1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

"Thủ phủ" tỷ phú mới của châu Á

An Hoàng

(Dân trí) - Thủ phủ tài chính Mumbai của Ấn Độ hiện là nơi tập trung giới siêu giàu cao thứ ba thế giới, sau New York và London.

Thủ phủ tỷ phú mới của châu Á - 1

Cảng Mumbai của Ấn Độ (Ảnh: EPA).

Viện nghiên cứu Hurun có trụ sở tại Thượng Hải ngày 25/3 công bố trung tâm tài chính Mumbai của Ấn Độ đã lần đầu tiên vượt qua Bắc Kinh của Trung Quốc để trở thành "thủ phủ tỷ phú" ở châu Á.

Theo danh sách người giàu thế giới do Viện đăng tải, số lượng tỷ phú ở Mumbai đã tăng lên 92 người, cao thứ ba thế giới sau New York (119) và London (97). Đáng chú ý, thủ đô New Delhi của Ấn Độ cũng lần đầu tiên lọt vào top 10 trong danh sách này. 

Ngoài ra, báo cáo cho biết Ấn Độ hiện có 271 tỷ phú, cao thứ ba trên thế giới chỉ sau Trung Quốc (814) và Mỹ (800).  

Mukesh Ambani, chủ sở hữu Tập đoàn Reliance Industries của Ấn Độ, giữ vững vị trí số 1 trong bảng xếp hạng cá nhân giàu nhất Ấn Độ nói riêng và châu Á nói chung với khối tài sản ròng trị giá 115 tỷ USD. Chủ tịch Tập đoàn Adani, ông Gautam Adani, là người giàu có thứ hai tại quốc gia tỷ dân này với khối tài sản vừa tăng mạnh 33%, chạm mốc 86 tỷ USD.

Rupert Hoogewerf, Chủ tịch kiêm Trưởng nhóm nghiên cứu của Hurun Report, chia sẻ: "Ấn Độ đã có một năm phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Niềm tin vào nền kinh tế quốc gia này đã tăng lên mức kỷ lục". Chuyên gia này cũng lưu ý sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI) được xem là nhân tố chính thúc đẩy xu hướng này khi đã góp phần tạo ra hơn một nửa lượng tài sản mới trong năm nay.

Số lượng tỷ phú ở Ấn Độ đã tăng lên nhanh chóng kể từ khi quốc gia này ban hành cải cách chính sách kinh tế vào năm 1991 nhằm cho phép nhiều đầu tư nước ngoài mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, chênh lệch giàu nghèo giữa 1% người giàu nhất và phần còn lại của đất nước cũng đã đạt mức cao nhất lịch sử.

Theo một bài báo nghiên cứu gần đây, các chuyên gia kinh tế Kumar Bharti, Lucas Chancel, Thomas Piketty và Anmol Somanchi khẳng định rằng sự giàu có ở Ấn Độ đang ở mức cực kỳ bất bình đẳng, thậm chí vượt xa thời kỳ thuộc địa của Anh. Theo đó, 1% cá nhân giàu có nhất đang nắm giữ tới 40,1% tài sản quốc gia trong giai đoạn 2022-2023.

Kinh tế Ấn Độ liên tiếp đạt được nhiều thành tích đáng kể với GDP tăng trưởng 8,4% trong quý IV/2023, tốc độ nhanh nhất trong 6 quý vừa qua. Theo nhiều nhà phân tích, quốc gia Nam Á này đã sẵn sàng trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trong vòng 3 năm tới. 

Theo RT