1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Thủ lĩnh Hezbollah - Người hùng mới của thế giới Ảrập

(Dân trí) - Thế giới Hồi giáo đã có một người hùng mới. Tại các nước Hồi giáo từ Marốc đến Indonesia, Thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đang trở thành người hùng, người dám đương đầu với sức mạnh của Israel và đang ở thế chiến thắng.

Ngay cả ở London, một trong những thành trì của Phương Tây, một số người biểu tình đòi ngừng bắn tại Libăng hôm 5/8 đã giương cao những bức chân dung của vị thủ lĩnh Hezbollah, người ngày 12/7 đã cho bắt cóc hai binh sĩ Israel nhằm trao đổi tù nhân với nhà nước Do Thái.

Có lẽ ông Nasrallah đã không lường hết được phản ứng quyết liệt của Israel đối với hành động trên, nhưng đã suýt soát một tháng kể từ ngày Thủ tướng Israel Ehud Olmert ra lệnh cho lực lượng không quân Israel, rồi tiếp đó là bộ binh tấn công Hezbollah, nhóm này không những đứng vững, gây thương vong lớn cho binh sĩ Israel mà còn tiếp tục nã tên lửa vào nhà nước Do Thái.

Trong cuộc biểu tình tại London hôm 5/8, một số thanh niên thậm chí còn giương cao các biểu ngữ kêu gọi ông Nasrallah hãy bắn tên lửa vào Tel Aviv, lặp lại mong mỏi được đưa ra trong tất cả các cuộc biểu tình ở Thế giới Ảrập.

Tại Marốc, trong cuộc biểu tình ở Casablanca ngày 6/8,những người biểu tình đã hô vang những câu như:"Chúng tôi yêu Nasrallah; hãy phá hủy Tel Aviv. Tất cả chúng ta đều là Hezbollah, tất cả chúng ta đều là Nasrallah. Lạy thánh Allah, xin người hãy đem lại chiến thắng cho Hezbollah...".

Tại Tây Ban Nha, đất nước có nửa triệu người Hồi giáo, được cho là ôn hòa và hòa nhập khá tốt vào vào cộng đồng dân cư 44 triệu của nước này, tỷ lệ ủng hộ Nasrallah cũng ở mức khá cao. Ông Riay Tatary, thuộc Liên minh những người Hồi giáo tại Tây Ban Nha nói: "Nasrallah đang chiến đấu để giải phóng đất nước của ông ta, tôi ủng hộ cuộc kháng chiến".

Những người biểu tình tại Viên, Áo, nơi cư trú của khoảng 400,000 tín đồ Hồi giáo, đã giương cao những biểu ngữ kêu gọi "Nasrallah, hãy oanh tạc Tel Aviv đi".  Ngay cả ở những nước đồng minh chủ chốt của Mỹ như Jordan, nước đã ký một hiệp đình hòa bình với Israel, những người biểu tình đã dương cao những chân dung lớn của Nasrallah và cầu nguyện cho Hezbollah chiến thắng. Tại Iraq, trong một cuộc biểu tình khổng lồ nhằm ủng hộ cho Hezbollah hôm 4/8, hàng trăm nghìn người Hồi giáo dòng Shiites đã tập trung tại Baghdad, hô vang những câu như "Hãy tiêu diệt Israel và kháng chiến". Đây là cuộc biểu tình ở nước ngoài lớn nhất nhằm ủng hộ cho Hezbollah kể từ khi Israel mở cuộc tấn công vào Libăng hôm 12/7.

Tại Pakistan, Nasrallah có thể chưa nổi tiếng bằng Thủ lĩnh Al-Qaeda, Osama Bin Laden, nhưng những bức chân dung lớn về hình ảnh của vị thủ lĩnh có bộ râu quai nón, đeo kính và đội khăn xếp màu đen đặc trưng của các giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiites đã xuất hiện ngày một thường xuyên hơn trong các cuộc biểu tình chống Israel,đặc biệt là ở những cuộc biểu tình trong cộng đồng Hồi giáo thiểu số Shiites tại Pakistan. Nasrallah cũng thu hút sự ủng hộ của một số người Sunni,cộng đồng Hồi giáo chiếm đa số tại Pakistan.

Tại Afghanistan, nước có cộng động người Hồi giáo Sunni chiếm đa số, nhưng sự ủng hộ đối với Hezbollah cũng đang ngày một gia tăng. Ông Mohammed Zubai, một giảng viên tại Trường Đại học Cabun nói:"Tôi có thể nhìn thấy trước cái ngày các thành viên Hezbollah trở thành những anh hùng trong thế giới Hồi giáo. Hezbollah là một nhóm khủng bố, nhưng với việc Israel mở các cuộc tấn công với quy mô không tương xứng nhằm vào người dân vô tội và các quốc gia có chủ quyền, trong đầu của người dân, những nhóm khủng bố dạng này đang trở nên hợp pháp".

Tại Indonesia, quốc gia có dân số theo đạo Hồi đông nhất thế giới, nơi các cuộc biểu tình chống Israel đang ngày một gia tăng, vị thế của Nasrallah cũng đang lên cao. Thậm chí tại Bangladesh, còn có một cây cầu được gọi tên là Hezbollah. Phát biểu tại buổi lễ khánh thành cây cầu, Bộ trưởng Thông tin Bangladesh Salahuddin Ahmed nói: "Tôi đặt tên cây cầu này là Hezbollah để chứng tỏ tình cảm mà chúng tôi dành cho nhóm này. Hezbollah là nhóm duy nhất dám chiếm đấu chống lại Israel và cây cầu này được lấy tên của tổ chức trên để chứng tỏ lòng tôn trọng của chúng tôi".

Cũng giống như tại Libăng, Hezbollah cũng nhận được sự ủng hộ rất mạnh mẽ tại một số khu vực ở chính Israel. Tại Jerusalem, khu vực bị Israel chiếm đóng vào năm 1967, trong những con ngõ và đường phố chật hẹp, người ta đang bán rất nhiều những cuốn băng cátsét và đĩa CD chứa những bài hát ca ngợi ca ngợi Hezbollah và Nasrallah.

Thủ lĩnh Hezbollha Nasrallah, 45 tuổi, một nhà hùng biện lão luyện được xem là có biệt tài hài ước nhất trong số các thủ lĩnh phong trào chính thống tại Trung Đông. Sinh ra tại Beirut, Libăng, lớn lên theo học đại học tại thành phố Com ở Iran, nơi được ví như Tòa thánh Vatican của người Hồi giáo người Shiites. Nasrallah được bầu làm Tổng thư ký của Hezbollah vào năm 1992 sau khi Israel tiêu diệt người tiền nhiệm của ông là Abbas al-Musawi trong một vụ không kích.

Nhiều năm qua, Hezbollah đã gặt hái được những thành công chính trị đáng kể nhờ đường lối hoạt động tương đối độc lập, không bị lôi kéo vào các tổ chức liên Ảrập, liên Hồi giáo. Hiện Hezbollah đang chiếm 14 ghế trong tổng số 128 ghế tại Quốc hội Libăng và là tổ chức có số nghị sĩ lớn thứ hai của người Shiites. Tỷ lệ nghị sĩ của Hezbollah trong Quốc hội Libăng có thể còn nhỏ nhưng đảm bảo tính hợp pháp, do đó không thể coi họ là một tổ chức khủng bố.

Tại Jerusalem, các nhà buôn Ảrập , những người bị mất đi nguồn khách du lịch do chiến tranh đã ngồi tập trung để tán gẫu với nhau về những diễn tiến mới nhất tại Libăng và Israel. Anh Jabra Nazmi, 25 tuổi, chủ một cửa hàng bán quần áo tại Jerusalem nói:"Tôi rất sung sướng được chứng kiến cảnh lính Israel chết như rạ. Giết được các du kích Hezbollah ư? Họ sẽ lên thiên đường như những người tử vì đạo". Ông Khaled Tamimi, một chủ cửa hàng khác, 42 tuổi nói: "Người dân ngưỡng mộ Nasrallah như họ ngưỡng mộ Cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein. Ông ta là người đã dám đứng lên chống lại Israel, nước đã chiếm đóng chúng tôi trong suốt 40 năm qua. Israel được đánh giá là cường quốc quân sự mạnh nhất trong khu vực và ông Nasrallah đã kéo nước này vào trong vũng bùn".

Theo ông Tamimi, các nhà lãnh đạo Ảrập như Tổng thống Ai Cập Hosni Mubarak và hai ông "Abdullahs"- Quốc vương Jordan và Quốc vương Ảrập Xếut "đang là những kẻ đồng lõa" trong cuộc tấn công của Israel vào Libăng. Ông này nói: "Chắc chắn Nasrallah là một anh hùng, đặc biệt là nếu so với một kẻ phản bội như Mubarak."

Trong một cuộc phỏng vấn ngày 3/8 dành cho hai tờ nhật báo tại Jordanian, Quốc vương Abdullah II đã thừa nhận rằng đối với nhiều người Ảrập, Hezbollah trên thực tế đã được coi là một anh hùng. Nhân dân Ảrập hiện đang coi Hezbollah là một tổ chức anh hùng bởi họ đang chiến đấu chống lại Israel và bảo vệ đất đai của họ. Ngay cả khi Hezbollah hiện này bị tiêu diệt, trong vòng một hoặc hai năm gì đó, một tổ chức kiểu Hezbollah với tên gọi khác sẽ nổi lên, có thể tại Jordan, tại Syria, tại Ai Cập hoặc tại Iraq. Israel phải nhận thức được điều này".

A.K
Theo AFP

Dòng sự kiện: Israel - Lebanon crisis

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm