1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Số phận các dự án "tai tiếng" của Trung Quốc tại Myanmar

(Dân trí) - Với việc đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi chuẩn bị lên cầm quyền tại Myanmar, Bắc Kinh được cho là đang hy vọng khởi động trở lại một số dự án hạ tầng cơ sở đã bị chính quyền mãn nhiệm của Tổng thống Thein Sein đình chỉ.

Số phận các dự án "tai tiếng" của Trung Quốc tại Myanmar - 1

Tổng thống Thein Sein và bà Aung Suu Kyi tại Naypyitaw - Myanmar ngày 2/12/2015. (Ảnh: AP)

Nhưng đây rõ ràng không phải là điều dễ dàng.

Bắc Kinh hy vọng sẽ thành công nhờ vào việc đã dành được thiện cảm của bà Aung San Suu Kyi. Tuy nhiên, theo giới quan sát, chính quyền mới Myanmar sẽ phải chịu sức ép nặng nề từ chính người dân vì họ muốn các dự án hạ tầng cơ sở ký kết với Trung Quốc phải được minh bạch hơn và đúng với chuẩn mực quốc tế hơn.

Theo hãng tin Singapore Chanel News Asia ngày 4/1/2016, một trong những vấn đề quan trọng đối với chính quyền mới của Myanmar là làm sao xử lý thỏa đáng các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc vốn bị cư dân địa phương phản ứng mạnh mẽ.

Điển hình là công trình thủy điện Myitsone ở bang Kachin, miền Bắc Myanmar. Năm 2011 công trình này đã bị đình chỉ vì bị người dân địa phương phản đối quyết liệt.

Hai dự án khác cùng chung số phận là các mỏ đồng Letpadaung và tuyến đường sắt Myanmar-Vân Nam, nối bờ biển phía tây của Myanmar với miền nam Trung Quốc

Số phận các dự án "tai tiếng" của Trung Quốc tại Myanmar - 2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp bà Aung Suu Kyi, Lãnh đạo đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, tại Bắc kinh ngày 11/6/2015. (Ảnh: lesechos.fr)

Bắc Kinh được cho là đang muốn tranh thủ cơ hội có chính quyền mới Myanmar để thúc đẩy trở lại các dự án bị đình chỉ và ký kết thêm hợp đồng mới. Tuy nhiên, theo giới quan sát, chính quyền Myanmar sẽ không thể được rộng tay trong các dự án do Trung Quốc tiến hành và đã bị tai tiếng.

"Một trong những yêu cầu của Trung Quốc có thể sẽ là sự khởi động trở lại dự án gây nhiều tranh cãi - đập Myitsone, nhưng bà Aung San Suu Kyi sẽ khó có thể đồng ý". Nhà phân tích Richard Horsey nhận định.

Đại diện xã hội dân sự tại Myanmar đang rất hy vọng chính quyền mới của đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ sẽ minh bạch hơn và không “lụy” người láng giềng khổng lồ.

Ông Khon Ja, điều phối viên mạng lưới Peace Kachin cho rằng Myanmar đã ký các hiệp định đầu tư song phương với khá nhiều quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan cũng như với Liên minh châu Âu (EU)... Trong bối cảnh đó, chính quyền càng cần chứng tỏ trách nhiệm bảo vệ lợi ích của dân chúng trong nước, chứ không phải là bảo vệ quyền lợi cho bên ngoài.

Ông Ko Ko Zaw, thành viên Ủy ban Giám sát ngừng bắn dân sự ở bang Môn, cho rằng đảng của bà Aung San Suu Kyi sẽ mất đi sự ủng hộ của người dân nếu cho phép hoạt động trở lại các dự án từng gây hại cho cư dân. Cũng theo ông Zaw, tân chính phủ Myanmar nên xem xét lại các dự án, giải thích rõ ràng cho người dân và chỉ cho phép các dự án được thực thi nếu được sự đồng ý của dân chúng.

"Gần đây đã có nhiều người tử nạn trong vụ sập mỏ ngọc bích Hpakant. Nếu chính quyền không thay đổi chính sách, chúng ta chắc sẽ phải chứng kiến nhiều vụ xung đột xảy ra giữa người dân với chính quyền địa phương". Nhà hoạt động xã hội Kai Ra cảnh báo.

Hiện nay Trung Quốc vẫn đứng đầu danh sách các nhà đầu tư quốc tế tại Myanmar. Tính đến tháng 11 năm 2014, Trung Quốc chiếm 27% tổng số các khoản đầu tư nước ngoài vào Myanmar. Ngoài ra, Myanmar lại có chung biên giới với Trung Quốc. Do vậy, vấn đề hệ trọng đối với Myanmar là chính quyền mới cần khéo léo xử lý quan hệ song phương với nước láng giềng khổng lồ này ra sao để không làm người dân nước mình thất vọng.

Quý Cao (theo RFI)