị viện ASEAN vào tháng 8/2020, các hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao, các hội nghị Bộ trưởng của 3 trụ cột an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội, các hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Kinh tế tài chính, Môi trường, Giao thông vận tải và nhiều hội nghị cấp thứ trưởng và cấp làm việc để chuẩn bị nội dung cho các hội nghị trên.

Theo ông Nguyễn Quốc Dũng, xác định rõ trọng trách đặt ra, nên Việt Nam đã khởi động công tác chuẩn bị cho nhiệm kỳ chủ tịch ASEAN 2020 từ rất sớm với sự thành lập Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020 vào tháng 12/2018.

Công tác chuẩn bị về mọi mặt nội dung, lễ tân, vật chất hậu cần, tuyên truyền văn hóa, an ninh, y tế đã được khẩn trương triển khai. Việt Nam đồng thời cũng từng bước tiến hành tham vấn trong ASEAN và với các đối tác về nhiệm kỳ Chủ tịch nhằm tạo ra sự thống nhất, đồng thuận trong ASEAN để đưa vào triển khai trong thực tiễn.

“Về cơ bản hiện nay, Việt Nam đã sẵn sàng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, bắt đầu với sự kiện đầu tiên là Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN vào tháng 1/2010 tại Nha Trang”, Thứ trưởng Nguyễn Quốc Dũng cho biết.

Thành Đạt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm